Cố định đốt hầm Thủ Thiêm số 3 giữa sông Sài GònSáng 5/5, đốt hầm Thủ Thiêm số 3 được lai dắt thành công từ bể đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai) vượt 22 km về tới vị trí chuẩn bị dìm xuống sông Sài Gòn. Việc cố định hầm giữa sông liên tục bị dòng chảy đẩy xô lệch.

Từ sáng sớm, công tác chuẩn bị cho việc lai dắt đốt hầm số 3 đã được triển khai khẩn trương. Trời nắng đẹp cùng tốc độ dòng chảy ổn định là một trong những điều kiện thuận lợi cho việc lai dắt.

"So với đốt số 1 và số 2, điều kiện thủy văn hiện có khó khăn hơn vì đang vào thời kỳ chuyển mùa rất dễ có mưa giông. Ngoài ra, đốt hầm số 3 sẽ được dìm giữa sông với độ sâu nhất là 27 m dưới đáy sông Sài Gòn, vì vậy các phương án cũng như việc theo dõi thủy văn đều được chuẩn bị kỹ càng", ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây cho biết.

Với kinh nghiệm đã có trong việc lai dắt đốt số 1, số 2, đoàn lai dắt đã kéo đốt thứ 3 một cách thuần thục mà không gặp bất cứ sự cố nào. Đến khoảng 9h20, đoàn lai dắt đã đi qua cầu Phú Mỹ - cầu dây văng biểu tượng của TP HCM. Nhiều người dân tụ tập trên cầu theo dõi sự kiện quan trọng này của ngành giao thông thành phố.

Đến trưa, đốt hầm Thủ Thiêm số 3 đã về tới khu vực Mỹ Cảnh (gần cầu Khánh Hội, quận 1), sớm hơn kế hoạch một giờ. Song việc cố định hầm giữa sông ở vị trí dìm gặp nhiều khó khăn vì dòng chảy tại khu vực này biến động. Do nằm giữa sông, tốc độ dòng chảy phức tạp nên phải mất khoảng 30 phút, các tàu lai dắt mới xoay đốt hầm vào đúng vị trí dìm. Sau đó, đốt hầm liên tục bị dòng chảy làm xô lệch khỏi vị trí chuẩn. Đến gần 1h, đốt hầm vẫn chưa thể yên vị tại chỗ. Chơ tới 2h30 đốt hầm đã được neo đậu đúng vị trí để chuẩn bị cho công tác dìm vào sáng mai.

Theo kế hoạch, 8h sáng mai, đốt hầm thứ 3 sẽ được dìm xuống sông Sài Gòn và kết nối với đốt 1, 2 đang nằm dưới đáy sông. Từ 1/7 đến 31/8 sẽ tiến hành hợp long đốt số 4 với đường dẫn phía quận 1.

Từ tháng 9 đến tháng 2/2011 sẽ triển khai công tác lắp đặt hệ thống cung cấp điện, chiếu sáng... để chuẩn bị thông xe kỹ thuật.

Hầm Thủ Thiêm là công trình ngầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam thuộc dự án Đại lộ Đông - Tây ở TP HCM và là hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á. Hầm có tổng chiều dài gần 1.500m bao gồm 3 đoạn chính: đường dẫn phía quận 1: 585 m, phía quận 2: 535 m và 4 đốt hầm dìm 370 m. Mặt cắt ngang hầm rộng 33,3 m bao gồm hai hướng lưu thông với 3 làn xe mỗi bên. Vận tốc thiết kế cho phép xe chạy trong hầm là 60 km một giờ.

Ngày 7/3 đốt hầm Thủ Thiêm đầu tiên trong bốn đốt đã được lai dắt từ bãi đúc Nhơn Trạch đến vị trí dìm tại khu vực gần cầu Khánh Hội, quận 1 và nối thông đường dẫn quận 2 vào ngày 10/3. Ngày 5/4, đốt thứ hai được lai dắt, một ngày sau đó được dìm và nối thông với đốt đầu tiên.

Tuy nhiên, đến 28/4, báo cáo của Hội đồng nghiệm thu nhà nước cho biết hai đốt hầm số 1 và số 2 dưới đáy sông đã xuất hiện hiện tượng thấm cục bộ nhìn thấy bằng mắt thường tại đầu đốt số một, đầu đốt số 2 trong vị trí bản nắp hầm, gần sát vành thép của mỗi đốt và tại một vài vết nứt đứng thành hầm.

Mặc dù Ban quản lý dự án khẳng định hiện tượng này là bình thường, không ảnh hưởng đến chất lượng công trình nhưng Hội đồng nghiệm thu vẫn yêu cầu tiếp tục theo dõi sự phát triển thấm, tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp xử lý triệt để.

Theo VNE.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC