Không 'ăn' còn mang tiếng dốt
Bình luận về thực trạng phí bôi trơn chiếm hết lợi nhuận doanh nghiệp qua con số điều tra của Ngân hàng Thế giới - doanh nghiệp cứ làm ra được 1 đồng lợi nhuận thì phải chi 0,72 đồng, thậm chí 1,02 đồng cho phí bôi trơn, PGS.TS Ngô Thành Can, Phó trưởng khoa Tổ chức và quản lý nhân sự, Học viên Hành chính Quốc gia khẳng định đây là bức xúc của doanh nghiệp và người dân nhiều năm nay.
Từ phía doanh nghiệp, hầu hết những doanh nghiệp đã từng phải bôi trơn đều nói họ bị gây khó khăn hay "xin" thẳng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp doanh nghiệp bôi trơn là do thói quen, cho rằng đã làm ăn thì không đưa không được."Mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế muốn phát triển phải trông chờ vào doanh nghiệp vậy mà doanh nghiệp cứ phải lo bôi trơn thì làm sao làm ăn, làm sao lớn lên được, chưa kể một loạt hàng rào vô hình khác. Điều này khiến người dân thấy bức xúc khi có một nhóm người nhân danh cơ quan nhà nước gây cản trở, phức tạp cho doanh nghiệp.
Về phía các nhà quản lý, nếu còn một cơ chế xin cho thì tự nhiên sẽ tạo ra một thứ quyền lực cho người ta nhận hối lộ. Nếu có những người làm việc tốt, không lấy tiền đi chăng nữa thì người ta còn bị mang tiếng, bị chê dốt là không biết cách làm ăn. Thực trạng này dẫn đến việc ai cũng nghĩ rằng đã đi làm Nhà nước một thời gian là giàu, là phải ăn chặn người khác. Nhiều khi người dân cứ hỏi nhau: Dạo này làm ăn được không? Mua đổi xe chưa? Xây nhà chưa vì đã làm cho Nhà nước bao nhiêu năm rồi. Hóa ra người ta tự nhiên gắn cho những người đi làm Nhà nước một giá trị ảo là phải ăn trên ngồi trốc, gây khó khăn cho doanh nghiệp, phải đòi bôi trơn.
Về phía những người quản lý, có những người mới làm có khi chẳng nghĩ gì nhưng vì họ nhìn lứa đàn anh, người chỉ đạo là phải bôi trơn nên hình thành một lớp người đòi bôi trơn.
Như vậy, từ cơ chế chính sách, từ con người đến doanh nghiệp, người dân dường như tất cả đều xúm lại tạo ra mảnh đất màu mỡ để doanh nghiệp buộc phải bôi trơn khi làm việc.
Trong khi đó, xét về văn hóa, nhiều khi chúng ta cứ tạo ra một thói quen rồi dần dần lâu ngày đổ tại văn hóa. Điều đó cho thấy Việt Nam đang rơi trong mớ bòng bong phức tạp", PGS.TS Ngô Thành Can phân tích.
Hệ quả của phí bôi trơn, theo ông, đó là nó góp phần làm bại hoại doanh nghiệp, trước hết là bại hoại về kinh tế, doanh nghiệp không thể phát triển, không thể tái đầu tư, kéo theo ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Nhưng nghiêm trọng hơn là bại hoại về con người. Người nhận và không nhận cũng "chết", nó mang lại cách nhìn nhận là làm không phải để xây dựng mà để tiêu cực. Nó cũng tạo ra sự mua bán chộp giật trong cả nước, ảnh hưởng đến cả các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt nam, cái gì phải có tiền mới thông.
Cũng theo PGS Can, phí bôi trơn chiếm hết lợi nhuận doanh nghiệp nhưng nếu không làm thế doanh nghiệp cũng chết. Bởi thế, trước hết doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu thiệt hại, và theo bài toán thông thường - để tồn tại được thì doanh nghiệp phải trút vào dân. Giống như chạy ô tô, nhà xe phải chịu giá xăng lên xuống, đủ các loại thuế phí, mãi lộ, mua lốt... rồi cuối cùng họ cũng phải tính toán bóp chỗ nọ nặn chỗ kia để sống, cuối cùng là người dân phải gánh chịu.
Trong khi đó, PGS.TS Phương Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM cho rằng nguyên nhân quan trọng khiến số doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ ngưng hoạt động đóng cửa ngày càng tăng là vì phải chịu phí bôi trơn.
"Điều đáng lưu tâm nhất hiện nay là tham nhũng ăn theo chính sách và đi sâu vào bộ máy Nhà nước. Bở lẽ, hiện tại, hối lộ là cách để doanh nghiệp giải quyết công việc nhanh, hiệu quả. Người ta sẽ tìm ra các biện pháp hối lộ mới chứ không phải các sản phẩm mới và phương pháp sản xuất mới.
Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam ký kết đặt ra vấn đề là các dòng thuế cũng phải cắt giảm và ảnh hưởng tới thu ngân sách. Từ năm 2015, hàng loạt mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam sẽ giảm thuế theo cam kết của các FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Trước mối “đe doạ” giảm nguồn thu ngân sách, chính sách đang có xu hướng đưa thêm nhiều loại thuế, phí mới để đảm bảo nguồn thu ngân sách vẫn phải duy trì. Vậy là khi nguồn thu của Chính phủ giảm xuống, thì Chính phủ sẽ có xu hướng chuyển hướng nguồn thu vào trong nước và doanh nghiệp nội địa sẽ phải chịu nhiều loại thuế hơn, nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách Nhà nước nhiều hơn. Với phương án tăng thuế để bù thu đặc biệt khi doanh nghiệp đang khó khăn khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó.
Hệ quả là 30 năm đổi mới Việt Nam vẫn chưa xây dựng được nền tảng của một nước công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Mục tiêu chiến lược về cơ bản đưa nước ta thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020 không đạt được, dù đầu tư nhiều, ODA nhiều (20 năm qua lượng ODA đổ vào Việt Nam lên tới gần 90 tỷ USD). Trong khi đó, Việt Nam lại nổi lên nhiều yếu kém nội tại như thâm hụt ngân sách, nợ công, lãng phí, tham nhũng, phụ thuộc vào kinh tế nước ngoài...
Thách thức lớn nhất vẫn là năng lực cạnh tranh khi Việt Nam tham gia hàng loạt FTA. Sức cạnh tranh của chúng ta trong thời gian qua có nhích lên nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu. Trải qua 30 năm đổi mới nền kinh tế vẫn ở khoảng cách quá xa so với các nước trong khu vực, vẫn trong nhóm 4 nước lạc hậu hơn của ASEAN(gồm Lào, Campuchia, Myanmar, Việt Nam). Cuối cùng là các đối tượng trong nước, doanh nghiệp, người lao động, người dân phải chịu.
Người tiêu dùng là đối tượng gánh chiụ thiệt thòi nhất khi các loại thuế, phí và phí bôi trơn đó sẽ được cộng vào giá thành của sản phẩm, nhà doanh nghiệp không thể lớn lên được và nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ngừng hoạt động", PGS.TS Phương Ngọc Thạch thẳng thắn.
Người Việt tự hại mình
PGS.TS Phương Ngọc Thạch dẫn lại khảo sát của WB và Thanh tra Chính phủ: 2/3 doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ đưa các khoản tiền lót tay, hối lộ cho cán bộ, công chức mỗi khi có việc, lý do chính mà doanh nghiệp đưa hối lộ là vì không có hối lộ thì sẽ hỏng việc. Tình thế buộc doanh nghiệp phải nghĩ và làm như thế vì nếu không lo lót, bôi trơn thì công việc của mình sẽ bị bỏ lỡ hoặc bị cán bộ tìm hết cách này đến cách khác để làm khó dễ.
"Sự bao che cho nhau chính là tấm bình phong vững chắc chống lại sự phát giác của các công cụ phòng chống tham nhũng, khiến nhiều tỉnh thành phố vẫn không phát hiện ra tham nhũng", ông nhấn mạnh.
