Chiến lược này sẽ được triển khai từ năm 2017 nhằm giải quyết tất cả các vấn đề về canh tác và thị trường.
Quyết định xây dựng chiến lược lúa gạo mới được đưa ra trong cuộc họp của Ủy ban Chính sách và Quản lý lúa gạo Thái Lan hôm 24/2 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha.
Ông nhấn mạnh trong năm 2016 này, Thái Lan đặt mức trần sản xuất gạo là 26 triệu tấn để tránh việc nguồn cung dư thừa quá mức khiến giá gạo xuống thấp.Tại cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ Thái Lan nói rằng chiến lược 20 năm này sẽ bao quát các giai đoạn quản lý từ trồng trọt đến thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Trong năm 2015, sản lượng gạo của Thái Lan là 31,2 triệu tấn.
Thủ tướng Chan-o-cha cũng chỉ đạo chính phủ đưa ra thêm các biện pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ gạo ở thị trường nội địa và khuyến khích người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác ngoài cây lúa.
Bên cạnh chiến lược sản xuất lúa gạo, Thái Lan cũng sẽ sớm có các chiến lược đối với ngành trồng cao su, sắn và mía đường.
Bộ Thương mại Thái Lan cho biết thêm một khoản ngân sách hơn 10 tỷ baht đã được đề xuất cho việc thực hiện chiến lược này. Năm 2016, Thái Lan đã đặt mục tiêu xuất khẩu 9,5 triệu tấn gạo.
Trước khi thông tin Thái Lan xây dựng chiến lược mới về lúa gạo được công bố, chính phủ nước này cũng đã tiến hành dự án 'nắn' dòng sông Mekong nhằm dẫn nước vào các khu vực hạn hán vùng đông bắc Thái Lan.
Cụ thể, Thái Lan đã tiến hành bước đầu tiên của dự án là vận hành 3 trạm bơm có công suất 12.000 lít/giây mỗi trạm để chuyển nước từ sông Mekong đến lưu vực sông Huay Laung ở tỉnh Nong Khai.
Giới chuyên gia nông nghiệp Việt Nam cảnh báo, việc Thái Lan trữ nước phát triển nông nghiệp gây nhiều nguy cơ đối với Việt Nam, đồng thời khiến gạo Việt Nam phải đương đầu với mức độ cạnh tranh ngày càng lớn.
GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết: "Đây không phải lần đầu tiên Thái Lan chuyển nước từ sông Mekong vào các vùng lúa của nước mình. Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt vào mùa khô.
Thái Lan đang hướng tới trồng gạo xuất khẩu đắt tiền, năng suất không cao, nhưng trồng không cần nước tưới, chỉ cần nước mưa, 7 tháng mới thu hoạch, năng suất 2,8- 3,5 tấn.
Đặc biệt, người nông dân Thái Lan cũng nghèo như nông dân Việt. Hai năm trở lại đây, chính phủ, quân đội đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp Thái Lan phải chính sửa chính sách, chuyển đổi cơ cấu trồng lúa sang trồng các loại cây khác. Như hiện nay, Thái Lan trồng rất nhiều xoài, vải thiều...năng suất cao, xuất khẩu nhiều.
Cho nên, nếu như chúng ta vẫn lấy nước từ dòng chính sông Cửu Long như trước đây thì chắc chắn chúng ta sẽ thiếu nước. Mùa khô năm 1972 trước giải phóng, ĐBSCL được khoảng 2200 m3/s, còn khi lấy nước khai thác con kênh Thành Long, kênh vùng Tiền Giang, có thể nói lưu lượng sông giảm đi, giờ chỉ còn dưới 1500 m3/s".
Theo ông Xuân, đây chính là yếu tố thúc đẩy áp lực lên gạo Việt Nam, vì chúng ta không thể cạnh tranh lúa ngon thơm với Thái Lan, vì nông dân Việt không thích trồng giống lúa mùa, chúng ta cứ phải trồng lúa cao sản.
Mỗi vụ, chúng ta thu hoạch 5-6 tấn, gạo không ngon, nhưng có thể bán với số lượng cao. 1 năm làm 2 vụ chúng ta có 12 tấn gạo, còn Thái Lan thì chỉ có 3,5 tấn. Hiện nay, dòng gạo của Việt Nam đang hướng tới các nước thu nhập trung bình như Indonesia, Philippines vì họ nghèo không mua gạo giá cao quá, châu Phi cũng vậy, giá bán trung bình 25.000đ/kg.
Nếu như Thái Lan có điều kiện họ sẽ chuyển sang gạo chi phí thấp, cạnh tranh với Việt Nam, bán cho Philippines, Indonesia, châu Phi giá thấp, đó là thách thức vô cùng lớn cho gạo Việt Nam nếu không đủ sản lượng.
Minh Thái (Tổng hợp)