- "Không có một chiến lược nguyên liệu quốc gia và công nghiệp phụ trợ, bài bản, là một sai lầm lớn suốt thời gian qua, khiến ta thua thiệt nhiều".
Nga chưa thực sự mạnh về đóng tàu dân sự
Trước thông tin Vụ trưởng Vụ công nghiệp đóng tàu và Kỹ thuật biển thuộc Bộ Công Thương Liên bang Nga đưa ra nhận định: “Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đóng tàu dân sự vẫn chưa phát triển tương xứng, Việt Nam ít đưa ra sáng kiến trong mối hợp tác đóng tàu song phương”.
Thạc sỹ-kỹ sư giàu kinh nghiệm về tàu biển Nguyễn Đăng Cường cho rằng, đầu tiên phải nói tới thuận lợi của sự hợp tác với Nga:
"Thứ nhất, Nga là một cường quốc về đóng tàu nói chung, và có nguồn nguyên liệu, thiết bị cho mục đích này. Tuy nhiên về tàu dân sự chưa thực sự mạnh.
Thứ hai, Nga đã từng hợp tác về khai thác thuỷ sản và có đội tàu cá hoạt động ở Việt Nam một thời gian. Hai nước lại có mối quan hệ truyền thống, thân thiết từ lâu.
Thứ ba, các nước phát triển, từ lâu có xu hướng chuyển sản xuất các sản phẩm trong lĩnh vực đòi hỏi nhiều lao động, trong đó có ngành đóng tàu, sang các nước đang phát triển có tiềm năng, vì giá thành giảm.
Vì thế nhiều nhà máy đóng tàu châu Âu ít đơn đặt hàng, hoặc phải đóng cửa trong đó có Ba Lan, đó là xu hướng thuận lợi và cơ hội của sự hợp tác hai nước”.
Bên cạnh đó, theo ông Cường, nhận định hợp tác đóng tàu dân sự giữa hai nước lại chưa tương xứng là hoàn toàn đúng.
Thế nhưng, thể chế chính trị thay đổi, xu thế nền kinh tế thị trường, các chính sách kinh tế, thị trường, công nghiệp đóng tàu dân sự, kể cả qui phạm…của Nga cũng phải thay đổi theo, để đáp ứng thị hiếu khách hàng từng thị trường, không chỉ về chất lượng mà còn mẫu mã, vẻ đẹp, tiện nghi...
Tất cả những điều trên Nga chưa chuyển biến kịp.Phân tích nguyên nhân, ông Cường chỉ ra rằng, trước đây Nga (Liên Xô cũ) hầu hết các tàu dân sự đều đặt hàng cho các nước XHCN, phần lớn là Ba Lan, cho đến cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước.
Mặt khác cũng phải kể đến, là công nghiệp đóng tàu của ta cũng mới phát triển gần đây, lại có bê bối của đơn vị đầu đàn làm mất lòng tin, đánh mất nhiều cơ hội được học hỏi về thiết kế đóng tàu.
Trong khi, các nước tư bản phát triển nhiều tiềm năng, nhất là khu vực Đông Á có thuận lợi hơn về nhiều mặt: địa lý, công nghệ, thiết bị, nguyên liệu, tài chính đầu tư sang Việt Nam, thách thức sự cạnh tranh của Nga kể cả các nước Đông Âu.
Thêm vào đó họ, cũng chưa chú ý đầy đủ đến thị trường Viêt Nam thời gian dài. Điều này thấy rõ tình hình đầu tư, hợp tác của họ tại Việt Nam hiện nay.
Chính vì thế, giao thương thương mại của Nga cũng hạn chế.
Ông Cường cho biết,mới đi dự Đại lễ kỷ niệm 70 năm ngành đóng tàu Ba Lan 1945-2015 cuối năm 2015, đã gặp những người bạn Ba Lan cùng học năm nào, nay là chuyên gia kỳ cựu, hay chủ Công ty chuyên thiết kế các tàu hiện đại, nhưng lại cho các tập đoàn tư bản nước ngoài và đóng ở các nước đang phát triển khác, trong đó có Việt Nam.
Sắt thép, thiết bị của một con tàu đều phải nhập
Hiên nay, theo ông Cường, chúng ta đã có thể đóng những tàu vận tải cỡ lớn đến hàng chục vạn tấn. Tuy hầu hết theo thiết kế, giám sát, công nghệ, đăng kiểm đều là nước ngoài, nhưng đó cũng là tin vui.
Nga đang khó khăn kinh tế, có xu hướng chuyển thị trường sang châu Á và đông Nam Á, nên chú ý hơn đến Việt Nam, cầu nối với các nước Asean. Việc hợp tác với Nga là cơ hội rất tốt kể cả đóng tàu quân sự nếu có.
Chúng ta cần có nguồn nhân lực mạnh cho tương lai của đất nước với bờ biển trên ba ngàn cây số, lại có nhiều sông nhiều hồ lớn.
Hợp tác về tàu dân sự không chỉ cho thị trường nước ngoài giao thương trên biển cả, mà cũng cần những con tàu dân sự vận tải, du lịch… trong nước, trên sông ngòi, hay trong khu vực Đông Nam Á. Vậy nên đây là cơ hội ta nên nắm bắt và phát triển.
Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ gặp không ít thách thức, ông Cường chỉ rõ: “Đầu tiên, từ sắt thép, thiết bị của một con tàu, tất cả ta đều phải nhập. Chẳng khác nào ta chỉ gia công, giá trị gia tăng dành cho đất nước chả bao nhiêu. Đây là thách thức lớn nhất.
Công nghiệp nặng sản suất ra tư liệu sản xuất, bao năm nói là then chốt, giờ đây chả thấy ở đâu? Không có ngành luyện kim đúng nghĩa, thì làm gì có thép đóng tàu? Làm gì chế tạo được động cơ , thiết bị chính xác... Bao năm trời ta chưa chế tạo nổi một động cơ xe máy chất lượng, chưa nói đến động cơ xe hơi!?.
Không có một chiến lược nguyên liệu quốc gia và công nghiệp phụ trợ, bài bản, có lẽ là một sai lầm lớn suốt thời gian qua, khiến ta thua thiệt nhiều. Bởi vậy hợp tác về đóng tàu, vấn đề này càng phải được quan tâm hàng đầu.
Đối tác cần đầu tư để nguyên liệu, nhiều thiết bị, có thể sản xuất tại Việt Nam, mới có thể giảm giá thành, mới cạnh tranh được.Tiếp đó, ta cũng còn nghèo, mà Nga lại đang khó khăn về kinh tế, nghĩa là nguồn tài chính cũng là một thách thức. Điều này hạn chế về qui mô hợp tác rất nhiều.
Cuối cùng, tàu dân sự chưa phải là thế mạnh của Nga so với nhiều nước tư bản. Nên thị trường tiêu thụ tầu dân sự của Nga và của ta còn hạn chế”.
Chính vì thế, nhận định “hợp tác đóng tàu dân sự giữa hai nước còn hạn chế ,chưa tương xứng” là đúng.
Nhưng với những điều kiện hợp tác của Nga, thì Việt Nam nếu muốn khắc phục, muốn tăng cường, thúc đẩy sự hợp tác này thì cần đánh giá đúng nguyên nhân, cơ hội, thuận lợi, thách thức nêu trên và có giải pháp tốt, phù hợp.
“Hợp tác với Nga là cơ hội nên nắm bắt trên cơ sở công nghệ hiện đại, giải quyết thách thức lớn về nguyên liệu sắt thép, công nghiệp phụ trợ, bên cạnh đóng cho thị trường ngoài nước, chú trọng cả trong nước, thì hy vọng hợp tác sẽ hiệu quả và phát triển, hai bên cùng có lợi”, ông Cường chỉ rõ.
Châu An