Còn PGS.TS Ngô Thành Can chỉ ra thực tế rằng, hàng chục năm nay rất nhiều văn bản nói về sự nguy hại của tham nhũng, nhưng bây giờ tham nhũng vẫn sừng sững. Có điều nó nguy hiểm ở chỗ: tham nhũng ngày càng tinh vi, không dễ gì mà nhìn thấy được. Nó thể hiện ở hai khía cạnh: tham nhũng không còn đơn lẻ từng cá nhân mà thành nhóm; nó lan rộng ra nhiều lĩnh vực kể cả chính sách. Tuy nhiên, tại sao nhiều nơi vẫn không phát hiện tham nhũng? Vậy tham nhũng ở đâu? Khi bảo chỉ ra thì không chỉ được.
"Khi Việt Nam tăng cường hội nhập quốc tế thì những người giỏi cũng tham gia và bỏ đi, không cẩn thận người Việt Nam tự hại nhau, mấy chục năm qua trong bộ máy Nhà nước tự nhiên không lấy được người giỏi mà họ đi làm ở khu vực khác, nếu có làm trong bộ máy Nhà nước thì năng lực của họ cũng không phát huy được và ngày càng kém đi. Nếu vẫn tiếp tục tình trạng này thì một vài năm tới Việt Nam sẽ tụt hậu xa và chỉ là quốc gia đi làm thuê cho người ta. Đây không phải chỉ là vấn đề cạnh tranh mà là vinh và nhục của dân tộc", PGS.TS Ngô Thành Can nói.
Theo PGS Can, trên lý thuyết người ta đã nói nhiều về chuyện Việt Nam làm gì để giảm nạn bôi trơn, từ việc Việt Nam tiến hành cải cách bộ máy hành chính, thủ tục hành chính, cải cách nâng cao chất lượng trình độ cán bộ viên chức, cải cách hành chính công, hiện đại hóa nền hành chính... tức làm rất nhiều thứ nhưng như thế chưa đủ. Ông cho rằng Việt Nam vẫn phải tập trung vào 3 mũi nhọn:
Thứ nhất, chính sách phải cụ thể, tập trung vào quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp xương sống của nền kinh tế.
Thứ hai, khi hỗ trợ phải đảm bảo tính công bằng giữa doanh nghiệp công và doanh nghiệp tư.
Thứ ba, thanh lọc bộ máy, doanh nghiệp hãy đứng thẳng lưng, người làm trong Nhà nước cũng phải thấy nhận đồng tiền bôi trơn là nhục.
Cuối cùng phải dần thay đổi nếp văn hóa, thay đổi quan niệm không còn phù hợp và phải để những người làm việc bôi trơn và nhận bôi trơn phải nghĩ đến quốc gia, tự hào của quốc gia mình thì may ra mới dần thoát ra được".
PGS.TS Phương Ngọc Thạch lại nhấn mạnh, khi hội nhập doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệ nhỏ và vừa sẽ đuối sức khi chịu tác động kép, vừa chịu áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, vừa phải “cõng” trên vai nhiều loại thuế phí bôi trơn.
"Nguyên nhân sâu xa của tình trạng bôi trơn, đưa hối lộ phổ biến như hiện nay là do môi trường kinh doanh chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục. Thủ tục phức tạp, bộ máy rườm rà, thiếu sự phối hợp, cán bộ công chức chưa gắn với trách nhiệm cá nhân cụ thể để có chế độ chính sách thích đáng.
Cơ sở hạ tầng, dịch vụ tài chính chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp phải chịu nhiều áp lực của thủ tục hành chính phức tạp, tốn kém; chưa bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực để đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Rất nhiều doanh nghiệp cho biết họ không thể tiếp cận được với những chính sách khuyến khích của Nhà nước bởi vì chi phí để nhận được ưu đãi có khi lại còn lớn hơn cả mức được ưu đãi", ông nói.
Thành Luân