Các nhà nghiên cứu nói trừ phi có hành động quyết liệt, phần lớn đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm dưới nước vào năm 2100
Vùng đồng bằng này, nơi sinh cư của gần 18 triệu người và sản xuất một nửa sản lượng lương thực của Việt Nam, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tiềm tàng này phần lớn là do việc khai thác nước ngầm quá mức đang khiến đất sụt lún trong khi mực nước biển đồng thời đang dâng lên, nghiên cứu nhận thấy.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Utrecht ở Hà Lan đã tạo ra một mô hình số rộng khắp toàn vùng đồng bằng để theo dõi tác động của việc khai thác nước ngầm trong 25 năm qua và sử dụng nó làm cơ sở cho các dự đoán trong tương lai.
Khi kết hợp với tốc độ gia tăng của mực nước biển do biến đổi khí hậu, họ nhận thấy rằng dù có hành động gì được thực hiện đi chăng nữa, vùng đồng bằng trũng thấp rộng lớn sẽ bị mất – mặc dù những thay đổi trong việc sử dụng đất có thể cứu vãn một số khu vực khác.
“Kết quả cho thấy khi khai thác nước ngầm được cho phép tăng liên tục như trong những thập niên qua, sụt lún do khai thác có thể nhấn chìm gần như toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long,” họ kết luận.
Philip Minderhoud, một nhà nghiên cứu các hệ thống dưới mặt đất và nước ngầm tại Đại học Utrecht và là người đứng đầu nghiên cứu này, cho biết khai thác nước ngầm là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong một loạt các yếu tố khiến đồng bằng sụt lún trung bình khoảng một centimét mỗi năm.
“Đồng bằng sẽ chứng kiến rất nhiều thay đổi trong những thập niên tới,” ông nói.
Việc Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường vào năm 1986 đã kéo theo việc khai thác nước ngầm ồ ạt từ mức gần như bằng không 30 năm trước cho tới 2,5 triệu lít hiện đang bị rút khỏi tầng nước ngầm của đồng bằng mỗi ngày.
Ông giải thích nước mất đi làm giảm áp lực trong cấu trúc địa chất bên dưới, khiến đồng bằng lún xuống.
“Tất nhiên người dân sống ở đồng bằng có thể phát triển được trong nhiều thập niên qua một phần là do họ có nguồn nước ngầm này như một nguồn nước ngọt miễn phí,” ông nói. “Đó sẽ là một thách thức lớn bởi vì hoặc là bạn tăng tốc sự sụt lún hoặc là bạn không có gì để uống và tưới cho hoa màu của mình.”
Ông nói mực nước biển đồng thời đang tăng với tốc độ khoảng 3 mm đến 4 mm mỗi năm.
Trọng lượng của những cấu trúc nhân tạo xây trên đồng bằng, dòng chảy trầm tích từ thượng nguồn suy giảm và độ nén tự nhiên cũng là những yếu tố góp phần làm mất đất đồng bằng, ông nói.
“Nhưng khai thác nước ngầm là nguyên nhân duy nhất mà con người thực sự có thể thay đổi một cách tích cực nếu muốn mức độ sụt lún,” ông cho biết.
Dù việc nâng nhà và đường sá được thực hiện khéo léo hơn để ứng phó với vấn đề này, song tác động của nó đối với nông nghiệp là không thể tránh khỏi và nghiêm trọng, ông nói thêm.
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới và 95 phần trăm sản lượng đó được sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi cũng chiếm 60 phần trăm lượng cá xuất khẩu của cả nước.
Bùi Chi Bửu, cố vấn của chính phủ Việt Nam về sản xuất lúa gạo và là cựu viện trưởng Viện Khoa học Kĩ thuật Nông nghiệp miền Nam, cho biết tác động kinh tế của việc mất đất vẫn chưa rõ ràng.
“Chúng tôi lo lắng về tương lai. Tài nguyên nước ngọt, nó có nghĩa là nguồn nước tự nhiên đến từ sông Mekong vào mùa khô là không ổn,” ông nói.
Năm 2016, Việt Nam thiệt hại hơn 1,6 tỉ đôla do lũ lụt và hạn hán hủy hoại ít nhất 300 triệu tấn gạo ở vùng đồng bằng, ông nói.
Chín nhánh của sông Mekong bồi đáp phù sa cho vùng đất màu mỡ và phì nhiêu này khi chúng đổ biển khắp một khu vực có diện tích khoảng 40.000 km vuông.
Chín nhánh đó giờ chỉ còn bảy, ông Bửu nói. “Nhưng trong tương lai có lẽ chúng tôi còn bốn hoặc năm, tôi không biết.”
Mất đi lượng trầm tích được bổ sung tự nhiên là một yếu tố hệ trọng khác góp phần làm đồng bằng sụt lún.
Các đập trên thượng nguồn sông Mekong, có chiều dài hơn 4.000 km bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc rồi chảy qua Lào và Campuchia trước khi tuôn qua vùng đồng bằng, đã dẫn tới việc mất đi khoảng 40 phần trăm dòng chảy trầm tích, ông nói.
Một nghiên cứu năm 2018 của Ủy ban Sông Mekong cho thấy 97 phần trăm dòng chảy trầm tích đến đồng bằng sẽ bị mất đến năm 2040 nếu tất cả các con đập dự định xây trên sông Mekong và các phụ lưu của nó được xúc tiến.
Ông Bửu nói các biện pháp chính sách ứng phó với nhiều thế lực làm xói mòn đồng bằng, có thể bao gồm đê và cửa xả nước, đang được soạn thảo.
Phạm Văn Hùng, Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên Nước miền Nam, người đóng góp vào nghiên cứu này, nói một số hạn chế đối với việc khai thác nước ngầm đã được chính phủ ban hành hồi gần đây.
Hàng chục triệu tấn cát cũng đang được khai thác hàng năm từ sông Mekong, bao gồm cả ở đồng bằng sông Cửu Long, và việc này càng làm vấn đề trầm trọng hơn, Marc Goichot, chuyên gia đặc trách về nước thuộc chương trình Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng của WWF, nói.
Tất cả các thế lực này đã tác động đến trạng thái cân bằng động vốn bổ sung cho vùng đồng bằng này một cách tự nhiên.
“Điều rõ ràng là tất cả các thế lực đó đều đang góp phần đưa tới một vấn đề,” ông nói. “Đồng bằng sụt lún là một vấn đề rất lớn.”
David Boyle
triviet.news