Ông Bùi Khắc Kiên trao đổi với phóng viên tại nhà riêng Ông Bùi Khắc Kiên mong các nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu công nghệ của mình để nhân rộng sản phẩm này vì nó rất có ích cho xã hội
Sáng ngày 14/7/2014, người nông dân Bùi Khắc Kiên (xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), chủ nhân của sáng chế lò đốt rác nhiệt độ cao đã chia sẻ với phóng viên về việc mong muốn có thêm nhiều sự giúp sức từ các nhà khoa học của Việt Nam.
Ông Bùi Khắc Kiên chia sẻ: “Nhiều ngày nay tôi nhận được sự quan tâm rất nhiều từ các đơn vị báo chí, đài truyền hình nhà nước cũng đến quay phim phỏng vấn, tôi rất cảm kích. Nhưng cũng mong các đơn vị báo chí truyền tải giúp tôi một thông điệp: mong các nhà khoa học tiếp xúc nhiều hơn với sáng chế của tôi để có thể nhân rộng.”
Vì sao cần có sự giúp sức của các nhà khoa học, ông Bùi Khắc Kiên lý giải: “Công nghệ của tôi còn vướng phải một số vấn đề, thứ nhất là về nồi hơi, tôi chưa được cấp chứng chỉ sử dụng cái này của nhà nước, các nhà khoa học thì có cái đó, nên tôi mong nhận được sự giúp sức.
Thứ hai, bơm áp suất để đưa nước vào nồi hơi tôi cũng không có khả năng tiếp cận. Bởi trên thế giới chẳng ai sản xuất loại này cỡ nhỏ, tôi tự chế ra thì không được cho phép vì không có ai kiểm chứng, kiểm tra cái đó, nhưng các nhà khoa học hơn tôi ở chỗ này, nên nếu có sự giúp đỡ thì sẽ có một sản phẩm hoàn thiện hơn.”
Ông Bùi Khắc Kiên chia sẻ thêm: “Tôi sẽ chẳng giấu giếm gì công nghệ của mình, chỉ mong sao nó được hoàn thiện, nó có đầy đủ giấy tờ chứng nhận hợp lệ để được áp dụng rộng rãi. Như thế sẽ tốt hơn rất nhiều cho môi trường, tiết kiệm được khoản tiền lớn mà hằng năm nhà nước đổ vào để tiêu hủy rác thải.”
Người nông dân này cho biết thêm:
“Tôi biết nhiều người còn hoài nghi không thể đưa nhiệt độ lên cao như thế, nó là phi lý với các nguyên tắc khoa học trước đây, nhưng xin thưa tôi có biện pháp, có thể gọi là đột phá. Nếu con người không có đột phá như thế thì làm sao khoa học có thể phát triển đến ngày hôm nay được. Còn nếu nhà khoa học nào không tin, vì thế tôi mới mong đến nghiên cứu, hợp tác hỗ trợ cho sản phẩm của tôi.
Tôi đã chế tạo một số mô hình áp dụng cho doanh nghiệp trong tỉnh, rất hiệu quả, tiết kiệm cho họ 7 triệu tiền củi một ngày, trong khi chi phí lắp đặt là 25 triệu. Cũng đã có khoảng 20 doanh nghiệp đến đặt hàng tôi, nhưng tôi chưa nhận lời ai, tôi không muốn kiếm lợi từ sáng chế đó, tôi muốn nó được nhân rộng và có ý nghĩa xã hội to lớn hơn.”
Phải nói rằng lần này, ông Bùi Khắc Kiên đã phát đi lời “cầu viện” với các nhà khoa học, các giáo sư tiến sĩ của Việt Nam để được hỗ trợ trong nhiều vấn đề, từ những nguyên vật liệu mà một người nông dân không thể tiếp cận, cho đến những thủ tục pháp lý.
Hi vọng, lời thỉnh cầu này của ông Kiên sẽ đến được tai của nhiều nhà khoa học còn tâm huyết với nền khoa học nước nhà.
Minh Tú