Hội thảo về kinh doanh xăng dầu do VCCI tổ chức - Ảnh: P.SƠN
Ngày 14-5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Bộ Công Thương tổ chức hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi các nghị định về luật kinh doanh xăng dầu.
Vì sao thương nhân đầu mối xăng dầu được "xếp hạng cao nhất?"
Theo ông Phan Văn Chinh - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), xăng dầu là mặt hàng chiến lược nên việc xây dựng nghị định nhằm tạo sân chơi bình đẳng, hài hòa lợi ích các bên.
Dù vậy, đại diện cho hơn 150 thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu, ông Văn Tấn Phụng - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Nai - thắc mắc tại sao khi xây dựng dự thảo nghị định lại chỉ căn cứ vào Luật Giá và Luật Cạnh tranh.
Phân tích cụ thể, ông nói dự thảo không có những căn cứ phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Thương mại. Đó là việc thương nhân đầu mối (chỉ chiếm thiểu số) vẫn được "xếp hạng" cao nhất có vị trí riêng với nhiều đặc quyền, sau đó mới đến thương nhân phân phối và bán lẻ vốn chiếm tới hàng ngàn doanh nghiệp.
"Quan điểm và cách tiếp cận về chính sách và quản lý như trên rõ ràng áp đặt duy ý chí và mang tính phân biệt đối xử, hạn chế các quyền tự do, chủ động kinh doanh của doanh nghiệp, trái với tinh thần Luật Doanh nghiệp và Luật Thương mại", ông Phụng nói.
Thêm nữa, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang không có điều kiện bình đẳng để cạnh tranh công bằng trên thị trường. Đặc biệt trong tương quan giữa thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ, giữa doanh nghiệp lớn, siêu lớn thống lĩnh thị trường và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chẳng hạn có tập đoàn chiếm tới 51% thị phần và cùng với 6/32 doanh nghiệp lớn khác chiếm tới 88% thị phần. Tuy nhiên dự thảo lại theo hướng bất lợi và triệt tiêu khả năng cạnh tranh công bằng, bình đẳng của các doanh nghiệp nhỏ.
Ngoài ra, dù đang có tình trạng thống lĩnh thị trường, nhưng dự thảo lại cho phép doanh nghiệp đó toàn quyền quyết định giá bán buôn và giá bán lẻ đối với xăng dầu trong hệ thống phân phối. Điều này, theo ông Phụng, vi phạm Luật Cạnh tranh tại các quy định "áp đặt giá mua, giá bán".
Lo phân biệt đối xử, hạn chế cạnh tranh
Đồng tình, ông Hoàng Trung Dũng - tổng giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) - cho rằng dự thảo quy định thương nhân phân phối không được quyền mua bán lẫn nhau là siết lại điều kiện kinh doanh, bó buộc và hạn chế tự do thị trường.
Vì vậy, với thị trường xăng dầu đang có tình trạng độc quyền, nguy cơ thao túng thị trường, hạn chế cạnh tranh (có doanh nghiệp lớn chiếm tới trên 50% thị phần hay một vài doanh nghiệp đầu mối thống lĩnh tới trên 80% nguồn cung xăng dầu) là có thể xảy ra.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập cũng cho rằng dự thảo có nhiều nội dung trái với nhiều quy định cơ bản của các luật có liên quan. Đặc biệt có nhiều quy định can thiệp không hợp lý vào các quan hệ thị trường, hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và không bảo đảm xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh.
Đơn cử, dự thảo yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu, tùy thuộc loại doanh nghiệp, phải có hệ thống phân phối gồm số lượng cụ thể nhất định thương nhân, cửa hàng bán lẻ, hợp đồng mua bán, phải có kho và phương tiện vận tải... sẽ làm tăng thêm thủ tục hành chính gây phiền hà, chi phí cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, quy định có tính phân biệt như dành nhiều quyền hơn cho thương nhân đầu mối hay các quy định có tính can thiệp và ép buộc liên quan đến quyền tự do kinh doanh. Ví dụ thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối mà không phải nguồn khác.
Nêu quan điểm quản lý xăng dầu luôn là bài toán khó, phải cân bằng nhiều lợi ích, ông Đậu Anh Tuấn - phó tổng thư ký kiêm trưởng ban pháp chế VCCI - cho rằng những can thiệp hành chính với hoạt động kinh doanh xăng dầu chỉ là giải pháp tình thế.
Vì vậy cần để thị trường phát triển bền vững, cần tạo động lực thị trường. Việc sửa đổi dự thảo cần theo hướng tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp cùng các chủ thể tham gia kinh doanh trên thị trường.
NGỌC AN
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online