"Con cho rằng Bộ trưởng đã nói không sát"Phan Hoàng Diễm Phúc là học sinh duy nhất đã đứng lên “phán pháo” Bộ trưởng Lao động Nguyễn Thị Kim Ngân trong buổi đối thoại "Lãnh đạo và trẻ em" ngày 4/8 khi bà cho rằng tình trạng trẻ em bị lạm dụng lao động chỉ là “những trường hợp hiếm, có xảy ra ở một vài nơi đâu đó và bị công an xử lý rất nghiêm”.

Chúng em nói, ai lắng nghe?

Cho rằng Bộ trưởng Ngân nói không sát, Diễm Phúc đưa ra dẫn chứng:  “Ngay cạnh nhà, ở phường 12, quận 8, TP.HCM, con biết, có một số bạn thường xuyên bị xâm phạm, bạo hành lao động, và con đã báo lại trường hợp này cho chính quyền và chính quyền đã xử lý nhưng một thời gian sau thực trạng này lại tái phát”

“Bộ trưởng có dặn dò, để không bị xâm phạm tình dục, xâm phạm lao động, thì trước hết các em phải tự bảo vệ mình.  

“Nhưng ngay cá nhân em”, Diễm Phúc không ngần ngại kể “đã từng bị bố đánh đập cả mẹ lẫn con, nhưng khi em báo công an thì mấy tiếng sau các chú mới xuống. Khi ấy chứng cớ đã bị xoá đi rồi”.

Diễm Phúc là tuyên truyền viên  ở quận 8, TP.HCM.

Trong buổi đối thoại với lãnh đạo, Phúc cho biết, những lần đi đến các cơ quan công an hoặc chính quyền trình bày về một vụ việc về bạc lực gia đình hay xâm phạm lao động trẻ em, đều bị các cán bộ coi là một đứa “trẻ con”.

Đi cùng nhiều đoàn giám sát của quốc hội về các địa phương, bà Ngô Thị Minh - phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội chia sẻ về thực trạng quyền và tiếng nói của trẻ em trong việc xây dựng chính sách, quy định luật pháp liên quan đến trẻ em vẫn chưa được nhiều địa phương coi trọng.

Trước những phản ánh về thực trạng thiếu sân chơi cho học sinh, bà Minh đánh giá, nhiều nơi làm chưa tốt và cam kết là năm 2010 sẽ hoàn thiện văn bản kiến nghị về quy hoạch sân chơi cho trẻ em đến chính phủ.

Trong cả ngày diễn ra chương trình, “phần thảo luận về giáo dục đã nhận được nhiều câu hỏi nhất có lẽ vì giáo dục là vấn đề “sát sườn” nhất với các em học sinh – Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá.

Tuy nhiên, “vì không thu xếp được thời gian nên các lãnh đạo bộ xin vắng mặt”, bà Lê Thị Kim Dung, chuyên viên vụ Công tác HS-SV – là đại diện của Bộ GD-ĐT  trình bày.

Giải đáp những thắc mắc của các em về sự thiếu vắng các kĩ năng sống và giáo dục giới tính, học nặng về lý thuyết và ít thực hành, học nghề theo hình thức…, bà Dung cho rằng, chương trình Trường học Thân thiện mà bộ GD đang phát động đang dần khắc phục những hạn chế này.

Bà hướng dẫn, nếu có trường học nào không thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả chương trình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” thì các em có thể viết thư về Bộ GD-ĐT để cử cán bộ xuống kiểm tra.

Phan Quang Vũ, 16 tuổi, đến từ TP.HCM “làm nóng” hội trường bằng những câu hỏi liên quan đến sức khoẻ, dinh dưỡng và vệ sinh môi trường.  “Vì sao ở một quốc gia nghèo có tỷ lệ trẻ em thấp, còi cao vì thiếu sữa lại có giá sữa cao nhất thế giới?”.

Nhóm trẻ em đến từ tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra những ví dụ sinh động về tình trạng các nhà máy thải khí độc ra môi trường, những người lớn hồn nhiên vứt rác ra đường phố hoặc đổ chất thải trực tiếp ra mương, sông, suối hồ.  

Một bạn trẻ đến từ TP. HCM góp thêm nỗi bức xúc khi hàng ngày phải đi học trên những con đường tắc nghẽn vì lô cốt, những ngày triều cường ngập lụt, tình trạng thiếu không gian xanh để hít thở. 

Nhiều vùng sâu, vùng xa chưa có nước sạch và hố xí hợp vệ sinh khiến tỷ lệ trẻ em mắc các bệnh truyền nhiễm và các bệnh hiểm nghèo còn ở tỷ lệ cao.   

“Vậy, các bác, các cô, các chú có thể giúp chúng cháu giải quyết những vấn đề này như thế nào để chúng cháu được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và một môi trường sống xanh, sạch, đẹp?” - Các bạn đặt vấn đề. 

Bà Đinh Thị Phương Hoà - Vụ Chăm sóc Sức khoẻ Bà mẹ trẻ em- đại diện Bộ Y tế cho hay, vấn đề an toàn thực phẩm và nghịch lý giá sữa thì "Bộ Y tế đang có những biện pháp khắc phục". Bà đề nghị các em học sinh tuyên truyền, vận động người thân sử dụng nguồn sữa nội, sữa mẹ và những thực phẩm sạch có nguồn gốc từ Việt Nam.

Câu hỏi về ô nhiễm môi trường và sử dụng nguồn nước sạch được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan “gác lại” vì sự vắng mặt của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên Môi trường.

"Chúng em có ý kiến..." 

Ngoài kiến nghị về việc giảm tải áp lực học hành, nhóm học sinh đến từ Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh… còn nêu cao thông điệp muốn được người lớn tôn trọng, lắng nghe và tạo cơ hội để các em nói lên chính kiến.

Một số bạn tỏ ra “mất niềm tin” khi kể về việc các thầy cô vì muốn lập thành tích cao nên đã lập sẵn câu hỏi hoặc buông lỏng nội qui thi cử để học sinh có thể đạt điểm cao trong các kỳ thi tốt nghiệp.  

Hoặc việc đánh giá, kiểm tra chất lượng giáo dục chưa khách quan khi mà công văn kiểm tra được gửi đến trường hàng tuần trước khi lãnh đạo đi “vi hành”.  

Phạm Hoài Phương đến từ Hà Nội kể rằng cha mẹ thường hay trút những mệt mỏi, bực tức trong mưu sinh lên đầu con cái. “Cha mẹ luôn coi mình là người đúng và con cái phải có nghĩa vụ tuân theo ý kiến của cha mẹ.

Ở trường, nhiều thầy cô luôn cho mình là đúng. Nếu học sinh nào hay cãi, hay nói ngược những điều thầy cô nói thì rất dễ bị coi là hư, dễ bị “đì đọt”. Diễm Phúc chia sẻ.

“Chúng em còn rất bé, hàng xóm thì không dám can ngăn vì sợ trả thù, gọi điện thoại hoặc báo chính quyền thì rất lâu mới được giải quyết, vậy chúng em sẽ tự bảo vệ như thế nào?”  - Đây là câu hỏi Diễm Phúc dự định tiếp tục “chất vấn” Bộ trưởng Ngân sau khi thấy bà "trả lời chưa sát" về vấn đề lao động trẻ em. Nhưng thời gian thảo luận đã chấm dứt để  khớp với kịch bản chương trình.

Theo Vietnamnet.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC