"Ông Rishi Sunak trở thành lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ, được Quốc vương bổ nhiệm làm Thủ tướng Anh. Tiến trình này cho thấy diễn biến chính trị nhanh chóng tại Anh, nhưng điều xuyên suốt là chính sách đối ngoại của London luôn nhất quán và liên tục", đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew nói với VnExpress ngày 25/10, sau khi Anh có thủ tướng thứ ba trong 7 tuần.
Ông cho biết một trong những chính sách đã được Anh duy trì qua các đời thủ tướng là xoay trục sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và "tập trung vào Đông Nam Á cũng như Việt Nam".
Đại sứ Frew nhận định sẽ cần thời gian để xem Thủ tướng Sunak sẽ đưa nước Anh đi theo hướng nào, nhưng tin tưởng chính sách đối ngoại của Anh tiếp tục nhất quán, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động do lạm phát và giá năng lượng tăng cao.
Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew trong cuộc phỏng vấn tại Hà Nội ngày 25/10. Ảnh: Giang Huy.
"Kỳ vọng đầu tiên của tôi với Thủ tướng Rishi Sunak là với tính liên tục trong cách tiếp cận của Anh, chúng ta sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn lĩnh vực thương mại và xây dựng quan hệ thương mại tự do song phương. Anh cũng sẽ tiếp tục tập trung vào hợp tác về khí hậu và năng lượng, cũng như quan hệ quốc phòng và an ninh với Việt Nam. Tất cả điều này sẽ nhất quán", ông Frew nói.
Đại sứ Frew tới Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ từ tháng 8. Ông gọi đây là "thời điểm rất tích cực", khi hợp tác giữa hai nước ngày càng tăng trên các lĩnh vực thương mại, năng lượng, đầu tư lẫn an ninh, quốc phòng.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Anh trong 9 tháng đầu năm nay đạt gần 5,2 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ, theo số liệu của Tổng cục Hải quan. Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nước này hiện có 485 dự án đầu tư FDI vào Việt Nam, với tổng vốn đạt gần 4,2 tỷ USD, đứng thứ 12 trên tổng số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Theo Đại sứ Frew, sự kiện Brexit đã mở ra hướng đi và kỷ nguyên mới trong chính sách đối ngoại của Anh, cũng như cách London phát triển quan hệ với châu Âu và phần còn lại của thế giới. Sau bước ngoặt này, Anh thực sự tập trung vào thúc đẩy quan hệ với các khu vực năng động và đang phát triển nhanh chóng như Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á và Việt Nam.
"Việt Nam và Anh năm 2020 ký thỏa thuận tương tự hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), khu vực Anh từng là thành viên. Điều này cho thấy chúng ta đang ở vị trí nào trong xây dựng quan hệ hậu Brexit", ông Frew nói. "Tôi cho rằng hai nước thời gian tới sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng và làm sâu sắc quan hệ".
Ông nhận định hiệp định thương mại tự do giữa hai nước, cũng như kỳ vọng Anh sẽ sớm gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) sẽ tạo ra cơ sở vững chắc hơn cho các doanh nghiệp hai bên giao dịch, đầu tư.
Sứ mệnh của các doanh nghiệp Việt Nam và Anh là tận dụng những hiệp định này và gia tăng đáng kể hoạt động thương mại trong những năm tới, đóng góp cho thịnh vượng, tăng trưởng và tạo ra việc làm tại hai nước cũng như khu vực.
Một trong các lĩnh vực mà Anh đang phối hợp rất chặt chẽ với Việt Nam cũng như các đối tác là vấn đề khí hậu và năng lượng. Ông Frew cho biết Anh đang tìm cách hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi đầy tham vọng từ một nền kinh tế tăng trưởng dựa vào phát thải carbon sang mô hình xanh hơn, phù hợp cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại hội nghị COP26 ở Glasgow, Anh tháng 11/2021.
"Đây là thách thức lớn, song là lĩnh vực chúng ta có rất nhiều tiềm năng và có thể làm việc cùng nhau nhiều hơn. Anh có kinh nghiệm trong tiến trình chuyển đổi năng lượng, trong đó lưới điện sử dụng nhiều nguồn cung tái tạo như gió và năng lượng mặt trời. Việt Nam có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này", đại sứ Anh nói.
Theo đại sứ Frew, Anh, Việt Nam và Anh cũng sẽ "quan tâm hơn nữa để cùng nhau giải quyết" những vấn đề an ninh trong khu vực lẫn toàn cầu.
"Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chứng kiến một số căng thẳng địa chính trị, song lại là khu vực đang phát triển nhanh chóng và có tiềm năng to lớn trong tương lai", ông nói. "Tăng cường hợp tác an ninh với các đối tác trong khu vực rất quan trọng".
Anh năm 2021 đã triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay số 21, do chiến hạm HMS Queen Elizabeth dẫn đầu, tới hoạt động ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm thể hiện cam kết của London với khu vực. Đại sứ Frew kỳ vọng các nhóm tác chiến tàu sân bay Anh cùng chiến hạm khác sẽ tiếp tục tới khu vực trong tương lai.
Đại sứ Frew cho biết ông chưa từng tới Việt Nam trước khi bắt đầu nhiệm kỳ, song khẳng định "tôi biết mình sẽ làm điều này, tôi thực sự muốn sống và làm việc tại đây".
"Khi tới Hà Nội hai tháng trước, nhân viên Đại sứ quán hỏi tôi muốn dùng bữa sáng đầu tiên ở Việt Nam theo kiểu truyền thống của Anh hay món ăn Việt. Tất nhiên tôi muốn ăn phở trong bữa sáng đầu tiên này. Một trong những điều tôi thích nhất khi tới Việt Nam là thử mọi món ăn và lắng nghe những lời giới thiệu của mọi người về chúng", ông kể.
Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew ăn phở tại nhà riêng ở Hà Nội ngày 24/8. Ảnh: Facebook/Iain Frew.
Đại sứ cho hay trước khi tới Hà Nội, ông đã học tiếng Việt ở London với "hai giáo viên rất giỏi". Ông thừa nhận tiếng Việt là ngôn ngữ rất khó với người nước ngoài, nhưng "rất đáng để tập trung và dành thời gian học hỏi thêm".
"Sẽ có những thách thức và khó khăn, nhưng đó là lý do việc trở thành Đại sứ Anh tại Việt Nam rất thú vị và đáng giá, khi chúng ta có thể góp phần xây dựng cầu nối hữu nghị giữa hai nước", ông Frew nói. "Tôi rất tự hào và hạnh phúc đảm nhiệm cương vị này, bởi chúng ta có rất nhiều thứ có thể làm cùng nhau".
Nguyễn Tiến
Nguồn: VNEXPRESS.NET