Tập đoàn Dầu khí (PVN) vừa công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 23.600 tỷ đồng. Thực tế, PVN chủ yếu lãi lớn ở mảng được giao độc quyền khai thác, có cơ chế đặc thù.
Đằng sau những con số được công bố ra ngoài, còn nhiều điểm tương phản không được nói đến...
Những mảng độc quyền lãi lớn...
Theo báo cáo chi tiết mà PVN phát cho các đại biểu tại lễ sơ kết sáu tháng đầu năm được tổ chức ở Vũng Tàu, nhiều tên tuổi được nêu có doanh thu vượt kế hoạch. Chẳng hạn như liên doanh VietsovPetro vượt 19%, tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) vượt 16%, tổng công ty Khí (PVGas) vượt 16%, công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn (quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất) vượt 38%... Thật ra, hầu hết đơn vị này đều được giao độc quyền kinh doanh cả một mảng rộng lớn hoặc có những cơ chế ưu đãi vượt trội...
Chẳng hạn, ở công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn, từ giữa năm 2012 Chính phủ đã cho phép xăng dầu từ Dung Quất trước khi bán ra thị trường được cộng thêm 7% thuế nhập khẩu, LPG cộng thêm 5% và sản phẩm hóa dầu là 3% (dù xăng dầu Dung Quất hoàn toàn không phải nhập khẩu). Từ khi có cơ chế trên, nhà máy lọc dầu Dung Quất liên tục có lãi. Nếu 6 tháng đầu năm 2012 còn lỗ 2.200 tỷ đồng, đến năm 2013 đơn vị này lãi khoảng 2.000 tỷ đồng. Và 6 tháng đầu năm 2014, dù nhà máy phải dừng bảo dưỡng nhưng vẫn có mức lợi nhuận đạt 2.081 tỷ đồng, bằng 232% kế hoạch.
Không chỉ nhà máy lọc dầu Dung Quất, PVGas nhờ lợi thế được tiếp nhận nguồn khí gas từ các giàn khoan của PVN và từ nhà máy lọc dầu Dung Quất, tổng công ty này cũng là một trong những đơn vị có lãi lớn, với thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên từng được công bố là 27 triệu đồng/người/tháng. Theo báo cáo của PVN, 6 tháng đầu năm 2014 lợi nhuận sau thuế của PVGas đạt trên 6.400 tỷ đồng, vượt 50% kế hoạch.
Cũng không ngạc nhiên khi những “ông lớn” như PVEP, tổng công ty Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVDrilling), tổng công ty cổ phần Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí (DMC)... đều đạt doanh thu vượt kế hoạch. Bởi thực tế những đơn vị này gần như không có đối thủ cạnh tranh trong nước, nên lợi nhuận đều trên ngàn tỷ. Như PVEP lợi nhuận sau thuế 9.272 tỷ đồng, liên doanh VietsovPetro 8.599 tỷ đồng...
Mảng phải cạnh tranh gặp khó...
Ngoài những lĩnh vực khai thác tài nguyên, ít phải cạnh tranh nên lợi nhuận rất cao, PVN cũng có nhiều doanh nghiệp vốn cả ngàn tỉ đồng nhưng lợi nhuận chỉ vài chục tỉ đồng, thậm chí lỗ.
Điển hình là tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC). Tổng công ty này đã nổi tiếng trên sàn chứng khoán về... lỗ. Năm 2013 lỗ và sáu tháng đầu năm 2014 con số lỗ lên đến 433,8 tỷ đồng. PVN thừa nhận lý do lỗ của PVN là do kiểm soát hoạt động không chặt chẽ từ những năm trước và thị trường xây dựng đầu năm còn hạn chế.
Theo TS Nguyễn Sơn - Viện Kinh tế chính trị thế giới, doanh nghiệp tư nhân lỗ hai năm có thể đã phải phá sản. Với những doanh nghiệp nhà nước lỗ, cần mổ xẻ năng lực, các lý do lỗ, xem do khách quan, chi phí quá cao hay vì các hợp đồng thua thiệt... để có biện pháp xử lý.
Ngoài PVC, còn có sự góp mặt của tổng công ty Công nghệ năng lượng dầu khí (PVEIC) trong danh sách doanh nghiệp lỗ (với mức lỗ hợp nhất là 13,3 tỷ đồng), hay tổng công ty Dầu (PVOil) sáu tháng qua lỗ 73,3 tỷ đồng...
Ngoài những đơn vị lỗ, còn nhiều doanh nghiệp có vốn không nhỏ của PVN nhưng đạt lợi nhuận và hiệu quả hoạt động không cao. Như Tổng công ty Tư vấn thiết kế dầu khí (PVE), Tổng công ty Bảo hiểm dầu khí (PVI)... dù trong báo cáo nêu hiệu quả sinh lời về vốn đạt kế hoạch, nhưng nhìn kỹ số liệu thì tỉ suất lợi nhuận sau thuế hợp nhất trên vốn chủ sở hữu bình quân chỉ đạt dưới... 3%. Như PVI vốn chủ sở hữu bình quân sáu tháng đầu năm 2014 đạt 6.118 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ 93 tỷ đồng - bằng một công ty tư nhân hạng vừa.
Theo Tuổi trẻ