Người Việt  bỏ ra cả trăm nghìn mua hoa quả Trung Quốc, gà... để cúng tổ tiên, nhưng không dám ăn vì sợ hóa chất độc hại.

 

 

Đồ bẩn độc lên bàn thờ: Vứt đi hoặc cho... chó mèo - 0

Mua dưa lê Thần Tài về cầu may không dám ăn

Có mặt tại chợ Hôm – Đức Viên (Hai Trà Trung – Hà Nội) chiều 12/1, phóng viên Đất Việt đã bắt gặp khá nhiều phụ nữ đến tìm gặp các chủ sạp hoa quả để mua những trái dưa lê có hình ông Thần Tài.

Chị Hoàng Thị Linh (Đống Đa – Hà Nội) sau khi tìm kiếm ở một vài chợ nhỏ không được, qua giới thiệu của bạn bè đã quyết định lên chợ Hôm để tìm loại quả may mắn này.

Chị tâm sự: “Cũng sắp hết năm đến nơi rồi. Gia đình tôi muốn mua ít hoa quả để cúng tổ tiên, đi chùa, làm lễ cuối năm nữa. Thấy mọi người nói nhiều về dưa lê Thần Tài nên tôi quyết định tìm mua. Mình có thờ thì có thiêng. Mong tổ tiên, thần linh phù hộ sang năm mới buôn bán việc gì cũng thuận lợi”.

Theo chị Linh, trong đợt này chị đặt luôn cả một thùng dưa lê Thần Tài (khoảng 100 quả) để biếu luôn bên nội, bên ngoại mỗi nơi một ít thờ cúng dịp cuối năm.

“Giờ hoa quả bày bán nhiều trên thị trường. Cả năm mới có một ngày Tết nên gia đình cũng  muốn bày biện mâm ngũ quả sao cho vừa lạ vừa ý nghĩa. Ngoài dưa Thần tài ra, tôi cũng có nhờ mua thêm bưởi hồ lô trong Sài Gòn nữa. Giá cả dù hơi đắt hơn so với mấy loại quả thông thường nhưng bày lên trông đẹp lắm”. Chị Hoa kể.

Dù cất công tìm mua và sắm những loại quả đắt tiền như vậy nhưng chị Hoa cho biết sẽ chỉ thờ cúng lấy may chứ không dám ăn.

“Ở Việt Nam mình làm gì trồng được những thứ quả này, hàng chỉ toàn nhập từ Trung Quốc. Mà chắc chắn muốn có được những hình thù đẹp và lạ như thế, người ta phải dùng chất hóa học, chất bảo quản rồi tạo hình nữa. Mình duy tâm nên mua thờ cúng vậy thôi, chứ không dám ăn. Để khi nào nó hỏng thì đem vứt đi thôi”, chị Linh khẳng định.

Có mặt tại chợ Hàng Da, chúng tôi tiếp tục bắt gặp gia đình anh Nguyễn Trung Sơn (Hoàn Kiếm- Hà Nội) đi tìm mua loại quả này.

Anh Sơn kể rằng, do đặc thù kinh doanh nên những dịp cuối tuần, cả gia đình anh thường đi chùa để cầu may. Dịp cuối năm thì mời thêm thầy cúng về nhà  làm lễ. Đặc biệt kể từ rằm tháng 7, khi trên thị trường bày bán dưa lê Thần tài thì gia đình anh mỗi lần ra ngoài đều lại chọn để đặt lên bàn thờ.

Anh cho biết: “Làm kinh doanh thì chỉ mong có nhiều lợi nhuận. Mà dưa lê Thần Tài cũng mang ý nghĩa may mắn nữa. Giá cũng hợp lý chỉ 40.000-50.000 đồng/quả thôi. Mình mong muốn điều gì thì thờ cúng luôn cái đó cho thực tế. Hàng tháng tôi đều thay loại quả Thần Tài này để lộc trong nhà luôn mới”.

Theo lời anh Sơn, hình dáng đẹp, có phần hơi lạ và giá thành không quá cao nên việc nhiều người tìm đến mua dưa lê Thần Tài là điều dễ hiểu.

“Thấy lạ thì mua về để thờ cúng thôi chứ tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc ăn cả. Giờ thực phẩm Trung Quốc hầu như toàn tẩm chất độc hại, ăn vào sinh bệnh rất nguy  hiểm. Thực tế tôi thờ cúng cũng thấy rõ, để cả tháng mà quả vẫn không bị hỏng, chỉ hơi ngả màu vàng với cuống bị héo thôi”, anh Nam tiết lộ.

Chỉ ăn gà quê, cúng gà bẩn độc ngoài chợ

Từ khi cộng đồng mạng và báo đài đồng loạt đưa tin về hoa quả bẩn độc, chất tạo nạc trong thịt lợn hay gà nhuộm chất vàng da, gia đình chị Nguyễn Thu Hương (Hà Đông – Hà Nội) đã “cự tuyệt” hẳn với đồ bày bán ở chợ và chuyển hẳn sang dùng hàng quê.

“Từ lâu tôi ít khi mua hàng ở chợ. Cứ cuối tuần chồng tôi lại về quê lấy rau củ quả, rồi gà, vịt, ngan mua tại nhà người dân. Ra ngoài này rồi thuê người thịt, giết mổ. Ăn bao nhiêu thì ăn còn lại thì bỏ vào trong tủ đá để ăn dần. Giờ ra chợ nhìn thịt với rau tươi ngon nhưng cũng không có cách nào để chứng minh là thực phẩm sạch cả.”, chị Hương tâm sự.

Chị Hương chia sẻ, vì gia đình có con nhỏ nên chị khá thận trọng trong việc chọn mua đồ ở chợ, chỉ tìm đến những hàng quen biết hoặc có kiểm dịch chất lượng vệ sinh an toàn.

“Trước gia đình tôi cũng hay mua đồ ở siêu thị nhưng từ lâu lắm rồi không đi nữa. Ra đó thấy đồ ngon nhưng không đảm bảo. Trên ti vi nói rất nhiều vấn đề thực phẩm tươi sống như có tươi sống đâu, toàn tẩm ướp hóa chất và bơm những chất độc hại. Ăn đồ ở quê vừa đảm bảo mà giá cả lại rẻ hơn nhiều so với ở chợ.

Nhà ở quê cũng chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km, mình chỉ mất công đi lại một chút thôi. Chỉ mùng một hay rằm thì tôi mới ra chợ mua gà cho tươi để về thắp hương thôi.", chị chia sẻ thêm.

Cũng theo chị Hương, sau khi cúng xong, gia đình chị thường không ăn loại gà mua ở chợ mà thường cho bác giúp việc hoặc những anh em ở xa trọ gần đó. 

Chị giải thích thêm: "Gà ở chợ nhìn rất thẩm mỹ, nó vàng óng, nhìn ngon nhưng sau khi thắp hương xong gia đình tôi thường không ăn. Mình bắt buộc phải cúng nên mới mua thôi. Bỏ đi cũng tiếc lắm chứ. Đi làm ngày được có 200.000 đồng, mua một con gà cũng hết luôn. Nhưng bỏ đi còn hơn là mình ăn vì chất độc hại lắm. Con nhỏ nên cũng sợ. Nếu không ai ăn thì sẽ dùng làm thức ăn cho chó mèo thôi". 

Nguyễn Huệ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC