Loại bỏ cán bộ yếu kém, kể cả con ông cháu cha
Là người trực tiếp thực hiện cuộc sát hạch 1.200 công chức thuộc 5 chức danh trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính tại UBND các xã, phường, ông Trần Phước Hừng - Trưởng phòng Cải cách hành chính Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp cho hay, rất nhiều địa phương có cán bộ công chức không nắm rõ kiến thức chuyên môn làm hàng ngày, thì lấy gì đảm bảo họ hướng dẫn người dân đúng và thủ tục hành chính mà họ thực hiện là chính xác?
"Công tác sát hạch này trước đây chúng tôi cũng đã từng làm, 1 năm thực hiện 2 lần. Đây là năm thứ hai chúng tôi tiến hành công tác này, theo chủ trương sẽ siết chặt lại giao trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền địa phương.
Bình thường, chúng tôi sẽ đến từng trụ sở ủy ban để kiểm tra kết hợp, cứ 11h trưa là tập hợp các cán bộ lại, rồi cho trả lời bảng câu hỏi đã có sẵn, chiều chúng tôi sẽ công bố kết quả.
Sau đó, phân tích có bao nhiêu % cán bộ yếu về kiến thức cải cách hành chính, bao nhiêu % yếu về chuyên môn, gửi kết quả cho các huyện, UBND tỉnh để biết cán bộ của mình đang còn thiếu và yếu ở đâu" - ông Hừng nói.
Theo ông Hừng, mục đích cuộc sát hạch là giúp cho chủ tịch UBND huyện, nhìn thấy thực lực của đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, từ đó bồi dưỡng, đào tạo về năng lực trình độ để phù hợp với vị trị việc làm, nâng cao chất lượng bộ máy hành chính cấp xã cơ sở.
Trước việc các địa phương như TP Sa Đéc, huyện Châu Thành, Tam Nông, Tân Hồng, Lai Vung, Lấp Vò và TP Cao Lãnh có trên 20% công chức không đạt yêu cầu, nhiều cán bộ còn không biết cách đóng dấu ra sao, không trả lời được các câu hỏi về chuyên môn mà họ đang làm hàng ngày, ông Hừng nói: "Cũng do đội ngũ cán bộ hiện nay ở các địa phương tuyển dụng đầu vào chưa tốt, chất lượng không cao.
Đặc biệt, việc tuyển dụng công chức cấp xã cũng mới thực hiện cách đây vài năm. Trước đó, tuyển công chức xã thường nhờ các mối quan hệ, chỗ quen biết, nhồi nhét các vị trí đều là con ông này, cháu bà kia, nên kiến thức bài bản, chuyên môn không có.
Vì vậy, hướng của tỉnh là làm sao nâng cao chất lượng cán bộ. Nếu không theo kịp thì phải bị loại ra khỏi đội ngũ công chức, chấm dứt tình trạng con ông cháu cha và năng lực kém.
Đây cũng là việc làm tương đối mới so với các nơi, đánh động đến đội ngũ công chức cấp cơ sở, không có chuyện vào nhà nước là yên ổn, cứ ung dung "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về".
Một câu chuyện đáng chú ý khi đi sát hạch, được ông Hừng kể lại, đó là cũng có nhiều cán bộ đạt điểm tuyệt đối, nhưng cũng có nhiều cán bộ thực hành tốt, cứ nghĩ điểm sẽ cao, nhưng điểm có khi chỉ được không quá 10/30.
"Đây chính là biểu hiện của việc, công việc hàng ngày là làm theo thói quen, kinh nghiệm, còn đi sâu vào kiến thức, yêu cầu cả thực hành và lý thuyết, thì không làm được. Cũng giống như việc sử dụng máy vi tính, nhiều tổ hợp phím nóng các cán bộ có khi thực hiện thao tác trên máy thì rất nhanh, nhưng không biết về ý nghĩa.
Thế nhưng, trong quan hệ hành chính, xu thế kinh tế phát triển hiện nay, không thể dừng lại ở thói quen, kinh nghiệm", ông Hừng nói.
Công chức nào cũng phải biết đóng dấu
Nhắc đến việc nhiều cán bộ không biết đóng dấu, ông Hừng chia sẻ ngay: "Đó là một trong những câu hỏi được đưa ra trong bảng câu hỏi trắc nghiệm, một số cán bộ chưa tiếp cận với lý thuyết nên làm chưa đúng.
Có thể họ thực hiện trực tiếp việc đóng dấu thì rất tốt, nhưng trả lời thì không hình dung được. Đó cũng là cách cho chúng ta thấy, đối với công chức những kiến thức đó không phải cái gì lớn lao.
Trong khi, áp lực công việc của cán bộ cấp xã hiện nay rất lớn, số lượng người thực hiện lại ít, công việc hành chính lại nhiều, nên một người phải đảm nhận nhiều việc, tạo ra áp lực về quan hệ hành chính, nhiều thiếu sót.
Dĩ nhiên cũng có một bộ phận trong lúc làm việc thiếu đầu tư, thiếu nghiên cứu, làm việc gì đó dựa vào công việc cụ thể cứ lặp đi lặp lại, thiếu đầu tư kiến thức cần thiết cho một công chức, cũng có hạn chế của nó. Đặc biệt, các đối tượng không biết quy tắc đóng dấu chủ yếu là các cán bộ có tuổi, đã công tác lâu năm".
Trong khi, theo ông Hừng, kết quả cải cách hành chính phụ thuộc nhiều yếu tố: Thứ nhất, công chức phải được trang bị kiến thức về mặt chuyên môn, kỹ năng khác; thứ hai, sự dẫn dắt của người đứng đầu rất quan trọng, tức là phải nhìn thấy thực lực của đội ngũ đang quản lý, để có hướng bồi dưỡng cho phù hợp.
Như làm chủ tịch xã phải biết ông A, B năng lực ra sao, mạnh ở đâu, yếu ở đâu, thành ra có nhiều yếu tố để dẫn đến việc 20% cán bộ công chức không hoàn thành bài thi sát hạch chất lượng.
Trước giải thích của một số huyện cho rằng, những cán bộ không biết vẫn có thể làm việc tốt, thậm chí xuất sắc, vì công việc của họ không chỉ có đóng dấu, ông Hừng hoàn toàn đồng tình.
Ông cũng nhấn mạnh thêm: "Đóng dấu tuy chỉ là kỹ thuật hành chính của một công chức khi làm cơ quan nhà nước, đáng lẽ có trực tiếp ngồi đóng dấu hay không thì cũng phải biết, đó là sự cần thiết tối thiểu".
Châu An/ DatViet