Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong việc cử đoàn đi nước ngoài của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương giai đoạn từ 2012-2016.
Cựu bộ trưởng một năm đi nước ngoài 23 lần
Đoàn đã tiến hành thanh tra trực tiếp tại các bộ: Tài chính, Công thương, Thông tin và truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Nai và Tiền Giang.
Kết quả thanh tra đã phát hiện tại một số bộ ngành, việc lập, phê duyệt đoàn đi nước ngoài còn rất nhiều điều đáng nói.
Đặc biệt, Bộ Công thương đã bố trí lãnh đạo đi công tác nước ngoài rất nhiều. Người có "kỷ lục" đi nước ngoài trong các bộ ngành, địa phương thuộc đối tượng thanh tra là ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Bộ Công thương.
Cụ thể, năm 2014 ông Hoàng tham gia tới 23 đoàn đi nước ngoài, năm 2015 tham gia 22 đoàn. Riêng năm 2015, tổng số thời gian ông Hoàng ở nước ngoài là 163 ngày, chiếm hơn nửa thời gian làm việc trong năm.
Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra không chỉ ông Hoàng mà hầu hết các thứ trưởng khác cũng tham gia đi nước ngoài nhiều hơn 2 lần/năm. Riêng ông Hoàng năm nào cũng đi vượt quá số lần này, trong đó năm đi ít nhất là 2016 tham gia 3 đoàn, năm đi nhiều nhất là 2014 tham gia 23 đoàn, các năm khác tham gia từ 12-22 đoàn.
Đồ họa: VĨ CƯỜNG
Ông Trần Tuấn Anh, bộ trưởng Bộ Công thương (thời gian thanh tra là thứ trưởng), cũng liên tục từ năm 2013-2016 đều đi nước ngoài trên 2 lần/năm.
Trong đó năm 2016 ông Tuấn Anh tham gia đến 13 đoàn, các năm khác tham gia từ 6-8 đoàn. Tương tự các thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Trần Quốc Khánh, Nguyễn Cẩm Tú... cũng đi nước ngoài trên 2 lần/năm.
Riêng ông Tú số lần đi nước ngoài chỉ xếp sau ông Vũ Huy Hoàng, vì liên tiếp từ 2014-2016 vị thứ trưởng này mỗi năm tham gia hơn 20 đoàn.
Tình trạng này cũng diễn ra khá phổ biến ở các bộ ngành khác. Tại Bộ Tài chính, thứ trưởng Trương Chí Trung năm nhiều nhất 13 lần đi nước ngoài, năm ít nhất là 5 lần.
Bà Mỹ Thanh giữ "kỷ lục"
Theo kết luận thanh tra, trong các lãnh đạo địa phương, bà Phan Thị Mỹ Thanh (thời điểm bị thanh tra là phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) cũng bị xếp vào danh sách "cá biệt" vì có số lần đi nước ngoài quá nhiều trong năm.
Bà Thanh giữ "kỷ lục" số lần đi nước ngoài vì có năm bà đi đến 10 lần. Từ năm 2012-2017, bà Thanh làm trưởng đoàn của 17 đoàn tỉnh Đồng Nai đi nước ngoài.
Ngoài ra, nhiều bộ ngành, địa phương vẫn còn tổ chức đi nước ngoài không nằm trong chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại được duyệt.
Kiến nghị Ủy ban Kiểm tra trung ương xem xét
Ngoài các kiến nghị gửi Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ cũng đã chuyển kết luận thanh tra và kiến nghị Ủy ban Kiểm tra trung ương xem xét trách nhiệm cụ thể của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã tham gia các đoàn đi nước ngoài không đúng quy định.
Đi nước ngoài kết hợp... du lịch
Theo Thanh tra Chính phủ, việc các bộ ngành, địa phương tổ chức đoàn đi nước ngoài cũng mang lại một số lợi ích như góp phần thành công trong các đàm phán các hiệp định thương mại, quảng bá hình ảnh, tiếp thu kinh nghiệm... Tuy nhiên có nhiều đoàn ra nước ngoài với nội dung khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng thực chất là để kết hợp đi tham quan, du lịch.
Theo kết luận thanh tra, vẫn còn đoàn có số lượng quá 10 người, thời gian đi của một đoàn quá 10 ngày và nhiều lãnh đạo cơ quan tham gia các đoàn đi nước ngoài do doanh nghiệp mời.
Riêng Bộ Công thương có 23 chuyến ra nước ngoài sử dụng kinh phí do doanh nghiệp mời, tài trợ. Năm 2016, bộ này cử đoàn đi nước ngoài bằng tiền của Tổng công ty Thuốc lá, chi phí cho 5 cán bộ là gần 1,4 tỉ đồng. Tỉnh Đắk Lắk có các ông Nie Thuật (bí thư Tỉnh ủy), Mai Hoan Niê và Đinh Văn Khiết (phó chủ tịch) cũng có 5 chuyến đi nước ngoài bằng tiền doanh nghiệp.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng ban hành các văn bản yêu cầu các bộ ngành và địa phương chấn chỉnh việc thực hiện quy định về hợp tác quốc tế nói chung và cử đoàn đi nước ngoài nói riêng.
Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành và địa phương tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý tương xứng với các vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Đoàn cán bộ VN trong một lần đi học tập ở nước ngoài - Ảnh: CHÂU ANH
Tri ân bằng các chuyến đi nước ngoài
Nhiều đoàn có thành phần là những người chuẩn bị nghỉ hưu cho đi nước ngoài mang tính "tri ân", mời thành phần là người của đơn vị khác không phù hợp nội dung chuyến đi.
Cụ thể, một số đoàn của tỉnh Vĩnh Phúc đi nước ngoài để xúc tiến đầu tư nhưng thành phần đi lại là chủ nhiệm UBKT tỉnh, phó trưởng Ban tuyên giáo, chánh án TAND, phó giám đốc công an, phó viện trưởng Viện KSND tỉnh...
LÊ THANH - SƠN ĐỊNH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online