1.000 tỷ đồng cho một nửa khách sạn Kim Liên, 1,1 tỷ USD cho cổ phần Masan...,các đại gia không tiếc tiền thực hiện thương vụ bạc tỷ cuối năm.

 

​Chi hơn 1.000 tỷ đồng mua một nửa khách sạn Kim Liên

Ngày 22/12, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức đấu giá cả lô cổ phần của SCIC tại Công ty Du lịch Kim Liên. Số cổ phần bán đấu giá là 3,65 triệu, tương đương với 52,4% vốn điều lệ của công ty.

Đại gia nhẹ nhàng bỏ nghìn tỷ cho thương vụ cuối năm - 0 Khách sạn Kim Liên

 

Trong buổi đấu giá, 36 nhà đầu tư (19 tổ chức và 17 cá nhân) đưa ra nhiều mức giá khác nhau và mức giá liên tục được đẩy lên cao. Số tiền cuối cùng người thắng cuộc phải bỏ ra lên đến hơn 1.000 tỷ đồng (tương đương 274.200 đồng một cổ phiếu). Mức này gấp gần 9 lần con số khởi điểm là 112 tỷ đồng (30.600 đồng một cổ phiếu).

Phía thắng cuộc đã được nắm quyền chi phối tại Công ty CP Du lịch Kim Liên, đơn vị đang quản lý trực tiếp khách sạn Kim Liên trên khu đất đắc địa 3,5 ha tại trung tâm Hà Nội.

Hiện danh tính chính thức của nhà đầu tư mua số cổ phần trên chưa được các bên công bố. Tuy nhiên, một nguồn tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, đây là một nhà đầu tư tổ chức.

Cuộc đua mua lại khách sạn Kim Liên đã nóng ngay từ khi SCIC thông báo thoái vốn với sự tham gia của hàng loạt các đại gia: Bầu Thụy, bà Nguyễn Thị Mai Thanh (Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ điện lạnh), Tổng công ty du lịch Hà Nội, Tập đoàn Xây dựng Miền Trung, Tập đoàn Phúc Lộc... Về phía nhà đầu tư cá nhân, có hai nhà đầu tư 9X cũng sẵn sàng chi hàng trăm tỷ thâu tóm khách sạn Kim Liên.

Công ty du lịch Kim Liên chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng và dịch vụ ăn uống, lưu trú ngắn ngày. Lô đất nơi khách sạn tọa lạc không thuộc sở hữu của họ mà là đất thuê dài hạn. Tháng 9/2014 UBND TP Hà Nội đã có quyết định cho Công ty du lịch Kim Liên thuê 3,5ha đất với hạn thuê đất 50 năm kể từ năm 1993. Như vậy, thời hạn thuê đất còn tới năm 2043.

Đại gia Thái chi 1,1 tỷ USD mua cổ phần Masan

Singha Group, tập đoàn đa ngành của Thái Lan đã chi 1,1 tỷ USD mua cổ phần một số công ty con thuộc tập đoàn Masan tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan khẳng định, giao dịch trị giá 1,1 tỷ USD này cho phép Singha sở hữu 25% cổ phần Masan Consumer Holdings (công ty hàng tiêu dùng) và 33,3% cổ phần Masan Brewery (công ty đồ uống).

Thương vụ có hiệu lực tháng 1/2016. Ngay sau đó, sản phẩm của Masan sẽ có mặt trong bếp người Thái, đồng thời thức uống của Singha Asia sẽ hiện diện tại phòng khách người Việt.

Masan là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Việt Nam, với vốn hóa thị trường là 2,5 tỷ USD, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất bia đến các thực phẩm, ngân hàng và khai thác tài nguyên.

Trong khi đó, Singha Asia là một công ty thành viên quan trọng của Tập đoàn Boon Rawd Brewery, hãng bia tại Thái Lan thành lập năm 1933. Công ty này đang sản xuất các sản phẩm với nhiều thương hiệu khác nhau như Singha, Leo, B-ing, Purra, Sanvo… thông qua 50 công ty thành viên.

Singha nằm dưới quyền kiểm soát của gia tộc của tỷ phú Santi Bhirombhakdi, người được Forbes đánh giá là giàu thứ 7 tại Thái Lan, với khối tài sản ròng trị giá 2,9 tỷ USD.

Trước đó, Tập đoàn Sinha cũng đã đề nghị muốn mua cổ phần của Sabeco (bia Sài Gòn) nhưng chưa được phía Sabeco đồng ý.

Vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng thống trị sàn chứng khoán   Trong phiên giao dịch 25/12, cổ phiếu VIC tăng 400 đồng lên 42.400 đồng, giúp tổng tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng thêm 213 tỷ đồng, lên 22.574 tỷ. Với tỷ giá phổ biến trong ngày tại các ngân hàng thương mại là 22.547 đồng đổi một USD, ông Vượng một lần nữa trở lại với danh vị tỷ phú đôla đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Đại gia nhẹ nhàng bỏ nghìn tỷ cho thương vụ cuối năm - 1 Tài sản chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng vượt một tỷ USD

 

Trước đó, hồi đầu năm 2011, vị doanh nhân họ Phạm từng một lần vượt ngưỡng "tỷ đô" khi có tài sản đạt khoảng 21.200 tỷ đồng (trong khi tỷ giá thời điểm đó là khoảng 20.000 đồng đổi một USD). Tuy nhiên, do biến động của tỷ giá và trồi sụt của giá cổ phiếu, ông Vượng đã không giữ được danh vị này đến kỳ công bố danh sách Người giàu trên sàn chứng khoán năm đó. Hồi đầu tháng 3 năm nay, tạp chí Forbes cũng ước tính tổng tài sản của doanh nhân này khoảng 1,7 tỷ USD.

Xếp sau ông chủ của Vingroup là Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long với khối tài sản chứng khoán 5.437 tỷ đồng. Cổ phiếu tăng giá cũng giúp bà Phạm Thu Hương - vợ ông Phạm Nhật Vượng tăng tài sản sở hữu thêm 36 tỷ đồng lên 3.892 tỷ và thế chân ông Đoàn Nguyên Đức trở thành người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán. Trong khi đó, cổ phiếu HAG tiếp tục phá đáy khi giảm 200 đồng, khiến tài sản của Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai giảm thêm 70 tỷ đồng, còn 3.790 tỷ.

Cũng nhờ cổ phiếu tăng, tài sản của bà Phạm Thúy Hằng - em gái bà Phạm Thu Hương cũng tăng 24 tỷ đồng, bà Nguyễn Hoàng Yến - Ủy viên Hội đồng quản trị Masan tăng 118 tỷ đồng và lần lượt xếp ở vị trí số 5 và 6 trong danh sách người giàu trên sàn chứng khoán.

Ngoài ra, tài sản của một số đại gia có giảm nhẹ nhưng không làm ảnh hưởng đến vị trí như ông Trịnh Văn Quyết giảm 12 tỷ đồng, ông Dương Ngọc Minh mất 21 tỷ đồng, ông Nguyễn Đức Tài giảm 34 tỷ đồng…

Ca sĩ Minh Hằng mất trộm 1,5 tỷ đồng

Gia đình ca sĩ Minh Hằng vừa trình báo bị trộm túi xách, nhẫn hột xoàn, đồng hồ với tổng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng.

Sáng 26/12, Công an TP.HCM phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ và Viện kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ trộm nhà riêng của ca sĩ Minh Hằng (phường An Phú, quận 2).

Theo em trai ca sĩ Minh Hằng, nữ ca sĩ đang ở nước ngoài nên vẫn chưa xác định chính xác số tài tài sản. Tuy nhiên, qua kiểm tra, bước đầu người nhà xác định bị mất túi xách trị giá 30 nghìn USD, nhẫn hột xoàn hơn 400 triệu đồng và đồng hồ trị giá khoảng 25 nghìn USD.

Minh Thái (Tổng hợp)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC