Chủ doanh nghiệp quỵt lương, chiếm đoạt tiền BHXH hàng tỷ đồng rồi bỏ trốn đẩy hàng trăm công nhân ra đường, chủ sử dụng lao động với kiểu ép người tới “bước đường cùng” khiến hàng trăm công nhân phải ra đi… là những lý do khiến công nhân mất việc hàng loạt. Đáng nói, trong thời điểm kinh tế nhiều khó khăn, nhu cầu tuyển dụng hạn chế càng làm hàng trăm công nhân lao đao.
Bỗng dưng… thất nghiệp
Hơn 20 ngày trôi qua, kể từ khi giám đốc người Hàn Quốc “biến mất”, gần 400 CN Cty TNHH Pia Toàn Cầu, quận 12, TPHCM, vẫn lui tới Cty với hy vọng đòi được số lương hơn 2,4 tỉ đồng mà Cty đang nợ.
Gần 400 công nhân càng hoang mang hơn khi có thông tin ông giám đốc đã “cao chạy xa bay” từ lâu khi ngày 8.4, giám đốc đã lặng lẽ bay về Hàn Quốc, sớm 2 ngày so với ngày giám đốc hẹn trả lương công nhân (ngày 10.4 - PV). “Anh chị em đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”, đi cũng dở, ở chẳng xong. Một số đã tìm được việc làm mới, mỗi khi có thông tin có khách hàng đến nhận hàng trả lương, cơ quan chức năng đến giải quyết, anh chị em lại tức tốc xin nghỉ làm chạy qua. Chạy tới chạy lui, chưa hết thời gian thử việc, Cty mới phát ngán rồi cho nghỉ việc luôn” – Anh Trung, công nhân Cty nói.
“Xin được việc làm chưa hẳn đã ổn!” – Một công nhân nói. Nguyên nhân là vì Cty nợ BHXH đã nhiều tháng qua, khi ông chủ Hàn Quốc “biến mất”, cơ quan chức năng đã niêm phong nhà xưởng, giam luôn sổ BHXH của gần 400 công nhân nên khi công nhân tìm được việc làm ở Cty mới không có sổ BHXH để nộp, quyền lợi về BHXH tiếp tục bị thiệt hại. “Nói gì thì nói, tụi em vẫn có cơ hội tìm được việc làm mới, chỉ khổ các công nhân nữ mang thai. Các chị em không tài nào xin được việc làm mới bất cứ đâu vì không có Cty nào đủ tốt bụng để nhận một người sắp nghỉ sinh 6 tháng vào làm việc cả” – Chị Phương, công nhân Cty nói.
Khi giải quyết vụ việc, ông Nguyễn Văn Xem, Phó chủ tịch LĐLĐ quận 12, cho biết, LĐLĐ quận có liên hệ với một số Cty trên địa bàn quận có nhu cầu tuyển dụng đến Cty Pia Toàn Cầu để trực tiếp tuyển dụng. “Tuy nhiên, trong giai đoạn này, tâm trạng công nhân chưa ổn định, sự việc ở Cty chưa được giải quyết thì công nhân khó lòng an tâm làm việc ở một nơi nào đó” – Ông Xem cho biết.
Khó xin việc mới vì dính mác “đình công”
Là hoàn cảnh mà hơn 200 công nhân Cty TNHH Young Woo, huyện Hóc Môn, TP.HCM gặp phải. Sự việc bắt đầu khi Cty điều chỉnh lương tối thiểu vùng, sau khi tăng lương cơ bản lên 250 ngàn/tháng/người thì Cty lại tổ chức kỳ thi xếp bậc thợ.
Theo đó, tất cả các công nhân đều bị hạ bậc thợ, chưa kể Cty còn đặt ra hàng loạt quy định lạ đời, cắt giảm các khoản phụ cấp, tăng phạt, giảm thưởng…, công nhân phải hoàn thành chỉ tiêu sản xuất 300 triệu đồng/chuyền thì mới được nhận đủ lương, công nhân phải “chia sẻ” cả tiền thuê xưởng, tiền điện, tiền nước với Cty… Không chịu nổi cách hành xử của Cty, trong 3 tháng, công nhân đã ngừng việc phản đối đến 3 lần. Sau hai cuộc đình công dài ngày giữa tháng 2.2014, gần 100 công nhân đã nộp đơn xin nghỉ việc. Điều đáng buồn là sau khi nộp đơn nghỉ việc ở Cty Young Woo, các công nhân này đi nộp đơn xin việc ở các Cty xung quanh đều bị từ chối với lý do “là những người thường xuyên đình công ở Young Woo”.
“Bị 3 Cty từ chối, trong khi đó, người của Cty Young Woo lại đánh tiếng là Cty đã thay đổi các quy định và mong muốn anh chị em trở lại làm việc nên chúng tôi đã quay về” – chị Nhung - Cty Young Woo, nói. Nhưng chỉ được một tháng, gần 300 công nhân ở Cty Young Woo, gồm cả những công nhân vừa trở lại làm việc, tiếp tục ngừng việc nhiều ngày liền vì
Cty bội tín, tiếp tục siết lương của công nhân.
Tính đến ngày 15.4, hầu hết công nhân của 3 chuyền (Cty có 4 chuyền) đều đã nộp đơn xin nghỉ việc. “Chúng tôi biết rất rõ là sau khi nghỉ việc ở Cty Young Woo, những Cty xung quanh đây sẽ không chịu nhận chúng tôi vào làm việc vì các mác “công nhân chuyên đình công” nhưng chúng tôi cũng quyết ra đi vì đã chịu hết nổi cách quản lý của ban giám đốc Cty Young Woo rồi. Bức quá, chúng tôi sẽ chuyển chỗ trọ, đi qua các quận, huyện khác để xin việc làm” – anh Trung - công nhân Cty nói.
“Rất buồn vì các Cty khác đã không hiểu đúng nội tình sự việc, đã đi làm, ai chẳng muốn được làm ổn định, gắn bó với Cty. Nếu Cty không ép công nhân, không hành xử tùy tiện, bất chấp pháp luật thì chúng tôi chẳng dại gì để đình công, ảnh hưởng đến cuộc sống của mình và cả gia đình” – chị Trân - công nhân Cty, thở dài.
Theo Lê An Nhiên
Lao Động