Chuyện bi hài "ngõ nhỏ, phố nhỏ" Hà Nội"Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó. Đêm nằm nghe trong gió tiếng sông Hồng thở than…", hình ảnh những con ngõ nhỏ bé, yên bình nép mình dưới những hàng cây xanh mát từ lâu luôn là vẻ đẹp riêng của Hà Nội.

Thế nhưng đằng sau những con ngõ nhỏ dường như rất đỗi êm ả ấy là biết bao những câu chuyện nhân sinh nhọc nhằn, trong đó có cả những tình huống trớ trêu, cười ra nước mắt.

“60 phân vẫn còn rộng”

 

Trong hành trình tìm kiếm những con ngõ nhỏ nhất Hà Nội, tất cả mọi lời chỉ dẫn mà chúng tôi nhận được đều hướng về khu phố cổ quanh hồ Hoàn Kiếm như Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân, Hàng Chiếu, Hàng Đường... Khu vực này được coi là "thủ phủ" của những con ngõ siêu nhỏ, siêu ngắn và siêu...tối của Thủ đô.

Chuyện bi hài

Nằm giữa hai cửa hàng số 30 và 32 phố Đồng Xuân rực rỡ màu sắc của những hàng hoá được bày bán tràn lan ra cả ngoài vỉa hè, con ngõ 30 Đồng Xuân càng trở nên "lép vế" bởi cái chiều rộng khiêm tốn chưa đầy 60cm. Vừa bước chân vào trong ngõ, một cảm giác lành lạnh nhanh chóng xâm chiếm khắp cơ thể chúng tôi. Lần mò qua mấy góc cua ngoằn nghoèo, đích đến cuối cùng của con ngõ là một bức tường chắn ngang.

Cái bề rộng vốn khiêm tốn của con ngõ càng trở nên ngột ngạt hơn bởi hàng đống vật dụng do chính những chủ nhân sống trong ngõ bày ra la liệt. Những chồng ghế dài, những đống than tổ ong cùng ngổn ngang những xoong, nồi, xô, chậu, bếp than... Có cả những gian bếp thu nhỏ được dựng ngay giữa lối đi.

Cụ Bùi Thị Hồng (87 tuổi), sống trong căn hộ cuối ngõ cho biết: Trong ngõ 30 có bốn hộ sinh sống, cụ là chủ nhân của một trong hai căn hộ nằm dưới tầng một. Hơn nửa thế kỷ, gia đình cụ Hồng vẫn sinh sống trong căn phòng nhỏ cũ kĩ, tường vôi đã xám ngoét và bong tróc ra từng mảng lớn. Thanh sắt đỡ trần lối đi - nơi gia đình cụ "trưng dụng" làm nơi đun nấu, giặt giũ cũng đã hoen gỉ, bị ăn mòn mỏng dính nhưng việc sửa chữa, cải tạo nó vẫn là một việc làm khó cỡ... siêu tưởng.

"Đã nhiều lần các hộ trong ngõ họp nhau bàn cách sửa sang nhưng không thể làm được vì lối đi quá nhỏ, không tìm đâu ra chỗ để vật liệu. Các anh thấy đấy, với không gian chật hẹp thế này thì chỉ cần xếp vài viên gạch vào là đã không có lối đi rồi chứ đừng nói đến chuyện có chỗ cho thợ xây họ làm", cụ Hồng nói. Thế nhưng theo cụ: "Chúng tôi còn may mắn hơn nhiều nơi khác vì ngõ đi vẫn đủ cho xe máy lọt qua, có thể cất xe trong nhà được. Nhiều nơi cũng ở khu phố cổ này còn chật hẹp hơn nhiều. So với những nơi ấy, chiều rộng 60 phân chỗ chúng tôi vẫn còn rộng chán".

Theo chỉ dẫn của cụ Hồng, chúng tôi tìm sang ngõ 16, phố Ngõ Gạch để kiểm chứng cho cái biệt danh "con ngõ nhỏ nhất Thủ đô" mà cụ và nhiều hộ dân khu phố cổ đặt cho nó. Nhìn từ ngoài phố, người đi đường sẽ tưởng con ngõ chỉ là một cái khe hở giữa hai ngôi nhà mà do sơ suất nào đó các chủ nhà quên không bịt kín lại. Vậy mà bên trong cái "khe hở" chưa đầy nửa mét kia lại là nơi sinh sống của tám hộ dân hàng trăm năm nay.

Vừa đặt chân vào ngõ, chúng tôi đã phải lùi lại để tránh đường cho một thanh niên đang đi ra. Ngõ nhỏ đến mức hai người không tránh được nhau. May mắn là đoạn đường hẹp ấy không kéo dài suốt 60 mét chiều dài của con ngõ. Đi sâu vào chừng 20 mét, lối đi dần mở rộng, đủ để thiết kế thành một cái "nhà tắm" lộ thiên và đoạn cuối con ngõ người ta quây kín lại thành hai phòng vệ sinh mi ni. Đây sẽ là nơi sinh hoạt chung cho mấy chục con người trong ngõ.

Chết cũng chẳng được ở nhà

Chuyện bi hài

Không chỉ chật chội, bí bách về không gian sống, cuộc sống của những hộ dân phía trong những con ngõ nhỏ của Hà Nội còn có vô vàn những tình huống tréo ngoe đến khó tin. Câu chuyện chúng tôi nghe được từ cụ bà Lại Thị Ân (70 tuổi), một cư dân sống trong ngõ 16 phố Ngõ Gạch có thể xem là một trong những câu chuyện như thế.

Theo bà Ân, rất hiếm khi xảy ra chuyện xích mích, cãi cọ liên quan đến việc tranh giành lối đi chung hay giữ vệ sinh chung tại cộng đồng những hộ dân sống trong con ngõ này. "Hàng mấy đời sống cùng nhau, cùng chịu chung cảnh chật hẹp, chúng tôi thừa hiểu và thông cảm để có thể tránh và bỏ qua những chuyện như thế. Nếu không thể khắc phục được những vấn đề nhỏ nhặt ấy thì làm sao chúng tôi có thể sống chung được với nhau suốt bao nhiêu năm nay. Duy chỉ có một chuyện mà dù cố gắng thế nào, chúng tôi cũng chẳng thể làm khác được", cụ Ân nói.

Cái chuyện "không thể làm khác được" mà cụ bà 70 tuổi này nói đến là chuyện liên quan đến vấn đề sinh mệnh con người. Theo cụ Ân, vì chiều rộng của con ngõ chưa đầy 50 phân nên không chỉ xe cộ không đi được mà một thứ liên quan mật thiết đến sự sống - chết của con người là cái quan tài cũng chịu chung số phận. "Mọi vật dụng khác như giường, tủ... chúng tôi đều có cách đưa vào ngõ được bằng cách tháo rời các bộ phận ra. Riêng quan tài thì không thể tháo rời các tấm ván đem vào trong nhà rồi lại đóng lại như cũ được. Người ta kiêng".

Từ ngày sinh ra con ngõ 16 phố Ngõ Gạch, tất cả những người đã từng sống ở đây đều không được chết trong nhà. Nếu gia đình nào trong ngõ có người ốm đau, bệnh tật mà có nguy cơ không qua khỏi thì lập tức những người trong gia đình phải mang người ốm ra khỏi ngõ, đến một nơi định trước rồi mới để người đó "nhắm mắt xuôi tay". "Đó là nhà tang lễ phố Phùng Hưng. Tất cả mọi người trong ngõ này trước khi qua đời đều phải chuyển đến nhà tang lễ này để chuẩn bị hậu sự. Cũng từng có trường hợp có người qua đời đột ngột ngay tại nhà và người nhà phải ngay lập tức cõng xác ra tận Phùng Hưng, khổ sở lắm", cụ Ân kể.

"Ai mà chẳng muốn được "ra đi" trong ngôi nhà mà mình đã sinh ra và lớn lên. Nhưng hoàn cảnh bắt buộc chúng tôi phải làm như thế, biết làm sao được hả chú", cụ Ân nói.

Suốt cuộc hành trình đi dọc các con phố cổ quanh hồ Hoàn Kiếm, những con ngõ chúng tôi bắt gặp trên cuộc hành trình như ngõ 13, ngõ 78 phố Đồng Xuân; ngõ 43 Hàng Đường, ngõ 22 Hàng Cân... đều có chung một đặc điểm là nhỏ hẹp như vậy. Tất cả những con ngõ này không nơi nào có chiều ngang rộng đến được một mét. Trần thấp đến nỗi, chỉ cần với tay lên là có thể chạm tới. Thậm chí có những ngõ như ngõ 22 phố Hàng Cân, người ta phải mắc các bóng điện bật suốt 24h/24h.


Theo ĐSPL.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC