Theo Báo giao thông, nội dung Quyết định 836 nêu rõ, mục tiêu dự án là đưa Bamboo Airways trở thành một trong những hãng hàng không hàng đầu của Việt Nam nhờ uy tín và khả năng cung cấp phương tiện và dịch vụ vận chuyển.
Quy mô dự án đầu tư đến năm 2023 là 10 tàu bay loại A320/A321 hoặc B737. Tổng vốn đầu tư của dự án là 700 tỷ đồng. Tiến độ góp vốn và huy động vốn là 100% vốn chủ sở hữu. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm, tiến độ đầu tư là từ năm 2019-2023.
Trước đó, Bamboo Airways lên kế hoạch bắt đầu hoạt động kinh doanh vào năm 2019 với mục tiêu ban đầu là triển khai các chuyến bay nội địa trước khi mở rộng sang các thị trường Đông Bắc Á khác.
Mới đây nhất, Bamboo Airways đã hoàn thành việc đặt cọc mua 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner của Tập đoàn Boeing, dự kiến sẽ bàn giao trong giai đoạn tháng 4/2020 đến hết 2021.
Thương vụ có giá trị lên đến 5,6 tỷ USD.
Liên quan đến hợp đồng gây xôn xao dư luận này, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC kiêm Chủ tịch Bamboo Airways, cho biết những chiếc máy bay Dreamliners mới và hiện đại sẽ giúp hãng hàng không của ông mở rộng thị trường trọng điểm ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.
Đánh giá về thương vụ này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng việc FLC mua lại 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner là tín hiệu đáng mừng đối với sự phát triển của ngành hàng không trong nước, đồng thời thúc đẩy quan hệ thương mại Mỹ – Việt.
Trước nhiều ý kiến băn khoăn về việc FLC lấy đâu ra khoản tiền khổng lồ 5,6 tỷ USD để chi trả cho thương vụ mua máy bay Boeing, chia sẻ trên VTC News, TS Nguyễn Minh Phong cho biết hiện nay có nhiều hình thức mua bán mà bên mua không cần thiết phải trả 100% tiền sản phẩm, chỉ cần đặt cọc 10% là đủ mua, gọi là hình thức mua trả chậm. Trong thương vụ này của FLC, có thể doanh nghiệp đang thực hiện giao dịch dưới hình thức mua trả chậm.
VTC News