Phải cân đo đong đếm giữa cái được và cái mất khi tiến hành triển khai dự án làm đường, chỉ loại trừ mục tiêu phục vụ cho an ninh quốc phòng.
Không thể phá rừng vô nguyên tắc
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang xem xét triển khai dự án làm đường Tây Bắc, nối Bến Đầm với Cỏ Ống, dài khoảng 14km, phá khoảng 40 héc ta rừng, gần 7000 cây rừng và 2000 m3 gỗ.
Về phía huyện Côn Đảo, ông Nguyễn Thành Chính - Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết: "Huyện đang chờ đợi quyết định của Chính phủ cho đề xuất xin chuyển mục đích sử dụng đất rừng quốc gia Côn Đảo sang đất xây dựng.
Bởi vì, nếu muốn làm đường thì phải xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất rừng quốc gia sang đất xây dựng, mới thực hiện được các dự án đường giao thông".
Ông Nguyễn Vinh Hà - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: "Chúng ta đã có quy định rõ ràng về việc, nếu các dự án đi qua rừng nguyên sinh, đặc dụng phá bao nhiêu héc ta rừng thì phải báo cáo với các cấp thẩm quyền có liên quan.
Đặc biệt, đối với một dự án làm đường đi xuyên rừng thì phải có hồ sơ, có đánh giá tác động môi trường, xem xét các yếu tố liên quan đế mục tiêu dự án".
Bên cạnh đó, ông Hà nhấn mạnh: "Phải làm đúng Luật, chứ không thể phá rừng một cách vô nguyên tắc.
Riêng về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất xây dựng, phải có hồ sơ cụ thể chuyển đổi vì mục đích gì, đánh giá tác động môi trường khi phá chuyển đổi sang đất xây dựng ra sao, lợi ích đem lại như thế nào".
Phải cân nhắc lợi ích cái được và cái mất
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, bà Bùi Thị An - Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng; Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: "Các lãnh đạo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nên cân nhắc lại xem giữa cái được và cái mất trong dự án này.
Rừng nguyên sinh là vô giá, rừng còn lại thì sẽ còn tất cả`, nó là vấn đề đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, không chỉ là chuyện hậu quả của phá rừng.
Bây giờ nếu đưa mục tiêu quốc phòng tôi không có ý kiến, nhưng còn tất cả các mục tiêu khác phải cân nhắc thật kỹ.
Cứ thử xem, bao lâu mới trồng được một khu rừng, chưa kể rừng nguyên sinh, nó bao bọc, nó làm cho đất nước phát triển bền vững".
Vì thế, bà An đề nghị nên cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định triển khai dự án, chỉ ra rõ, cái được, cái mất khi triển khai dự án là gì, trong đó phải tính đến hiệu quả vô giá của rừng đem lại cho đất nước, cho tỉnh Vũng Tàu nói riêng.
Phải cân nhắc thật kỹ, rừng là vô giá, mất đi làm sao lấy lại được. Hơn nữa khi hệ sinh thái đặc trưng của Côn Đảo là kết nối rừng và biển.
"Thứ nhất, phải cân nhắc, đánh giá kỹ, bởi mục tiêu kinh tế ở đây sẽ phải cân đo đong đếm với biến đổi khí hậu gây hậu quả khó đặt lên bàn cân. Nói ngay như, nếu để rừng nguyên sinh có khi phát triển du lịch rất tốt, vì du khách hướng đến du lịch gắn liền với thiên nhiên, thay vì có nhiều sự can thiệp của bàn tay con người.
Thứ hai, tất cả các mục tiêu khác phải đánh giá rất cẩn thận vì nó đem lại cho đất nước nhiều yếu tố", bà An chỉ rõ.
Về mục tiêu khai thác quỹ đất hai bên đường, theo bà An, bà không tin tỉnh Vũng tàu sẽ làm như vậy bởi gần như hai bên đường phải không có nhà, nếu làm như vậy là khó chấp nhận.
Đây cũng là thực trạng ở các khu du lịch, khai thác, phát triển các khu bất động sản nghỉ dưỡng, không chỉ Côn Đảo, nên phải rút kinh nghiệm từ những bài học cũ, xem xét quy hoạch cẩn thận, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Châu An