Thương hiệu "5 không" của Đà Nẵng đang gặp thách thức khi năm 2015 có thêm hơn 1.000 người nghiện ma túy, số người lang thang xin ăn tăng gấp 3 lần.
Nhiều báo cáo tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng khóa 8 (diễn ra từ ngày 8 đến 10/12) đề cập tình hình an ninh trật tự, văn hóa xã hội ở thành phố đang có dấu hiệu chuyển biến xấu. Thương hiệu "thành phố đáng sống nhất Việt Nam" đang gặp thách thức, đặc biệt là mục tiêu "5 không" - không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy, không có giết người cướp của, từng được triển khai hiệu quả từ năm 2001 đến nay.
Tăng hơn 1.000 người nghiện dù đã "sáng tạo luật"
Tháng 9/2014, Đà Nẵng đã "sáng tạo" khi áp dụng Luật xử lý vi phạm hành chính đưa người nghiện đi cai. Những quy trình lòng vòng của luật được gộp lại, các ngành tư pháp, công an và lao động thương binh xã hội quận huyện cùng ngồi với nhau để trong 3 ngày có thể thống nhất lập hồ sơ người nghiện, chuyển qua tòa án xem xét. Và trong 3-5 ngày, tòa phải ra quyết định có đưa người nghiện vào cai nghiện tập trung hay không.
Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung, tình hình tệ nạn ma túy ở địa phương đang diễn biến phức tạp, số người tái nghiện tăng. Báo cáo của Ban Pháp chế HĐND thành phố dẫn ra con số trong năm 2015 phát hiện 2.518 trường hợp sử dụng trái phép các chất ma túy, tăng 1.053 người so với cùng kỳ 2014, độ tuổi thanh niên chiếm đến 91,5%.
TAND TP Đà Nẵng thông tin, việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong năm qua được tòa án hai cấp thanh phố triển khai hiệu quả với 547 người được đưa đi cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên mới giải quyết được 1/3 so với số lượng hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính của tòa án nhân dân.
Giám đốc Công an TP Đà Nẵng Lê Văn Tam thừa nhận, người nghiện ở cộng đồng ngày càng nhiều là nguyên nhân xảy ra trộm cắp, cướp giật.
Người lang thang xin ăn tăng gấp 3
Ông Vũ Hùng, Trưởng Ban văn hóa - xã hội HĐND thành phố cho biết năm 2015, các ngành, địa phương đã thu gom 227 trường hợp lang thang xin ăn, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2014. Số lượng người ăn xin tăng cũng có một phần là nhờ thành phố xử lý gắt gao, xử lý nhiều thì phát hiện nhiều người vi phạm.
Thành phố Đà Nẵng đang xử lý tình trạng người lang thang xin ăn theo hướng đưa họ vào các trung tâm xã hội hoặc buộc chuyển về nơi cư trú. Tuy nhiên, theo ông Hùng, đây là việc làm dài hơi. Những người lang thang xin ăn đều có hoàn cảnh nghèo khó nên phải xử lý thấu tình đạt lý.
"Giải pháp hiện tại của Đà Nẵng là treo thưởng từ 200 đến 400 nghìn cho người dân phát hiện và báo tin có người lang thang xin ăn để cơ quan chức năng đến xử lý là cách làm hay, cần sự chung tay của cộng đồng. Thành phố vẫn đang phấn đấu cho mục tiêu không có người lang thang xin ăn, phải làm lâu dài chứ không dừng lại", ông Hùng nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Thị Nam Phương cho rằng khi dịch vụ du lịch của Đà Nẵng nhiều lên thì cũng có nhiều người lợi dụng để ăn xin, biến tướng từ việc bán hàng rong. Qua kiểm tra, hầu hết người vi phạm đều là ngoại tỉnh. "Con số tăng thì cần kiểm soát tốt hơn. Việc này cũng đang là sức ép lên định hướng phát triển của thành phố. Thương hiệu 5 không đang là một thách thức với Đà Nẵng, nếu một phút nơi lỏng thì mục tiêu sẽ bị phá vỡ", bà nói.
Nhìn nhận theo hướng tích cực, bà Nam Phương nói những người bán hàng rong cũng đang cung cấp dịch vụ cho thành phố, đang đóng ngân sách nên ngoài kiểm tra, xử phạt, Đà Nẵng có thể giúp đỡ họ bằng việc cấp cho những người bán hàng rong một giấy phép lao động, đào tạo cho họ về văn hóa thương mại để kiểm soát, nếu họ làm không đúng thì rút giấy phép. Ngược lại những người muốn bán hàng rong ở Đà Nẵng thì phải trải qua đào tạo, phải có danh sách.
Còn ứng xử của những người khi bị xin tiền cần dứt khoát với việc không cho. Nếu tạo cơ hội để người ta xin, kiếm tiền dễ quá thì sẽ có nguy cơ tăng nhanh số người bán hàng "biến tướng".
Lần đầu tiên người nước ngoài bị bắn chết
Các báo cáo tại HĐND TP Đà Nẵng cho thấy số người có tiền án, tiền sự và trẻ vị thanh niên phạm tội gia tăng (đối tượng có tiền án, tiền sự chiếm 23,1%, tăng 4,8%; trẻ vị thanh niên chiếm 9,2%, tăng 4,6%).
Tội phạm giết người vẫn xảy ra, đặc biệt lần đầu tiên trên địa bàn có án mạng mà hung thủ dùng súng giết người nước ngoài gây chấn động dư luận bởi tính chất liều lĩnh, manh động.
Đại biểu Trần Văn Lĩnh nói, chưa rõ động cơ của việc giết người Trung Quốc ở Đà Nẵng vì công an vẫn đang điều tra. Tuy nhiên, điều này cho thấy việc quản lý người nước ngoài ở khu vực ven biển chưa chặt chẽ.
"Công an thành phố phải trấn áp để thành phố an bình hơn. Thành phố đáng sống với người dân thì cũng là nơi mà tội phạm tìm đến. Chúng ta không nên che giấu mà cần phải đưa ra để có biện pháp hiệu quả hơn", ông Lĩnh nói.
Nguyễn Đông