Dậy từ 3h sáng, với gánh hàng rong, các chị tất tưởi từ phố này qua phố khác, đến tối mịt vẫn chưa nghỉ; trong khi ở nơi cửa khẩu nhiều cám dỗ, không kiềm chế, dễ phạm tội.
Cũng giống như các tỉnh có cửa khẩu khác như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh,…Lào Cai được nhiều lao động dưới xuôi tìm tới kiếm sống, hình thành những tốp “đồng hương” và dắt díu nhau sang cả bên kia biên giới tìm việc.
Vất vả mưu sinh
Cách cửa khẩu quốc tế Lào Cai khoảng 200m, trên một góc phố của thị trấn Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, một tốp phụ nữ khoảng bốn, năm người, ngồi tụm lại thành dãy, trang phục và hai thúng hàng hai bên cho thấy họ không phải là khách du lịch.
Khi được hỏi: "Quê ở đâu?", "Bán hàng gì?" thì tất cả đều nhoẻn cười: “Vùng trung du Phú Thọ”, “Trứng vịt lộn”. Hai thúng hàng, dễ đến vài trăm quả trứng vậy mà ngày nào cũng vậy, họ cứ đều đặn rong ruổi gánh hàng, đi khắp các hang cùng ngõ hẻm, đến khi hết mới quay về xóm trọ. Một gánh hàng đầy mỗi buổi sớm mai, dường như với họ, đó là “định mức” cần vượt qua để rút dần thời gian xa nhà, sớm trở về với gia đình.
Chị Phí Thị Loan, quê ở Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, người có thâm niên “xuất ngoại” trong nhóm hồ hởi: “Tôi sang đây ngót nghét chục năm rồi, từ lúc con gái còn đi học, giờ nó cũng sang đây bán hàng rồi đấy”. Quê nghèo, nghề phụ không có, mấy chị em trong xóm rủ nhau lên Lào Cai kiếm việc, ngày đầu làm thuê cho các cửa hàng ăn ở thành phố Lào Cai, làm cửu vạn ở khu vực cửa khẩu, thậm chí ai thuê đi theo bốc hàng cũng làm. Công việc vất vả mà tiền kiếm được lại bấp bênh, nhiều khi còn bị “đầu gấu” ăn chặn hết, chị bàn với các chị em làm giấy thông hành sang Hà Khẩu, bán trứng vịt lộn, tuy vất vả nhưng thu nhập cũng ổn định.
Theo lời chị Loan, chị Hải, chị Vân, những người cùng “nghề” thì ngày làm việc của họ bắt đầu từ rất sớm. 3h sáng dậy thổi cơm ăn, thái gừng, rửa rau thơm, sắp trứng vào thúng rồi cứ thế, một bên là bếp dầu, một bên là thúng trứng, mẹt rau thơm, bắt đầu hành trình “dạo phố”. Chiều đến, họ ra cửa khẩu đón trứng từ trong nước đưa sang, thanh toán tiền hàng để tối về vừa rửa trứng vừa tính toán lỗ, lãi. Họ chỉ kết thục một ngày làm việc lúc 22h khi cái lưng đã cứng đờ vì cả ngày bươn trải.
Theo chị Hải, thời gian đầu còn khỏe, chị em còn chạy sang hàng xóm xem nhờ tivi, giờ thì cứ xong việc là mắt díp lại, mình mẩy ê ẩm chỉ muốn nằm. “Suốt ngày ngồi, tối về ngâm tay hàng tiếng trong nước lạnh, làm gì còn hứng thú xem ti vi nữa thành ra nhiều khi có trò chuyện với người trong nước sang chơi mới biết chuyện quê mình. Hoàn cảnh bắt buộc thì phải chịu thôi, lúc sang đây ai cũng xác định rồi mà”, chị Hải phân trần.
Suốt ngày bận bịu với những tính toán, bán buôn, những lúc vãn khách là khoảnh khắc rỗi rãi hiếm hoi để các chị nhớ về gia đình, quê hương. Chị Vân bảo ngày đầu mới sang, nhớ nhà lắm, nhất là mỗi khi có hội hè, ngày nghỉ, nhìn người ta vợ chồng đưa con cái đi chơi, ăn uống, mình cũng thấy trạnh lòng. Mắt đỏ hoe, các chị bắt đầu kể về con cái, về gia đình, thậm chí những tật xấu của con cũng được các chị khoe với giọng rất tự hào. Trong số mấy chị em, chỉ có chị Loan là có con gái lớn, vừa học xong THCS, sang đây bán hàng thuê, hai mẹ con thuê riêng một phòng trọ.
Một chồng bát nhựa con con, can nước chấm pha sẵn, ít dưa góp, lá thơm, gừng, răm,…các chị như cõng cả mùi vị quê hương rong ruổi nơi xứ người để mưu cầu cuộc sống vẹn đầy sau này cho gia đình. Theo các chị, mỗi ngày, trừ các chi phí ăn uống, tiền thuê trọ, mỗi người cũng kiếm được khoảng vài trăm nghìn đồng, cao gấp nhiều lần so với ở nhà nhưng đổi lại, các chị phải biền biệt cả năm nơi xứ người, chỉ sum họp cùng gia đình mấy ngày lễ Tết, giỗ chạp. Tuy nhiên, tiếng không biết, luật pháp nước sở tại không hiểu, sống thành nhóm ở những xóm trọ tồi tàn, các chị là mục tiêu để bọn tội phạm nhòm ngó.
Dễ sa chân vào tội phạm
Theo chị Loan, ở nơi cửa khẩu này có rất nhiều cám dỗ, nếu không biết kiềm chế rất dễ sa chân vào tội phạm. Đơn cử như việc mua bán phụ nữ, bất cứ ai, dù bước sang đây, chỉ cần nói muốn bán người, khắc sẽ có người tới giao dịch. Vì nơi đây, hoạt động mại dâm diễn ra bán công khai nên những kẻ sống bằng nghề bảo kê, chủ chứa cũng chả cần núp danh. Chỉ cần nói có mối bán phụ nữ, họ sẽ tìm cách tiếp cận, cho số điện thoại liên lạc, thỏa thận giá cả,… vậy thôi vì cứ có “hàng” đưa sang khắc sẽ có người mua, trả tiền, dễ như mua mớ rau vậy.
Rồi việc thuê mang, vác hàng, nếu không cảnh giác, dễ trở thành con tốt thí của bọn buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng vi phạm pháp luật. Chị bảo, có con gái sang ở cùng, tiền kiếm được nhiều hơn, khi ốm đau có người nương tựa nhưng lo lắm vì ai mà lường hết được chữ ngờ. “Tối nào, thấy con về muộn là tôi lo đứng ngồi, đêm ngủ cứ dặn con nếu có ai nhờ cầm, cất hộ thứ gì, phải bắt họ giở ra kiểm tra rồi mới nhận”, chị Loan thành thật.
Theo quan sát của chúng tôi (PV), ở thị trấn Hà Khẩu, có hàng nghìn người Việt Nam sinh sống với đủ mọi nghề, từ lao động chân tay đến phiên dịch cho các nhà hàng, bệnh viện.... Trong khi những phụ nữ trung niên chọn nghề buôn thúng bán bưng, làm cửu vạn, thồ hàng thuê để kiếm sống thì nhiều cô gái có chút ít tiếng Trung giao dịch, được thuê đứng bán hàng. Theo lời Trang, nhân viên quầy mỹ phẩm gần chợ Đinh Minh thì các ông chủ ở đây không cần tuyển nhân viên có hình thức. “Điều họ cần ở người làm thuê là phải biết tiếng Trung để giao dịch bán hàng và chăm chỉ”, Trang tiết lộ. Tuy nhiên, điều này rất khó đạt được bởi nếu thông thạo tiếng Trung, họ sẽ không làm thuê để nhận tiền công rẻ mạt (khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng, không kể ăn tiêu), so với chất xám bỏ ra.
Hiện nay, rất nhiều lao động Việt đã đăng ký ở lại qua đêm ở Trung Quốc, nhưng cũng có khi đi lại trong ngày giữa thành phố Lào Cai và Hà Khẩu theo giấy thông hành. Hầu hết những người ở qua đêm tại Hà Khẩu đều ở các tỉnh dưới xuôi như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Yên Bái... Một vài người hoạt bát, có vốn liếng, giỏi quan hệ còn thuê các dãy ki ốt trong khu chợ Việt Nam, bán từ các mặt hàng khô như đỗ, đậu, măng miến đến những đồ đặc sản của hai nước. Trong số, họ có nhiều người thành đạt, như anh T, một trong những thế hệ đầu tiên của người Việt Nam sang Hà Khẩu lập nghiệp, từ hai bàn tay trắng giờ là chủ một loạt cửa tiệm kinh doanh vàng bạc có uy tín tại chợ Hà Khẩu.
Theo ĐV.