Chị Phạm Thị Liên (trái) khóc nghẹn khi hay tin chồng mất tích, chị Liên đang mang bầu gần 7 tháng - Ảnh: TRẦN MAI
Tối 17-10, Bộ đội biên phòng cửa khẩu Kỳ Hà (huyện Núi Thành, Quảng Nam) tỏa đi đến 13 ngôi nhà có ngư dân mất tích để chia sẻ, động viên những người vợ, người mẹ vững tin, bởi lực lượng chức năng và ngư dân đang quần thảo tìm kiếm 13 ngư dân mất tích trong 2 vụ chìm tàu câu mực.
Tàu câu mực Quảng Nam chìm trên biển từng hai lần gặp nạn lớn
Vợ bầu ngóng chồng trở về
Chị Phạm Thị Liên (39 tuổi) ngồi co ro bên góc nhà, nước mắt chảy dài mỗi khi nhắc đến chồng. Chị Liên kể ngày 5-10, anh Nguyễn Ngọc Phúc (chồng chị Liên) mua nhu yếu phẩm lên tàu đi biển. Lúc đi, anh nói đi phiên cuối năm rồi nghỉ đón Tết.
"Tôi mang bầu gần 7 tháng, đi phiên này xong anh Phúc cũng về ở nhà phụ vợ lúc sinh con, vậy mà giờ không biết anh đang ở đâu, trời ơi...", chị Liên khóc.
Xã Tam Quang mưa xối xả, bóng tối u tịch càng khiến không khí thêm não nề. Nước mưa phủ kín sân vừa rút thì nước mắt lại đầy nhà. Khoảng 10h sáng nay, chị Liên đang sửa quần cho khách ở chợ Tam Quang thì bạn hàng nói có vụ tàu chìm. Rồi thông tin ngư dân mất tích được một người thân gửi đến, có tên anh Phúc. Tin sét đánh, chị Liên quỵ ngã, hàng xóm phải dìu chị về nhà.
54 ngư dân trên chiếc tàu Qna 90129, gia đình không chỉ có anh Phúc mà còn có ông Phạm Văn Nga (cha ruột chị Liên), may sao ông được cứu sống cùng 42 ngư dân. Bà Huỳnh Thị Ngọc (mẹ ruột chị Nga) vừa bắt xe từ Quảng Ngãi ra Quảng Nam để bên cạnh con gái lúc khó khăn này.
"Thằng Phúc mà có chuyện gì, ba đứa con nó ai nuôi. Phụ nữ làng biển chỉ chăm con, tiền bạc đều dựa vào mỗi phiên biển của chồng. Khổ lắm...", bà Ngọc thở dài.
Chị Nghị thẫn thờ từ lúc hay tin tàu gặp nạn, chồng chị chẳng biết giờ thế nào - Ảnh: TRẦN MAI
Càng về khuya, hàng xóm mỗi lúc một nhiều hơn, những ngư dân lão luyện từng câu mực và trôi lênh đênh nhiều giờ trên biển như ông Nguyễn Tấn Trị phải trấn an. "Không sao đâu, thời xưa khó trăm bề, chú từng trôi lênh đênh cả ngày còn được cứu, nói chi giờ Nhà nước cử đủ tàu trang bị tối tân đi tìm. Bình tĩnh, chú nghĩ mai là tìm ra thôi Liên", ông Trị tâm tình.
Mỗi thời khắc trôi qua, nỗi lo lại lớn dần
Từ lúc hay tin hai tàu câu mực bị lốc xoáy đánh chìm, từng nhóm phụ nữ đứng trò chuyện dọc tuyến đường. Mặc mưa gió, mọi người hướng về phía những ngôi nhà có người mất tích. Chị Mai Thị Nghị, vợ ngư dân Đinh Văn Phương, kể chuyến biển trước anh Phương mang về cho vợ con hơn 40 triệu đồng. Ở nhà được 10 ngày anh lại đi biển.
"Xóm nhỏ này có ba người đi trên chuyến tàu đó, hai người được cứu rồi, chỉ có chồng tôi giờ chẳng biết ở đâu. Cầu trời phù hộ anh không có chuyện gì", chị Nghị nói.
Các chiến sĩ biên phòng đến với gia đình ngư dân, sẻ chia, động viên mọi người bình tĩnh - Ảnh: LÊ TRUNG
Cưới nhau hơn 20 năm, chừng ấy thời gian anh Phương đi biển. Cũng gần chục năm anh góp vốn cùng chủ tàu Qna 90129, trời thương những phiên biển thường có thu nhập. Nghề câu mực đặc thù, biển có gió lớn câu dễ hơn, nên ai cũng ham. Phận làm vợ, mỗi lần chồng đi biển chị Nghị lại phập phồng.
Ông Đinh Văn Minh, anh trai ngư dân Phương, cũng hành nghề câu mực, tàu ông vừa vào đến đất liền sáng nay. Bước chân lên cảng là nghe tin em trai mất tích, ông chạy vội đến nhà em, nhìn chị Nghị và hai cháu khóc, ông chẳng biết động viên thế nào.
"Tôi lênh đênh hơn 2 tháng chẳng sao, vậy mà nó ra biển có mấy ngày lại gặp chuyện", ông Minh nói. Hơn 20 năm câu mực, ông Minh hiểu lốc xoáy ở biển kinh khủng đến mức nào. Chính ông cũng mấy lần suýt chết vì lốc. May lốc ban ngày, tàu phát hiện và né kịp.
Ông Minh vừa câu mực về đến đất liền sáng nay thì hay tin em trai mất tích, người em út của ông cũng đang câu mực ở Trường Sa - Ảnh: TRẦN MAI
Lo cho tính mạng của ngư dân Phương, ông Minh lại có thêm nỗi lo nữa khi người em út tên Đinh Văn Khánh cũng đang câu mực ở Trường Sa. Từ trưa đến giờ, ông liên tục Icom hỏi thăm tình hình và dặn anh Khánh nói chủ tàu cẩn thận, bởi mùa này lốc ở Trường Sa thường xuyên xuất hiện.
"Lốc ngoài biển kinh khủng lắm, cỡ tàu sắt còn bị hất lên cả chục mét, nói chi tàu câu mực. Mà chẳng hiểu sao tối hôm đó không ngư dân nào đi câu mà ở lại trên thuyền. Giá mà đi câu hết thì chẳng mất tích cả chùm như vậy", ông Minh nói.
Bảy tàu cá và nhiều tàu của lực lượng chức năng đang tiến về khu vực đảo Song Tử Tây để tìm kiếm 13 ngư dân mất tích. Thủ tướng cũng có công điện, yêu cầu bằng mọi cách tìm cứu các ngư dân. Tất cả lực lượng đang khẩn trương tìm kiếm, hy vọng sẽ có phép màu...
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online