Theo PGS.TS Võ Kim Sơn, trong xã hội ai cũng có thể chạy chức, chạy quyền vì ai cũng ham hố chức quyền, hễ có cơ hội là chạy.

Ham chức, ham quyền

Day dứt chạy chức quyền: Thằng Bờm còn thích chức trưởng thôn... - 0

Trước hết, về câu hỏi chạy ai, PGS.TS Võ Kim Sơn chỉ ra rằng đối tượng được chạy là những người có quyền quyết định bổ nhiệm hoặc là người có ảnh hưởng đến người có quyền quyết định bổ nhiệm.

Còn đối với câu hỏi ai chạy, theo ông, cả xã hội này ai cũng có thể chạy vì đều ham chức, ham quyền.

"Tôi nhớ ngày xưa dân gian có bài thơ Thằng Bờm, nhưng sau này có người đã cải biên thành một bài thế này:

Thằng Bờm có cái “Nô-kia”
Phú ông xin đổi: chầu bia... say bò
Bờm rằng: Bờm chẳng thích bò
Phú ông xin đổi: mười giờ chơi game


Bờm rằng: Bờm chẳng thích game
Phú ông đổi: cuộc vui đêm vũ trường
Bờm rằng: chẳng thích vũ trường
Phú ông đổi: đất mặt đường một lô


Bờm rằng: Bờm chẳng thích lô
Phú ông xin đổi: ô-tô điều hoà
Bờm rằng: chẳng thích điều hoà
Phú ông xin đổi: toà nhà sơn son
Bờm rằng: chẳng thích sơn son

Phú ông đổi:…chức Trưởng Thôn, Bờm cười…

Như vậy, ngày xưa đói thì Bờm đổi quạt mo lấy nắm xôi, còn ngày nay ai cũng thích chức quyền, đến thằng Bờm cũng đổi cái "No-kia" lấy chức trưởng thôn, do đó hễ có cơ hội là người ta chạy chức quyền", PGS.TS Võ Kim Sơn nhận xét.

Cũng bởi về nguyên tắc, ai cũng ham muốn quyền lực, ai cũng chạy nên nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự cho rằng bây giờ còn có tình trạng "chạy quy hoạch", tức là người nào sắp tới được quy hoạch thì chạy, và người đã ở trong diện quy hoạch mà sắp tới được đưa ra để xem xét bổ nhiệm cũng chạy nốt.

Giải quyết dễ nhưng có làm hay không?

Theo PGS.TS Võ Kim Sơn, muốn hạn chế nạn chạy chức, chạy quyền hết sức đơn giản: "Những người có trách nhiệm, có chức, có quyền ký bổ nhiệm, những người có ảnh hưởng tới người có quyền bổ nhiệm đừng lợi dụng điều này nữa. Nếu họ quyết tâm thì làm gì có ai chạy.

Còn với người muốn có chức quyền thì bản thân họ phải phấn đấu thật giỏi, tham gia thi tuyển công khai, minh bạch, nghiêm túc. Đối với đơn vị tuyển dụng hãy công khai nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu ra sao, tiêu chuẩn thế nào... sau đó mời một hội đồng thật khách quan tuyển dụng, dẫu có đưa phong bì cũng không dám nhận, chọn ra người tài nhất trong số những người thi tuyển".

"Rõ ràng việc này không khó thực hiện, chỉ có điều là người ta có quyết tâm làm hay không", ông nhấn mạnh.

Về đề xuất đưa tội mua bán chức quyền vào Bộ luật Hình sự, theo PGS.TS Võ Kim Sơn điều này không khả thi bởi chẳng ai tự dưng "không khảo mà xưng" rằng mua hay bán chức quyền.

"Làm sao chứng minh được ai chạy chức, chạy quyền hay bán chức, bán quyền. Cách đây chừng 10 năm, khi bị chất vấn về trách nhiệm cá nhân trước nạn chạy chức, chạy quyền, một lãnh đạo Bộ Nội vụ đã khẳng định: Không thấy ai chạy chức đến tôi cả.  

Rõ ràng, việc mua, bán chức quyền không có khái niệm công khai, minh bạch như chuyện mua bán ngoài chợ. Chẳng ai dại dột bảo tôi đã chạy, đã mua được chức ấy cả, chỉ có điều chúng ta biết mười mươi là có chuyện như vậy", ông Sơn nói.

Chính vì thế, một lần nữa vị chuyên gia nhấn mạnh rằng, muốn tuyển dụng người tài hãy công khai tiêu chuẩn trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, nhận hồ sơ, tổ chức thi tuyển thật nghiêm túc, hội đồng tuyển chọn phải là người không hề quen biết người đi thi, sau đó hãy chọn ra người có khả năng xứng đáng mà không phụ thuộc vào ý chí của bất cứ ai.

Thành Luân/ Báo Đất Việt

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC