Ngay sau khi nhận được tin báo của Đội bảo vệ hồ Hoàn Kiếm về việc phát hiện cụ Rùa đã chết, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuyển cụ Rùa về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) để nghiên cứu và bảo quản lâu dài.
Trao đổi với Đất Việt, ngày 20/1, PGS. TS Phạm Văn Lực - Trưởng Phòng Chế tác mẫu vật và Thiết kế trưng bày, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam cho biết: "Ngày 19/1, ngay sau khi cụ rùa chết, UBND TP Hà Nội cũng đã gửi xác cụ rùa sang bên Bảo tàng thiên nhiên để bảo quản, đợi họp bàn ra quyết định cụ thể".
Ông Lực cho biết thêm, vì chưa ra quyết định để xử lý ngay nên Bảo tàng vẫn đang bảo quản xác cụ rùa trong tủ đá, bao giờ quyết định phương án bảo quản thì mới mang ra xử lý, chế tác, nhưng tất cả vẫn phải chờ quyết định của thành phố.
Nhận định về giá trị khoa học của cụ rùa, ông Lực nói: "Đây là một trong những mẫu hiếm gặp vì kích thước vô cùng lớn, hiện nay, mới chỉ có cụ rùa đang trưng bày ở đền Ngọc Sơn là ngang bằng.Theo ông Lực, việc bảo quản xác cụ rùa cũng không có gì khó khăn, chỉ bảo quản ở kho lạnh âm 22 độ. Còn sau này chế tác ra thì vẫn có thể trưng bày, cũng như cụ rùa hiện nay ở đền Ngọc Sơn, cho vào tủ kính.
Rùa Hồ Gươm đầu tương đối nhỏ và rộng, mõm ngắn, tròn, vòi rất ngắn, lưng màu vàng lục có những đốm vàng, yếm bụng màu trắng nhạt. Mai rùa mềm chứ không cứng như loài rùa thông thường.
Bên cạnh đó, cụ rùa không chỉ mang giá trị lịch sử, mà còn là di sản văn hóa, tâm linh của nhiều người Việt Nam, khi gắn với truyền thuyết, với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
"Nếu Hà Nội đồng ý để lại cho Bảo tàng thì phía các chuyên viên sẽ chế tác thành mẫu vật đẹp hơn đền Ngọc Sơn, sau đó đưa ra phòng trưng bày để công chúng chiêm ngưỡng, tham quan. Kinh phí chế tác cũng chỉ mất vài chục triệu, còn chi phí bảo quản thì cũng giống như các mẫu vật khác" - ông Lực nói.
Vị chuyên gia của bảo tàng Tự nhiên khẳng định: "Vì cụ rùa có kích thước lớn, chúng tôi dự định sẽ làm một chiếc tủ kính lộng lẫy, thật đẹp rồi đưa ra bảo tàng trưng bày cho công chúng.
Theo tôi lưu giữ xác cụ rùa ở Bảo tàng thiên nhiên là giải pháp tốt nhất, bởi bảo tàng là nơi công chúng cả nước, khách quốc tế đến tham quan, phổ biến, có giá trị và ý nghĩa nhất".
Theo ông, hiện nay, bảo tàng ở các nước khác trên thế giới, như bảo tàng thiên nhiên của nước Mỹ, cũng đã có đến 126 triệu mẫu vật, còn chúng ta mới chỉ có 40 nghìn mẫu, nên rất cần được củng cố những mẫu vật quý, hiếm như xác cụ rùa.
Được biết, lần nổi lên gần đây nhất của cụ rùa Hồ Gươm được ghi nhận là vào trưa ngày 21/12/2015. Khi đó, cụ rùa nổi lên ở gần khu vực đối diện đường Lê Thái Tổ (Hoàn Kiếm - Hà Nội).
Ở lần đó, cụ rùa nổi trong hơn hai tiếng từ 10h sáng đến hơn 12h. Ở lần nổi lên cuối cùng này, cụ xuất hiện với mai bóng nhẫy, trơn mượt.
-
Châu An