Các doanh nghiệp FDI muốn tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu dệt may của Việt Nam tại Mỹ (chiếm 20% tổng kim ngạch).

 

TS Lê Ngọc Uyển Khoa Kinh Tế - Phó Trưởng bộ môn Kế hoạch - Đầu tư - Phát triển, Khoa Kinh tế (ĐH kinh tế TP.HCM) nhận định, hiện tượng mua bán, sáp nhập giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp Trung Quốc cũng chỉ là một trong nhiều cách thức đầu tư của nước ngoài.

Bà Uyển đặc biệt lưu ý tới mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc, do đó các doanh nghiệp dệt trong nước cần phải cẩn trọng và không nên lựa chọn giải pháp mua bán, sáp nhập với các doanh nghiệp này.

Doanh nghiệp Trung Quốc nẫng tay trên quả ngọt của Việt Nam? - 0

Tự nêu lên câu hỏi vì sao Trung Quốc lại làm được như vậy? Bà Uyển cho rằng mọi ý đồ đều được Trung Quốc tính toán kỹ lưỡng và chiến lược đầu tư FDI dệt may nếu không cẩn thận cũng sẽ đi vào đường mòn đã được Trung Quốc dọn trước.Theo vị tiến sĩ, chủ trương này chắc chắn không nằm ngoài ý đồ đã được tính toán trước của Trung Quốc. Bà cho rằng, nhìn thấy ngay từ chiến lược thâu tóm, độc quyền xây dựng cơ sở hạ tầng hiện nay tại Việt Nam. Hiện có đến 90% các dự án tổng thầu EPC của Việt Nam đều thuộc về các nhà đầu tư Trung Quốc.

Nẫng tay trên

TS Lê Ngọc Uyển dẫn lại thông tin từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, từ năm 2013 đến nay, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào ngành dệt may Việt Nam vẫn đang gia tăng gần 20 tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào ngành dệt may Việt Nam. Đáng chú ý là đa số là các doanh nghiệp Trung Quốc.

Tập đoàn TAL (Hong Kong) được tỉnh Hải Dương chấp nhận cho đầu tư 600 triệu USD xây dựng Nhà máy sản xuất sợi, dệt nhuộm và may mặc ở khu công nghiệp Đại An. Dự án dự kiến được triển khai trên diện tích 40ha, TAL đã đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam từ năm 2004 với nhà máy tại Thái Bình và có nhiều sản phẩm xuất đi Mỹ.

Nam Định đã cấp phép xây dựng nhà máy sản xuất sợi-dệt-nhuộm có vốn đầu tư 68 triệu USD cho Tập đoàn dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc). Đơn vị này sẽ xây dựng nhà máy trên diện tích 8ha tại khu công nghiệp Bảo Minh, dự kiến đi vào hoạt động giữa năm 2016.

Tại phía Nam, nhiều tập đoàn của Đài Loan, Hong Kong cũng tăng cường đẩy mạnh đầu tư. Tập đoàn Haputex Development Limited (Hong Kong) và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Việt Hương đã liên doanh đầu tư 120 triệu USD lập Công ty TNHH liên doanh Nam Phương Textile Limited. Dự án đặt tại Bình Dương rộng 12ha chuyên về lĩnh vực dệt vải, sẽ hoạt động vào đầu 2016, sử dụng khoảng 3.000 lao động. Mỗi năm, nhà máy có thể cung cấp cho ngành may mặc 96 triệu mét vải dệt, 15.000 tấn sợi các loại và 10 triệu sản phẩm may mặc xuất khẩu đi thị trường Mỹ và châu Âu…

Từ số liệu trên, vị chuyên gia cảnh báo nhiều nguy cơ đối với ngành dệt may trong tương lai.

Thứ nhất, doanh nghiệp trong nước sẽ đối mặt với cạnh tranh khốc liệt, nguy cơ mất dần nguồn nhân lực, đặc biệt lĩnh vực dệt-nhuộm. Bởi lẽ, doanh nghiệp Việt đang có xuất phát điểm thấp, vốn nhỏ, chính sách ưu đãi cho người lao động còn nhiều hạn chế.

Trong khi đó, nước ngoài vào Việt Nam mang theo nguồn vốn lớn, lại được ưu đãi khi xây dựng đầu tư nhà máy

Thuế thu nhập doanh nghiệp khối FDI giảm từ 32% trước kia xuống còn 22%, một số doanh nghiệp còn giảm xuống 20%.

Ở góc độ các doanh nghiệp đầu tư, thì việc đổ vốn vào thực hiện các dự án tại Việt Nam nhằm hưởng các ưu đãi do các Hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA Việt Nam – EU, FTA Việt Nam – Hàn Quốc… mà ngành dệt may Việt Nam được nhận định sẽ được hưởng lợi nhiều nhất do các dòng thuế sẽ giảm về 0%.

Thông qua hình thức đầu tư FDI, các doanh nghiệp Trung Quốc muốn tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường tiềm năng như Mỹ, EU, Nhật, đặc biệt là cơ hội mới từ thị trường ASEAN. Hay nói cách khác là "muốn nẫng tay trên" những trái ngọt mà lẽ ra sẽ thuộc về doanh nghiệp Việt Nam.

Theo dự báo, năm 2015 và những năm tới hứa hẹn tiếp tục mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nhờ thị trường xuất khẩu lớn nhất nước ta là Mỹ, chiếm 20% tổng kim ngạch vẫn tăng trưởng tốt.

Thứ hai, các doanh nghiệp Trung Quốc hay đưa sang máy móc thiết bị cũ kỹ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường . Do đó các cơ quan có trách nhiệm như Tổng cục Hải quan, Bộ KHĐT, Bộ KHCN các cấp chính quyền địa phương phải phối hợp để ngăn chận máy móc lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường .

Thứ ba, các doanh nghiệp Trung Quốc hay đưa lao động Trung Quốc sang tham gia thực hiện các dự án. Điều này không tạo việc làm cho người lao động Việt Nam, mặt khác trong bối cảnh phức tạp hiện nay trong quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc thì đó là nguy cơ về an ninh, quốc phòng, cần phải hết sức cẩn trọng.

 Bẫy tự do thương mại kiểu mới

PGS - TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM nhận định, bất cứ chiến lược đầu tư nào họ cũng phải nhả mồi để câu. Khi đã cắn câu, họ sẽ rút cần.

Qua đó, có thể nhìn nhận hiện tượng mua bán, sáp nhập giữa doanh nghiệp Việt Nam với Trung Quốc về cơ bản giai đoạn đầu sẽ là tốt. Việt Nam có thể có lợi thế về nguồn nguyên liệu, tuy nhiên về lâu dài sẽ cảnh báo nguy cơ doanh nghiệp Việt sẽ bị thôn tính.

"Từ phụ thuộc nguồn nguyên liệu, tới sản xuất, tiêu thụ và cuối cùng là thị trường xuất khẩu. Như vậy, tưởng là được lợi nhưng khi cuối cùng, đến cơ hội được làm thuê cũng khó", vị chuyên gia lo lắng.

Từ những quan sát của mình, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi đánh giá, cách  thức đầu tư FDI của Trung Quốc cũng giống như chiến lược phát triển ODA của Nhật bản. Bản thân người đầu tư sẽ không bao giờ bị thiệt.

"Đây là cái bẫy thương mại tự do kiểu mới của Trung Quốc đối với những nền kinh tế yếu hơn như Việt Nam. Bắt đầu từ việc mang vốn đi đầu tư, rồi thông qua dự án FDI mang theo máy móc, nguyên liệu, lao động... thâu tóm dần doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng chưa chắc đã dừng lại ở lợi nhuận, có nhiều mối lo về kinh tế, chính trị, xã hội... chỉ cần có một biến động nhỏ Việt Nam cũng phải hứng chịu hậu quả rất lớn", vị PGS cảnh báo.

Lam Lam




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC