Sau thỏa thuận với cựu thư ký Phạm Trung Kiên về chi phí chấp thuận cho công dân về nước, phó phòng vận tải hàng không tiếp tục thỏa thuận với các doanh nghiệp, “nâng giá” lên gấp nhiều lần để hưởng lợi gần 20 tỉ trong vụ chuyến bay giải cứu.

1 Cuu Pho Phong Huong Loi 20 Ti Sau Thoa Thuan Ngam Vu Chuyen Bay Giai Cuu

Các bị can trong vụ án: Vũ Hồng Quang (trái, nguyên Phó Phòng vận tải Hàng không, Cục hàng không Việt Nam, Bộ GTVT); Trần Tùng (nguyên Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên).

Hành vi của ông Vũ Hồng Quang (47 tuổi, cựu phó phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải) cùng các đồng phạm được nêu trong cáo trạng vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 vừa được Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoàn tất.

Đáng chú ý, ông Quang là người duy nhất bị truy tố trong cả hai giai đoạn điều tra của vụ án chuyến bay giải cứu. Ở giai đoạn 1, cựu phó phòng bị tòa án tuyên 4 năm tù với cáo buộc nhận hối lộ 2 tỉ đồng của doanh nghiệp để đồng ý cấp phép bay vượt số lượng khách so với văn bản đã được duyệt.

2 Cuu Pho Phong Huong Loi 20 Ti Sau Thoa Thuan Ngam Vu Chuyen Bay Giai Cuu

Cựu phó phòng vận tải hàng không Vũ Hồng Quang bị truy tố tội đưa hối lộ trong vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 - Ảnh: Bộ Công an

Tại giai đoạn 2, ông Quang tiếp tục bị truy tố tội đưa hối lộ tổng số tiền 7,5 tỉ đồng cho cựu thư ký Phạm Trung Kiên.

Cùng bị truy tố về tội đưa hối lộ còn có Nguyễn Mạnh Cương (cựu trưởng phòng thương mại điện tử, Công ty cổ phần Thương mại hàng không Vietjet) và 8 người khác.

Nhận hối lộ gần 2 tỉ, chia cho cấp dưới 244 triệu

Theo cáo trạng, ông Vũ Hồng Quang có nhiệm vụ tiếp nhận, xem xét ra quyết định cấp phép bay cho các hãng hàng không thực hiện các chuyến bay "Combo" do doanh nghiệp tổ chức.

Trong quá trình các doanh nghiệp triển khai, có một số chuyến bay không thuê được tàu bay cỡ lớn để chở hết số lượng khách được duyệt. Do đó, các công ty phải thuê 2 tàu nhỏ dẫn đến phát sinh chi phí, trong khi vẫn còn ghế trống khách.

Để có thêm lợi nhuận, Nguyễn Thị Thanh Hằng (phó giám đốc Công ty Bluesky) và Nguyễn Tiến Mạnh (phó giám đốc Công ty Lữ hành Việt) đã thỏa thuận và được Quang đồng ý cấp phép bay theo số lượng khách vượt so với văn bản đã được duyệt. Chi phí cựu phó phòng đưa ra để thực hiện thỏa thuận này là 2 triệu đồng một khách.

Thực hiện thỏa thuận, ông Quang đã chỉ đạo Nguyễn Mạnh Trường (chuyên viên phòng vận tải hàng không) triển khai cấp phép bay trái quy định cho 1.019 khách theo yêu cầu của Hằng và Mạnh. Cựu phó phòng sau đó nhận hối lộ gần 2 tỉ từ hai người này, cáo trạng nêu.

3 Cuu Pho Phong Huong Loi 20 Ti Sau Thoa Thuan Ngam Vu Chuyen Bay Giai Cuu

Cựu thư ký Phạm Trung Kiên (giữa) cùng cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng và cựu cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan tại phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 1

Sau khi nhận tiền, Quang đã chủ động chuyển khoản 4 lần, chia cho Trường 244 triệu đồng. Mỗi lần chuyển khoản, cựu phó phòng đều nhắn kèm "mật mã" số khách được cấp phép bay vượt tương ứng số tiền.

Cụ thể trong lần đầu ông Quang chuyển khoản cho cấp dưới 81 triệu kèm theo tin nhắn "Blue over 162" (tức vượt 162 khách) hoặc trong lần chuyển 22 triệu cùng tin nhắn "Lu Hanh Viet over 43" (vượt 43 khách)...

Viện kiểm sát cáo buộc Trường đã nhận hối lộ 244 triệu đồng để đề xuất và triển khai cấp phép bay quá số lượng so với bản được duyệt, theo chỉ đạo của phó phòng Quang.

Hành vi đưa hối lộ của phó giám đốc 2 doanh nghiệp trên cùng hành vi nhận hối lộ của Vũ Hồng Quang đã bị xét xử ở giai đoạn 1 vụ chuyến bay giải cứu nên không xem xét trong giai đoạn 2, cáo trạng nêu.

Đưa hối lộ cho cựu thư ký Phạm Trung Kiên gần 7,5 tỉ

Ngoài ra, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, khoảng tháng 9-2020, cựu phó phòng Quang còn liên hệ với Phạm Trung Kiên nhờ giúp có được văn bản chấp thuận của Ban chỉ đạo cho công dân về nước trên các chuyến bay đơn lẻ.

Ông Kiên đồng ý với Quang và thỏa thuận chi phí 10 triệu đồng một công dân.

Quang đã trao đổi với Nguyễn Mạnh Cương (cựu trưởng phòng của Vietjet) và Vũ Hoàng Dũng (lao động tự do) về việc có thể xin văn bản cấp phép cho công dân về nước trên chuyến bay đơn lẻ. Tuy nhiên cựu phó phòng "nâng giá" lên mức phí từ 2.000  - 3.000 USD/công dân.

Sau đó ông Cương, Dũng trao đổi với các giám đốc doanh nghiệp tư nhân làm dịch vụ đưa người về nước tránh COVID-19, yêu cầu tập hợp hồ sơ các công dân có nhu cầu. Tuy nhiên mức chi phí được thỏa thuận chênh lên từ 100 - 500 USD/công dân.

Sau khi thỏa thuận như trên và nhận được thông tin công dân có nhu cầu về nước từ Quang, trong 6 tháng đầu năm 2021, Phạm Trung Kiên chuyển thông tin, hồ sơ đến Cục Y tế dự phòng để tham mưu, đề xuất lãnh đạo duyệt, ký văn bản theo quy trình của Bộ Y tế.

Viện kiểm sát cáo buộc Vũ Hồng Quang đã thỏa thuận và đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên 10 triệu đồng một công dân để có được văn bản chấp thuận cho công dân về nước.

Tổng cộng, Quang đã đưa hối lộ gần 7,5 tỉ cho Kiên để có được văn bản chấp thuận cho 624 công dân về nước. Qua đó Quang hưởng lợi gần 20 tỉ đồng.

Nguyễn Mạnh Cương bị xác định có vai trò đồng phạm giúp sức, đã chuyển gần 3,9 tỉ đồng cho Vũ Hồng Quang đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên để có được văn bản chấp thuận cho 388 công dân về nước. Qua đó, cựu trưởng phòng thương mại điện tử Vietjet hưởng lợi hơn 2 tỉ đồng.

Ngoài ra, nhiều bị can khác là giám đốc các doanh nghiệp có dịch vụ đưa công dân về nước trên các "chuyến bay giải cứu" cũng bị cáo buộc đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên.

Hành vi nhận hối lộ tổng cộng hơn 14,8 tỉ đồng của Phạm Trung Kiên đã bị truy tố, xét xử trong vụ án chuyến bay giải cứu ở giai đoạn 1 nên không xem xét, xử lý trong giai đoạn này, cáo trạng nêu.

Ở giai đoạn 1, tòa hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên án Phạm Trung Kiên tù chung thân với cáo buộc nhận hối lộ số tiền lớn hơn 42 tỉ đồng "gây bức xúc dư luận, cần xử phạt răn đe".

GIANG NAM

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC