Những cơ hội và thách thức trong phát triển kinh tế sau đại dịch được các chuyên gia chỉ rõ tại cuộc tọa đàm chiều 5/10 do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, với chủ đề "Kinh tế Việt Nam vượt những cơn gió ngược".
"Cơn gió ngược" cũng là vấn đề được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần đề cập trên các diễn đàn của ASEAN và Liên Hợp Quốc.
Việt Nam trước ngưỡng cửa cất cánh thành nước phát triển
Từ góc độ một nhà nghiên cứu, TS Vũ Minh Khương (giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore) cũng chia sẻ ấn tượng với sự tăng trưởng của kinh tế sau đại dịch.
"Các nhà nghiên cứu quốc tế đều quan sát và thấy rõ Việt Nam mạnh lên sau đại dịch", ông Khương đánh giá cao điều hành của Chính phủ trong thời gian qua.
TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore (Ảnh: Đoàn Bắc).
Ông Khương nhấn mạnh trong 2 năm qua, niềm tin của doanh nghiệp cũng như các địa phương tăng lên rất mạnh mẽ. Vị chuyên gia dẫn chứng ngay câu chuyện xuất khẩu gạo.
Ông đánh giá Việt Nam rất bản lĩnh, bởi không chỉ vì mình mà vì thế cả thế giới. "Nếu Việt Nam cũng rối loạn và cấm xuất khẩu gạo, chắc chắn mất điểm. Nhưng Việt Nam đã làm khác", ông Khương đánh giá đây là bản lĩnh của Chính phủ trong điều hành.
TS Vũ Minh Khương cho rằng cách điều hành của Chính phủ thời gian qua giúp cho tâm thế của các địa phương lên rất mạnh.
"Quyết định làm 218km tàu điện ngầm, hệ thống đường sắt đô thị trong 12-15 năm tới. Mọi người ngồi họp ngày đêm, tôi nhận thấy một không khí rất đặc biệt. Chính phủ ủng hộ tuyệt đối rồi, Bộ Chính trị, Quốc hội ủng hộ rồi, tại sao chúng ta không làm được?", ông Khương đặt vấn đề.
Nhấn mạnh việc cụ thể hóa nghị quyết để triển khai, ông Khương tin tưởng "chân trời mới đang mở ra", Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa có thể cất cánh để trở thành một quốc gia phát triển.
Đánh giá về cơ hội phát triển, TS Vũ Minh Khương cho rằng năm 2023 là thời điểm rất tốt để doanh nghiệp cảm nhận được sự sống còn. Dẫn chứng từ đề xuất làm hệ thống tàu điện ngầm, ông Khương cho rằng cần sự thay đổi với những quy trình hiện nay với 160 thủ tục và 10.000 chi tiết mà "sai là chết ngay".
Toàn cảnh buổi tọa đàm "Kinh tế Việt Nam vượt những cơn gió ngược" (Ảnh: Đoàn Bắc).
"Nên chăng chúng ta đơn giản thành 3 điểm: Dự án có mức đầu tư có thấp hơn mức trung bình thế giới hay không? Tiến độ có nhanh hơn hay không? Chất lượng có bằng hay tốt hơn hay không? Nếu được 3 điều này, ai cũng muốn đấu thầu vào dự án, sẽ tạo ra một cái "rổ" để các dự án PPP làm rất nhanh", ông Khương tin sự thay đổi này có thể tạo ra sự biến đổi thần kỳ về hạ tầng trong thời gian tới.
Có một cái nhìn lạc quan, ông Khương cho rằng khả năng phía trước của Việt Nam rất xanh. "Rõ ràng Việt Nam đang hội đủ các điều kiện để cất cánh ngoạn mục trong thời gian tới. Có khó khăn nhưng cũng chứa đựng đầy cơ hội", ông Khương nêu quan điểm.
Ông đánh giá cao năng lực của người Việt Nam, bởi khi bàn về vấn đề như phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, Việt Nam có bước phát triển rất ấn tượng. Chẳng hạn, Việt Nam đi sau về vấn đề thu phí tự động nhưng khi TASCO vào, họ đưa ra phần mềm "hay hơn cả Trung Quốc".
"Tức là khi mình đã quyết tâm làm, chịu làm là làm được vì mình hoàn toàn có năng lực. Nguồn lực chúng ta cũng không thiếu, kể cả làm tàu điện ngầm. Đất nước này không nghèo đâu, 100 triệu dân đủ để làm được rất nhiều việc", ông Khương nói.
Ứng phó thành công với những "cơn gió ngược"
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương điểm lại nhiều "điểm sáng" kinh tế trong 9 tháng đầu năm. "Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%, trong đó quý III GDP đạt 5,33% - là con số rất tích cực so với cùng kỳ năm ngoái", ông Phương nói con số tăng trưởng này khá cao so với các nước khác.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương (Ảnh: Đoàn Bắc).
Từ kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định chúng ta đã ứng phó thành công với những "cơn gió ngược" của năm nay nhờ cách chỉ đạo điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ.
Cũng nhắc đến những "cơn gió ngược", ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, đánh giá cao ứng phó của Việt Nam.
Ông cho biết dự báo gần đây của ADB công bố vào tháng 9 cho thấy Việt Nam vẫn sẽ dẫn đầu tăng trưởng ở Đông Nam Á ở mức 5,8% cho năm 2023, giảm so với năm ngoái nhưng vẫn là con số đáng được ghi nhận.
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam (Ảnh: Đoàn Bắc).
"Năm nay, kể cả GDP không đạt được như kỳ vọng nhưng vẫn cho thấy xu hướng tích cực. Với những nỗ lực lớn, mục tiêu tăng trưởng 6% hoàn toàn có thể đạt được", ông Shantanu Chakraborty nêu quan điểm.
Dù đánh giá Việt Nam rất thành công trong chiến lược phát triển kinh tế, song ông Shantanu Chakraborty góp ý có thể chú trọng hơn nữa vào phát triển kinh tế tư nhân, khu vực đóng vai trò then chốt của nền kinh tế.
"Những lỗ hổng, thiếu hụt về hạ tầng hiện nay còn lớn, các khoản ODA còn hạn chế. Vì vậy, cần huy động hơn nữa nguồn lực từ khu vực tư nhân cho hạ tầng, cải tổ về chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân", Giám đốc ADB tại Việt Nam chia sẻ.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí