Một số tờ báo gần đây tiếp tục thảo luận về việc đào tạo Tiến sỹ (TS) ở nước ta. Tinh thần chung là chỉ ra những bất cập và đề xuất những kiến nghị đổi mới.
Mới đây nhất, có quan điểm cho rằng chi phí đào tạo tiến sỹ ở Việt Nam thuộc hạng thấp nhất thế giới và đây được coi là lý do khiến chất lượng đào tạo còn quá nhiều điều phải bàn.
Dưới một góc nhìn khác, bài viết này đưa ra một cách nhìn ngược lại.
Những thảo luận trong bài là quan điểm cá nhân của tác giả. Mọi trao đổi, thảo luận xin được nhìn nhận dưới tinh thần xây dựng.
Rẻ mà lại cực đắt
Nếu chỉ nhìn vào ước tính trung bình 15 triệu đồng kinh phí đào tạo TS hàng năm, so sánh với khoảng 15000 USD tương ứng ở nhiều quốc gia phát triển để đưa ra kết luận rẻ hay không có lẽ chưa thỏa đáng.
Cần công bằng, khách quan trả lời tất cả các câu hỏi sau trước khi đưa ra kết luận đó:
Thứ nhất, mức 15 triệu là tổng kinh phí hay chỉ là tiền nhà nước hỗ trợ hoặc tiền học phí mà mỗi NCS phải đóng?
Nó đã bao gồm tiền chi trả cơ sở hạ tầng, phụ cấp người hướng dẫn…? Nếu đây là mức NCS phải đóng, hãy xem họ thực chất nhận được gì?
Trên thực tế được học bao nhiêu buổi một tuần? bao nhiêu tháng trên một năm, bao nhiêu môn học trong cả chương trình? Tư vấn khoa học thực chất họ nhận được là bao nhiêu?
Thứ hai, điều kiện phòng học tập, các cơ sở hạ tầng phục vụ học tập, sinh hoạt khác như thế nào?
Ở các nước phát triển, NCS có phòng nghiên cứu riêng với đầy đủ phương tiện, điều kiên thư viện cực tốt. NCS thậm chí được quyền yêu cầu thư viện mượn sách từ các trường khác cho mình khi sách đó không có trong thư viện của trường.
Ngoài ra, hệ thống nhà tập thể dục, sân bóng, bể bơi…đều luôn sẵn sàng phục vụ nhu cầu giải trí, thể thao của NCS nói riêng, sinh viên nói chung sau giờ học. Mức học phí cao vì bao gồm cả những dịch vụ này.
Thứ ba, mức chi phí cần đặt trong mặt bằng chung thu nhập, chi phí của quốc gia.
Sẽ không hợp lý nếu chỉ thuần túy so sánh 15 triệu ở nước ta với gần 200 triệu ở nước ngoài. Cần đặt con số này trong bối cảnh lương thu nhập trung bình của người lao động.
Thứ tư, hầu hết những người học TS ở các quốc gia phát triển hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tư nhân.
Rất ít người làm việc trong các cơ quan công quyền, nắm giữ chức vụ quản lý, rất ít người được chính phủ lấy tiền ngân sách chi trả cho việc trường lớp của họ.
Đa phần vừa đi học, vừa đi làm.
Trong khi đó, chỉ số ít NCS ở ta thuộc đối tượng ngoài nhà nước. Điều đáng nói là những cán bộ- sinh viên này vẫn được nhà nước trả lương 100% trong suốt thời gian họ đi học, dù trên thực tế họ không hoặc đóng góp rất ít cho cơ quan mình.
Nếu lãng phí, rẻ có ích gì?
Dường như, hiếm quốc gia nào có tỷ lệ cán bộ quản lý có trình độ TS trở lên cao như ở ta, trong khi trên thực tế đội ngũ TS, PGS, GS thực chất đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy còn thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
Đối với không ít TS, sự nghiệp nghiên cứu của họ chính thức kết thúc sau lễ tốt nghiệp, sau khi nhận tấm bằng.
Đạo tạo ra TS không để làm khoa học, chuyện có khi chỉ ở nước mình.,
Phải thẳng thắn thừa nhận đa số Tiến Sĩ nước ta có trình độ ngoại ngữ rất “i tờ”.
Tôi tin nhiều vị không viết nổi tên luận án của mình chuẩn xác bằng thứ tiếng mà họ đăng ký. Bao nhiêu bằng cấp, bao nhiêu khóa học, bao nhiêu hồ sơ để rồi cứ thấy tây là nói chuyện mỏi cả tay, rẻ phỏng có ích gì?
Tôi cũng hoài nghi nếu đa phần TS cập nhật được thông tin lĩnh vực chuyên sâu của mình từ các đồng nghiệp trên thế giới dù ngày nào họ cũng mải mê hàng giờ bên máy tính, lướt web trên đường truyền tốc độ cao do nhà nước trả tiền.
Việc tìm ra những đóng góp thiết thực của họ cho đất nước có lẽ sẽ hết sức nhọc nhằn, cần hàng chục công trình cỡ luận án TS may ra mới giải quyết được…
Còn nếu muốn tìm đóng góp của họ cho nhân loại, hàng trăm đề tài quốc gia liệu có tìm ra?
Tiền không mua được chất lượng?
Nếu kinh phí đạo tạo là căn nguyên chính cho chất lượng đào tạo thấp ở bậc TS nói riêng, của giáo dục nước ta nói chung, ấy nên coi là điều mừng, hoặc chí ít là dấu hiệu để chúng ta còn lạc quan, hy vọng.
Bởi vấn đề tài chính có thể cải thiện trong thời gian ngắn, dễ bắt bệnh và dễ sửa đổi. Điều đáng e ngại là nếu thực trạng này liên quan đến triết lý giáo dục, tiền sẽ không thể là cứu cánh hiệu quả, bất chấp có bao nhiêu con số không viết thêm.
Theo VietNamNet