Người dân tại TP.HCM nhận hàng đã mua qua sàn thương mại điện tử - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký quyết định số 01/2025 ngày 3-1-2025 bãi bỏ toàn bộ quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30-11-2010 về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.
Một trong những lý do quan trọng nhất dẫn đến quyết định này là đảm bảo sự công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm sản xuất trong nước. Trước đây, hàng nhập khẩu giá trị thấp được miễn thuế VAT, trong khi các sản phẩm tương tự do doanh nghiệp nội địa sản xuất vẫn phải chịu loại thuế này. Điều này dẫn đến chênh lệch giá cả, tạo áp lực không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Việc xóa bỏ miễn thuế VAT sẽ giúp cân bằng sân chơi, hỗ trợ các nhà sản xuất nội địa tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời khuyến khích tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước.
Trước đó, ngày 30-11-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 78 về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.
Khi ban hành quyết định trên, hệ thống khai báo hải quan chỉ thuần túy thực hiện theo thủ công nên chính sách miễn thuế theo quyết định này góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính và giúp đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa, giảm bớt số lượng hàng hóa phải khai nộp thuế.
Tuy nhiên dựa vào thực tế hiện nay, chính sách này không còn phù hợp do thương mại điện tử thế giới cũng như tại Việt Nam đã và đang tăng trưởng nhanh qua các năm.
Theo ước tính, mỗi ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử.
Về thủ tục hải quan, hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) tiếp tục được triển khai, góp phần đơn giản hóa thủ tục và giảm tình trạng ùn tắc với hàng hóa tại cổng cảng, kho, bãi.
Hiện trên 99% thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử thông qua Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS).
Theo báo cáo của Metric, trong quý 3.2024, trung bình mỗi tháng người tiêu dùng tại Việt Nam chi gần 25.300 tỉ đồng để mua hàng qua 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất thị trường (Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo).
Tổng doanh thu thương mại điện tử cả nước 9 tháng đầu năm nay đạt gần 10 tỉ USD, với hơn 1,4 triệu sản phẩm.
HỒNG PHÚC
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online