Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam (ảnh: Infonet)
Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng Trung tâm hành chính nghìn tỷ có thể xuất phát từ lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ của cán bộ lãnh đạo địa phương...
Hàng loạt Trung tâm hành chính nghìn tỷ Hàng loạt các tỉnh, thành phố như Khánh Hòa, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng... đang tập trung lập dự án xây dựng Trung tâm hành chính với quy mô nghìn tỷ.
Có thể thấy, chưa bao giờ “phong trào” xây dựng trụ sở làm việc cấp tỉnh, thành phố lại “nở rộ” như hiện nay. Trong đó, không ít công trình sử dụng nguồn vốn "viện trợ" từ ngân sách.
Mới đây, dự án xây dựng Trung tâm Hành chính - Chính trị thành phố Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, đang được các bộ, ngành xem xét, thẩm định đầu tư theo quy định.
Theo đó, tổng mức đầu tư dự án này lên tới 9.894 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương chiếm khoảng 80%. Thời gian thực hiện dự án 5 năm, dự kiến đưa vào sử dụng vào năm 2020.
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng hy vọng, việc xây dựng Trung tâm hành chính nghìn tỷ sẽ góp phần đưa Hải Phòng trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, tạo bước đột phá cho địa phương trong thời gian tới.
Điều đáng nói là, tại một số địa phương, mặc dù đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn xúc tiến việc xây dựng khu Trung tâm hành chính với quy mô lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây trụ sở hoành tráng, trong điều kiện nguồn ngân sách không cho phép thì nên cân nhắc mặt lợi, hại trước khi thực hiện dự án… đặc biệt là trong thời điểm hiện tại (tình trạng ngân sách eo hẹp, nợ công tăng cao, thu, chi mất cân đối, Chính phủ “phải thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu công…).
Có lợi ích nhóm...?
Hôm 7/11, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc xây dựng Trung tâm hành chính nên cân nhắc thời điểm xây dựng, điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương.
“Tôi từng nghe chuyện tỉnh nọ đầu tư xây dựng công trình nghìn tỷ để bằng bạn bằng bè, làm thay đổi bộ mặt đô thị. Xin thưa đây là tư duy rất phiến diện.
Bởi lẽ, hình ảnh của địa phương xấu hay đẹp được đánh giá bằng sự tín nhiệm của nhân dân với bộ máy công quyền, các chỉ số về thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội đi kèm, chứ không phải ở cái trụ sở to hay nhỏ", ông Liêm cho biết.
Do đó, đây là việc chưa nên quyết định vội vàng trong thời điểm hiện tại.Ông Liêm cũng cho rằng, nhân dân sẽ khó đồng tình nếu chi một khoản tiền lớn, trong điều kiện nền kinh tế chưa cho phép, bởi xét cho cùng ngân sách đầu tư ít hay nhiều cũng là tiền thuế của dân đóng góp.
“Phải nhìn gương lãnh đạo Trung ương mà học tập. Nếu phải xây thì xây cho Trung ương trước đã. Tôi lấy ví dụ khu làm việc của Chủ tịch nước vẫn tận dụng công trình từ thời Pháp để lại để làm việc.
Trong khi đó trụ sở nhiều Bộ cũng đã có phần xuống cấp nhưng người ta vẫn sử dụng để làm việc. Thế tại sao cấp tỉnh, thành phố, đặc biệt là những tỉnh nghèo lại đua nhau lập đề án nghìn tỷ để xây dựng?
Thực tế cũng cho thấy, nước ta có 63 tỉnh thành, nhưng chỉ khoảng 1/3 trong số này nộp ngân sách về Trung ương. Còn lại 2/3 địa phương sử dụng nguồn ngân sách do Trung ương “đại thọ”.
Cho nên, đối với những tỉnh đang còn nhiều khó khăn về ngân sách nhưng muốn đầu tư xây dựng hoành tráng thì nên cân nhắc”, ông Phạm Sĩ Liêm lưu ý.
Theo ông Liêm, ở một số địa phương còn khó khăn, nên chú trọng việc phát triển kinh tế, xã hội trước tiên, hơn là tập trung nguồn lực vào những việc được cho là chưa cần thiết lúc này.
“Tôi không phản đối việc Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương xây dựng Trung tâm hành chính. Bởi lẽ, các công trình nghìn tỷ ở đây hoàn toàn tương thích với diện mạo, điều kiện phát triển kinh tế của địa phương đó.
Còn những địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nên tập trung vào các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội trước mắt. Còn nếu có tỉnh nghèo nào đó, lại muốn tiêu một lúc mấy nghìn tỷ thì thật vô duyên. Cá nhân tôi không tán thành việc làm này”, ông Liêm nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, trong điều kiện nguồn ngân sách khó khăn, nợ công tăng cao, thu không bù được chi, cán bộ công chức nhiều năm không được tăng lương theo lộ trình, nếu bỏ một lúc hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính là điều không phù hợp.
Theo ông Cuông, việc nhiều địa phương nghèo nhưng thích “chơi trội” có thể xuất phát từ "tư duy nhiệm kỳ" của lãnh đạo địa phương, đồng thời không loại trừ khả năng có “lợi ích nhóm” để trục lợi.
“Làm lãnh đạo, không ít người muốn để lại dấu ấn của mình bằng một công trình, một tác phẩm kiến trúc sau khi về hưu. Do vậy, dù khó khăn, người ta cũng cố “chạy” bằng được để có tiền xây dựng.
Mặt khác, việc xây dựng công trình nghìn tỷ trong thời điểm khó khăn như hiện nay, không loại trừ có "lợi ích nhóm".
Nếu có nhóm lợi ích trong việc xây dựng công trình nghìn tỷ thì những người có liên quan sẽ được hưởng lợi bất chấp nỗi khổ của người dân, sự than phiền của dư luận.
Do đó, không tránh khỏi việc nhiều công trình xây dựng có thể có việc chia trác tỷ lệ phần trăm, "lại quả" trong quá trình thực hiện.
Ông Cuông đưa ra cảnh báo: “Việc chạy theo “mốt” xây dựng Trung tâm hành chính sẽ trở nên nguy hiểm nếu địa phương đó không biết mình, biết ta.
Do đó, việc đầu tư xây dựng quy mô lớn nếu không được tính toán kỹ lưỡng sẽ tác động không nhỏ tới tâm lý, điều kiện sống của người dân.
"Tại những địa phương còn nghèo, thay bằng việc xây dựng công trình nghìn tỷ, nên tập trung vốn đầu tư phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội thì hay hơn việc xây dựng Trung tâm hành chính trong thời điểm hiện tại. Còn khi có điều kiện rồi, cũng nên “liệu cơm, gắp mắm”, ông Cuông đề nghị.
Theo Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam