Đá vỉa hè Hà Nội dù có tuổi thọ 50-70 năm nhưng vừa lát xong đã hỏng, Chủ tịch Hà Nội khẳng định: Có bàn tay con ông cháu cha trục lợi.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ 2018 của Sở Xây dựng Hà Nội 5-1, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phát biểu:

“Việc lát đá vỉa hè vừa qua, tại sao ban quản lý dự án các quận huyện làm không tốt? Quá trình duyệt dự toán thế nào? Có việc 'con ông cháu cha' cung cấp vật liệu để hưởng lợi không? Tôi biết là có việc đó".

Chủ tịch TP Hà Nội đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan "kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm và công khai" vụ việc này.

Ngoài các dự án thay thế nền gạch vỉa hè, ông Chung cũng yêu cầu các đơn vị siết chặt chất lượng các công trình xây dựng khác, nhất là các dự án đầu tư công.

Dự án thay thế gạch vỉa hè Hà Nội bằng đá xanh có tuổi thọ 50- 70 năm đã làm tốn rất nhiều giấy mực của báo chí trong thời gian qua.

Giá trị mỗi mét đá vỉa hè là 500.000 đồng nhưng chất lượng quá kém, đá vỡ vụn ngay khi vừa lát xong khiến người dân thủ đô vô cùng bất bình.

Con ông cháu cha trục lợi đá lát vỉa hè Hà Nội - 0

Đá lát vỉa hè Hà Nội có tuổi thọ 50-70 năm nhưng đã vỡ vụn ngay sau khi thi công

Một sự lãng phí khủng khiếp khi gạch vỉa hè còn đang tốt đã bị đào lên để thay thế bằng đá xanh.

Nhưng việc thi công quá ẩu, nhiều báo đã cử phóng viên đi khảo sát và ghi nhận tình trạng: giữa các viên đá hầu như không có xi măng kết dính, bên dưới lớp nền san cẩu thả qua loa, bởi vậy đá vỉa hè đã nhanh chóng vỡ vụn khi có lực đè lên bởi loại đá này rất ròn, dễ vỡ.

Thực tế, tại một số tuyến phố như Bà Triệu, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Trãi…, nhiều vị trí đá tự nhiên lát vỉa hè đã bị bong tróc, vỡ vụn. Dự án này tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng với quy mô toàn bộ 12 quận nội thành của thành phố sẽ được thay thế gạch bằng đá xanh tự nhiên.

Người dân xót ruột khi chứng kiến hàng trăm tỷ đồng tiền thuế của mình đã bị mang ra tiêu xài phung phí và không đem lại tác dụng gì như vậy.

Nếu như được thi công chắc chắn, cẩn thận, có lẽ tuổi thọ của đá lát vỉa hè này sẽ cao hơn, cho dù không được 50-70 năm thì ít ra cũng phải được… vài năm chứ không phải tính bằng tuần, bằng tháng như những gì đang diễn ra.

Nhưng bởi vì đó là “tiền chùa”, tiền công, tiền ngân sách, nên họ đã làm qua quýt, đã thi công cẩu thả, đếm số lượng ăn tiền, và khi rút đi thì cái vỉa hè kia “sống chết mặc bay, tiền thầy đút túi”. Thật là một dự án điển hình cho sự lãng phí, vô trách nhiệm trong đầu tư công.

Và cho đến hôm qua, đích thân ông Chủ tịch UBND TP đã nói ra, rằng có bàn tay của “con ông cháu cha” thò vào trục lợi bằng cách cung cấp vật liệu.

Tiếc rằng ông Nguyễn Đức Chung chưa chỉ mặt đặt tên rõ ràng đó là những ai, con cháu của những ai đã dự phần vào dự án này, số tiền mà họ đút túi là bao nhiêu, và quan trọng hơn là phải xử lý thế nào để đền bù lại từng đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của người dân.

Thế mới bảo, ở ta đầy rẫy các siêu nhân trong bộ máy công quyền, các siêu nhân này ăn được cả cầu, cống, nhựa đường, xi măng, sắt thép, bộ máy tiêu hóa của họ cực kỳ tinh xảo, hàm răng của họ cứng hơn cả kim cương, vì họ ăn được cả đá lát vỉa hè.

Người dân không có cách nào khác là ngồi nhìn họ trổ tài “ăn” hết các vật liệu siêu cứng, siêu to và siêu đắt giá như vậy. Trong khi các “siêu nhân” trổ tài ăn uống thì gánh nặng nợ công vẫn tăng lên hàng ngày.

 

Nguồn: Mi An

Báo Đất Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC