Bản sắc văn hóa thủ đô, dự báo dân số hay tính hợp lý của trục Thăng Long… là những băn khoăn của các đại biểu trong phiên họp chiều 20/4.
HĐND Hà Nội đã dành trọn thời gian buổi làm việc để tiếp thu ý kiến của các đại biểu về đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trước đó, từ sáng, một sa bàn cỡ lớn mô tả không gian Hà Nội trong tương lai đã được dựng ngay bên ngoài phòng họp. Đi kèm là hàng loạt bản đồ mô tả chi tiết về quy hoạch giao thông, hiện trạng sử dụng đất, hạ tầng xã hội…
Tuy nhiên, sau khi nghe ông Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị và Nông thôn trình bày tóm tắt, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự lo ngại vì nhiều điểm chưa hoàn chỉnh của đồ án.
Theo ông Ngô Văn Ny, quy hoạch chưa tính tới tình hình biến đổi khí hậu khi đặt tầm nhìn tới 40 năm sau. "Nhất thủy nhì hỏa, tôi thấy quy hoạch chưa đề cập tới nguy hiểm do lũ lụt, diện tích và dân cư ngoài đê sẽ thực hiện như thế nào để phù hợp với Luật Đê điều", ông Ny đặt câu hỏi.
Cũng theo ông Ny, chỉ mới 2 năm trước, phía Hàn Quốc giúp đỡ Hà Nội làm dự án xây dựng thành phố hai bên sông Hồng. Ông đề nghị nêu rõ liệu trong đồ án quy hoạch chung, dự án đó còn tính đến nữa không.
Băn khoăn này được nhiều đại biểu HĐND chia sẻ và kiến nghị không nên phát triển với quy mô quá lớn đối với dự án thành phố ven sông trong bối cảnh Hà Nội đã mở rộng. Thay vào đó khai thác chủ yếu theo hướng trục không gian cảnh quan mặt nước cây xanh của thành phố, để "vừa phù hợp khả năng thực tiễn về di dân giải phóng mặt bằng và Luật đê điều".
Trong khi đó, tính hợp lý của "trục Thăng Long" lại nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều. Theo đại biểu Vũ Đức Tân, một tuyến đường dài hàng chục km, thẳng như kẻ chỉ nối từ trung tâm Hà Nội tới núi Ba Vì là không khả thi, thậm chí "vô lý".
Tuy nhiên, đại diện huyện Ba Vì lại cho rằng, trục Thăng Long là trục hướng tâm đặc biệt có giá trị. Trong thiết kế không gian nên coi đây là trục quan trọng của thủ đô. "Trục này nên hướng tâm núi Ba Vì, kết nối quốc lộ 21, kết nối thêm nhánh nữa đi xung quanh hồ Đồng Mô. Ngoài ra, có thể tận dụng hệ thống này để đưa nước từ sông Đà về cho đô thị lõi", đại biểu này đề xuất.
Cũng trong phiên thảo luận, một số đại biểu kiến nghị làm rõ việc triển khai các dự án ở khu vực vành đai xanh của thành phố. Vành đai là điểm gắn kết khu vực thành thị với nông thôn nên quy hoạch cần lưu ý việc xây dựng đô thị gắn với nông thôn mới. Thực tế, trong vành đai xanh từ vành đai 2 tới sông Nhuệ có nhiều dự án đã được phê duyệt. Thậm chí, khu đô thị Mỹ Đình hình thành nhiều năm nay nằm lọt trong quy hoạch về vành đai xanh trong tương lai.
Tổng hợp khá nhiều ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND cho rằng, đối với trục Thăng Long, đơn vị lập đồ án cần có nghiên cứu cụ thể về tính khả thi cũng như sự ảnh hưởng tới hành lang xanh và sự kết nối vào kinh thành Thăng Long cũ.
"Việc hình thành trục không gian này cần kết hợp với giải quyết về giao thông", ông Nam nói.
Về định hướng phát triển không gian, ông Nam nhấn mạnh, đồ án quy hoạch chung cần phân tích đầy đủ hơn các căn cứ phát triển các đô thị vệ tinh, đặc biệt là mối liên kết với không gian vùng - mối liên kết với tính chất tính chất "đối trọng" để hạn chế di dân vào đô thị trung tâm. "Các đô thị vệ tinh vừa đảm nhận chức năng hút dân từ đô thị trung tâm song cũng ngăn di dân từ các vùng xung quanh Hà Nội vào", vị Trưởng ban này kiến nghị.
Theo ông Nam, bên cạnh tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế cần quan tâm hơn đến việc tạo dựng thủ đô có bản sắc, thể hiện sự kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa và đặc điểm của đô thị truyền thống VN.
Ngoài ra, dự báo phát triển dân số của thủ đô tương lai cũng được các đại biểu quan tâm. Theo đó, dự báo phải có sự luận giải kỹ và thống nhất với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội. Khả năng dung nạp dân số quy chế kiểm soát, quản lý dân cư của Hà Nội cũng cần được tính tới..
Theo ông Lê Quang Nhuệ, Phó chủ tịch HĐND Hà Nội tất cả những băn khoăn, ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được tập hợp thành ý kiến chính thức và gửi tới Liên danh tư vấn, đơn vị lập đồ án.
Hiện, đồ án đã được Bộ Xây dựng, đơn vị tư vấn báo cáo Thường trực Chính phủ 4 lần, báo cáo UBND, thành ủy Hà Nội. Sáng 21/4, đồ án quy hoạch không gian Hà Nội đến năm 2030 sẽ được Bộ Xây dựng tổ chức triển lãm trưng bày và lấy ý kiến đóng góp của người dân tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ. Thời gian triển lãm kéo dài 10 ngày.
Theo VNE.