Cứ 4 doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại đây, lại có một đã chuyển đi một phần hoặc có kế hoạch rời Trung Quốc
Thông tin cho biết, xu hướng chuyển dịch trên đã diễn ra từ 3 năm trước, một số bộ phận đã rời khỏi Trung Quốc, một số khác đang có sự cân nhắc. Nguyên nhân chủ yếu được cho là giá nhân công tăng và khoảng 10% được cho là do vướng mắc về chính sách.
Nhiều phân tích cho biết, Trung Quốc đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các đối thủ châu Á về giá nhân công. Trung Quốc cũng thực hiện hàng loạt cuộc điều tra độc quyền trên diện rộng nhắm vào các công ty nước ngoài. Một số đã phải trả nhiều khoản phạt khổng lồ cho giới chức sở tại.
"Một số chính sách đang được cân nhắc, hoặc đã có hiệu lực, đang khiến Trung Quốc đi sai đường", Lester Ross - Phó chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết.
Chính những yếu tố trên khiến các doanh nghiệp Mỹ cảm thấy mình không được chào đón ở đây và có xu hướng dịch chuyển tới các nước khác.
Theo dự báo, điểm đến phổ biến của các công ty này là các nước đang phát triển tại châu Á và Bắc Mỹ. Theo tờ VnEpress, một số công ty Mỹ luôn phải chịu sức ép từ quê nhà, khi bị chỉ trích đang mang việc làm trong nước ra nước ngoài. Vì vậy, họ đã quay về Mỹ những năm gần đây, do giá nhân công ổn định và sự bùng nổ năng lượng giúp tiết kiệm chi phí.
Cơ hội cho Việt Nam
Xu hướng dịch chuyển của Mỹ là tin buồn với nền kinh tế Trung Quốc, thế nhưng lại đang là cơ hội cho Việt Nam. Việc tăng tốc đầu tư của Mỹ vào Việt Nam ngày càng gia tăng đang chứng minh thực tế trên.
Theo thống kê mới nhất của AmCham, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ tăng từ 29,6 tỷ USD năm 2013 đến 36,3 tỷ USD trong năm 2014, tăng hơn 130 lần so với thời điểm năm 1994.
Thương mại hai chiều dự kiến đạt trên 36 tỷ USD. Mỹ đứng thứ 7 về đầu tư tại Việt Nam với 699 dự án (tổng số vốn gần 10,7 tỷ USD, không tính các dự án đầu tư thông qua nước thứ 3).
Nhìn vào số liệu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, Mỹ đang tăng tốc đầu tư vào Việt Nam là diễn biến bình thường của một siêu cường về kinh tế.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng làn sóng đầu tư nằm trong chiến lược xoay trục của Mỹ để đối trọng lại Trung Quốc cả về chính trị và kinh tế nhưng vẫn là cơ hội tốt cho Việt Nam.
Ngoài việc phải nắm bắt thời cơ thế nào, theo ông Hiếu các cơ quan quản lý cần phải có biện pháp ngăn chặn những hình thức chuyển giá bất hợp pháp của các doanh nghiệp FDI. Quan trọng hơn là Việt Nam phải có chế tài buộc các doanh nghiệp của Mỹ chuyển giao một phần công nghệ cao cho Việt Nam, tránh tình trạng thu hút chỉ để biến mình thành xưởng gia công, lắp ráp, làm thuê.
TS Hiếu nói rằng, mục đích của Việt Nam lúc này không phải là thu hút bằng được, thu hút bằng mọi giá nữa mà phải thu hút có chọn lọc.
Một chuyên gia khác cũng cho biết: “Mỹ đến rồi đi, có thể giống câu chuyện phát triển du lịch của Việt Nam. Khách đến một lần, lần sau không khác thì không đến nữa. Kinh tế cũng vậy, khi tận dụng hết ưu đãi, tài nguyên, không có giàng buộc, không có lợi ích họ sẽ bỏ đi”.
Theo vị chuyên gia, từng bước đi của những nước siêu cường đều là những bài toán chính trị, kinh tế đã được tính toán rất kỹ lưỡng. Về phía Mỹ, tăng tốc đầu tư vào Việt Nam thời gian gần đây không vì lòng nghĩa hiệp riêng với bất cứ nước nào, mà nó nằm trong chiến lược xoay trục của Mỹ vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Vì lo ngại mối quan hệ cũng như sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc, Mỹ đã thực hiện chiến lược xoay trục và Việt Nam được xem như đầu kéo trong chiến lược này của Mỹ.
Vì vậy, vấn đề của Việt Nam là phải tỉnh táo mà lựa chọn đối tác, cần thiết phải mở rộng hợp tác, giảm sự phụ thuộc vào duy nhất một nền kinh tế.
Câu hỏi đặt ra là: Việt Nam là có đủ năng lực, trình độ, đủ tâm, đủ tầm để cân nhắc lựa chọn hay không? Có nắm bắt được những ưu thế và khắc phục những nhược điểm hay không?
Còn khi nắm bắt được cơ hội rồi liệu nội lực trong nước có thay đổi, có đáp ứng được không. Nếu không thay đổi sẽ khó nắm bắt được cơ hội.
An An (tổng hợp)