Bùi Thị Hà là mô típ chúng ta vẫn hay đọc trên báo, đại loại: 'Cô gái nuôi lợn đỗ hai trường đại học'.

Mấy năm sau đó, chúng ta gặp lại cô, khuôn mặt từng được vinh danh tại Văn Miếu, nhưng bây giờ, cô gái thủ khoa sư phạm về nhà nuôi heo.

Có cái gì đó đung đúng.

Ở việc một thủ khoa trường sư phạm về nhà dạy dỗ cho heo, trong khi các trường sư phạm đói thí sinh đến mức “vớt” cả những “trường hợp 3 điểm”!

Thủ khoa Sư phạm, một trong 100 thủ khoa đầu ra, một trong những gương mặt tiêu biểu được vinh danh ở Văn Miếu (ngày 28.8.2016) mà từ bấy thất nghiệp, mà từ bấy vẫn phải quay lại “cái máng heo” như cái thủa cô “nuôi heo mơ vào đại học”. Chẳng trách!

Nhưng câu chuyện của Hà chứa đầy vị đắng cay.

Tôi không dám gọi là nhân tài để đòi cho cô một tấm thảm. Nhưng một sinh viên học giỏi, một sinh viên có chí tiến thủ, 4 năm sinh viên vừa học vừa hành (cô làm gia sư để vừa kiếm tiền giúp mẹ, vừa áp dụng những kiến thức ở trường vào thực tế), vậy mà bây giờ ở nhà chăn heo.

Thật khó nuốt.

Có một thủ khoa sư phạm đang ở nhà chăn heo, thưa thầy bộ trưởng - 0

Cô gái nuôi lợn đỗ hai trường đại học. Ảnh: NVCC

Hồi thầy Nhạ công cán Phần Lan, ký thỏa thuận về giáo dục, nữ bộ trưởng 34 tuổi nước này từng tiết lộ bí quyết khiến kết quả học tập của học sinh Phần Lan - theo đánh giá của PISA - thuộc hàng cao nhất thế giới.

Đơn giản, bí quyết nằm ở đội ngũ giáo viên.

Một đội ngũ chất lượng cao, tuyển chọn khắt khe, đều có bằng thạc sĩ, có “lương khá tốt” chỉ sau bác sĩ, và được xã hội trọng vọng.

Tôi không biết Bộ Giáo dục có tiếp thu được gì từ những chuyến công du ấy, từ những bài học ấy.

Nhưng tương lai của giáo dục Việt Nam rất khó sáng sủa nếu các trường sư phạm cứ tiếp tục vơ vét những thí sinh 3 điểm, nếu học sinh giỏi vào hết các trường công an, quân đội, và nếu những cô thủ khoa giỏi giang vẫn phải chăn heo chờ xếp "lốt".

Đã đành công việc của ngành giáo dục là đào tạo chứ không phải sắp xếp công việc, nhưng cô gái là thủ khoa trường sư phạm chứ đâu phải thủ khoa ngành công an.

Thầy Bộ trưởng ơi, xin thầy hãy làm gì đi. Không chỉ cho cô gái thủ khoa sư phạm kia, mà cho cả hàng triệu học sinh, cho cả nền giáo dục.

Và để cho người ta khỏi chép miệng:

Nếu thủ khoa mà cũng thất nghiệp thì bạn phải hỏi cha mẹ mình là ai.

 

Anh Đào

Báo Lao Động




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC