"Xót xa lắm, trong 30 năm làm nghề tôi chưa gặp trường hợp nào ngộ độc nặng, diễn biến nhanh đến như vậy", bác sĩ Trần Quốc Việt, PGĐ Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn cho biết.
Trả lời VTC News, bác sĩ Trần Quốc Việt, PGĐ Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết: "Cô giáo trẻ chết sau khi ăn ốc lạ là H.T.S. (26 tuổi, giáo viên dạy tin học Trường THCS Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).
Bệnh nhân nhập viện sau khi ăn ốc khoảng 3h trong tình trạng tê tay chân, người tái nhợt, nói khó, mạch chậm, khó thở. Đây là trường hợp ngộ độc ốc cấp tính rất nguy kịch. Chẩn đoán ban đầu của bệnh viện, bệnh nhân bị ngộ độc thức ăn, ngộ độc ốc biển".
Con ốc lạ cô giáo S. ăn vào và mất mạng do ngộ độc.
Bác sĩ Việt chia sẻ thêm:
"Xót xa lắm, trong 30 năm làm nghề tôi chưa gặp trường hợp nào ngộ độc nặng, diễn biến nhanh đến như vậy.
Sau khi nhập viện chúng tôi đã thực hiện các phương pháp cấp cứu nhanh, hiện đại nhất cho bệnh nhân và cho cô ấy thở máy nhưng không được. Sau 30 phút vào viện, các biểu hiện ngộ độc thần kinh càng nặng thêm, rồi đồng tử giãn và bệnh nhân qua đời".
Theo bác sĩ Trần Quốc Việt, hiện chưa có kết luận chính xác bệnh nhân thiệt mạng do loại độc tố gì, vì gia đình không đồng ý giải phẫu tử thi. Tuy nhiên, có thể khẳng định bệnh nhân thiệt mạng là do ngộ độc thực phẩm - ăn ốc biển.
Một số bác sĩ của bệnh viện tỉnh Bình Đình cho rằng, loại ốc mà cô giáo xấu số này ăn phải là ốc bùn bóng (theo cách của địa phương). Đây là loại ốc có độc tố, có thể gây ngộ độc nếu ăn nhầm. Nguy hiểm hơn, độc của ốc này chưa có thuốc giải độc.
Trong trường hợp ngộ độc nhẹ, chỉ có thể điều trị triệu chứng làm giảm nồng độ chất độc để cơ thể đào thải dần độc tố và phục hồi dần dần.
Cận cảnh con ốc bùn răng cưa có chất độc thần kinh gây chết người. (Ảnh: Pinterest)
Còn theo thông tin TS Phạm Xuân Kỳ, Trưởng Phòng hóa sinh biển thuộc Viện Hải dương học Nha Trang trả lời báo chí, qua hình ảnh mẫu ốc biển mà gia đình cô S. cung cấp cho bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bồng Sơn, được đăng tải trên các báo, chuyên gia của viện nhận định đây là loài ốc bùn răng cưa, tên khoa học là Nassarius papillosus (Linaaeus, 1785).
Ốc bùn răng cưa là loài ốc chứa độc tố tetrodotoxins.
Hàm lượng độc tố thay đổi theo trong từng con ốc, có con ốc chứa lượng độc rất lớn. Người có trọng lượng 50kg chỉ cần ăn 2-3 con là bị ngộ độc có thể dẫn đến thiệt mạng.
Độc tố tetrodotoxins trong ốc bùn nếu đủ lượng ngộ độc thì nguy cơ gây chết người rất cao.
Vì độc tố trong con ốc là loại độc tố thần kinh, gây liệt cơ hô hấp cực nhanh nên sau khi ngộ độc chừng 30 phút nạn nhân sẽ có triệu chứng khó thở, liệt cơ hô hấp. Hiện nay không có thuốc giải độc tố này.
Bác sĩ Việt cảnh báo:
"Dưới biển cũng có nhiều loại ốc, cá biển, hải sản biển lạ không dễ dàng nhận biết lành hành không lành, độc hay không độc, nếu ăn phải có thể ngộ độc, chết người. Hiện tại đang mùa du lịch, nếu bạn đi biển, thích ăn hải sản thì phải cần trọng đừng thấy món gì ngon miệng, ngon mắt thì đều ăn vào".
Nhận diện loài ốc bùn răng cưa có chất độc thần kinh giết người trong vài tiếng
Loại ốc bùn răng cưa không phân bố nhiều ở vùng biển Việt Nam, thỉnh thoảng ngư dân đi cào hải sản vớt được chúng lẫn lộn trong các loài hải sản khác.
Nhiều người nhầm tưởng cứ ốc sống dưới biển là có thể ăn được mà không thể ngờ nhiều loài rất độc.
Ở Việt Nam từ năm 2006 đến nay từng xảy ra một số trường hợp ngộ độc nặng do họ ốc bùn chứa tetrodotoxins gây ra tại Quảng Ninh, Quảng Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Theo các chuyên gia, họ ốc bùn thì loại nào cũng độc. Còn những loài ốc khác, bản thân ốc thời điểm này không độc, nhưng bất chợt có thời điểm khác lại độc. Do vậy, ngoại trừ những loại ốc thường ăn an toàn, còn những loài ốc lạ, thấy nghi ngờ thì đừng ăn.
Nguồn: THU NGUYÊN