Phim ảnh, mạng xã hội là những yếu tố tác động khiến thực trạng bạo lực học đường thời gian gần đây rất đáng lo ngại, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 30/10, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đã chỉ ra nhiều nguyên nhân của thực trạng bạo lực học đường. Đây là vấn đề liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương trong thời gian gần đây.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, song theo ông Vinh, điều đáng nói trong bối cảnh hiện nay là một phần do tác động của phim ảnh, một phần do tác động từ mạng xã hội.

"Hiện nay, mạng xã hội, Internet phổ biến hơn rất nhiều nên học sinh dễ dàng tiếp cận sớm với thông tin, hình ảnh, trong đó có những thông tin không lành mạnh", theo lời ông Vinh.

1 Dieu Gi Khien Bao Luc Hoc Duong Ngay Cang Dang Bao Dong

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh (Ảnh: Phạm Thắng).

Thừa nhận bạo lực học đường là hiện tượng tồn tại lâu nay, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục nhận định mức độ nghiêm trọng của bạo lực học đường trong thời gian gần đây rất đáng lo ngại, không chỉ đơn thuần là việc "động tay động chân" mà còn xúc phạm nhân phẩm của nhau.

Một điều đáng lo ngại hơn, theo ông Vinh, đó là bạn bè, cộng đồng xung quanh chưa có thái độ rõ ràng, chưa chủ động tích cực tham gia ngăn cản bạo lực. "Đây là vấn đề rất đáng lo ngại mà chúng tôi đã nói nhiều từ lâu", ông Vinh nói.

Ông nhấn mạnh để xử lý tình trạng này cần kiên trì, cương quyết bày tỏ thái độ không đồng tình với bạo lực.

"Phải làm sao để xây dựng sức đề kháng cho các em bằng việc định hướng học sinh tiếp cận thông tin lành mạnh, hạn chế tiếp xúc thông tin tiêu cực, giúp các em tự nhận biết cái nào tốt, cái nào xấu", theo ông Vinh.

Trong việc này, ông Vinh nhấn mạnh từ chủ trương đến hành động đòi hỏi rất kiên trì, bởi thay đổi nhận thức và hành vi con người cần làm thường xuyên, liên tục, lâu dài.

Chỉ ra vấn đề cốt lõi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cho rằng phải xây dựng văn hóa học đường cho học sinh. Ngoài thời gian ở nhà nhận sự giáo dục của bố mẹ, ông bà, phần lớn trẻ hiện nay nhận sự giáo dục của nhà trường. Do đó, việc hình thành văn hóa học đường cho học sinh là giải pháp lâu dài để giảm bớt bạo lực học đường.

"Tuy nhiên, việc này cần làm lâu dài chứ không thể trong một sớm một chiều để có thể nhìn thấy kết quả ngay. Quan trọng nhất, thầy cô, bố mẹ cần làm gương cho trẻ", ông Vinh nhấn mạnh.

Theo ông Vinh, việc xây nền rất quan trọng, phải đưa vào từng tiết học, môn học, từ gia đình tới nhà trường. Điều này giúp các em hình thành mối quan hệ xã hội giữa người với người biết thương yêu, tôn trọng nhau. Khi đó, bạo lực sẽ giảm đi.

"Môi trường giáo dục phải rất tốt, làm sao các em bước vào, thấy nơi đó là môi trường rất tốt đẹp, tác động tích cực đến các em", ông Vinh tin khi học sinh được đưa vào một môi trường giáo dục như vậy sẽ trở thành những con người chuẩn mực.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC