Ngành du lịch Việt Nam cần nhìn thẳng vào thực tế, không nên tự ru ngủ mình với những bảng xếp hạng đứng vị trí top đầu ảo tưởng.

Công tác quảng bá hình ảnh yếu kém

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, tuy là nước có cửa ngõ biên giới với Việt Nam nhưng trong hai tháng đầu năm 2016, tổng lượng khách từ nước này cũng chỉ có hơn 23.000 lượt, giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước thông tin trên, ngày 01/3, ông Phạm Trung Lương, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, bản thân ông cũng thấy lượng khách Campuchia sụt giảm như vậy là bất thường và đáng lo ngại.

Ông Lương cho rằng: "Một khi có những biến động dị thường như vậy thì liên quan đến nhiều yếu tố: 

Thứ nhất, chính sách của thị trường Campuchia với điểm đến Việt Nam, chúng ta đã có bài học rõ ràng nhất với thị trường khách Trung Quốc. 

Khi xuất hiện một vài sự kiện có liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ, ngay lập tức lượng khách Trung Quốc sang Việt Nam giảm mạnh đáng kể, một phần có thể do có chủ trương yêu cầu các công ty lữ hành hạn chế.

Việt Nam với thị trường Campuchia, theo tôi cũng đang rơi vào hoàn cảnh đó.

Thứ hai, thực tế đây là mùa người dân Campuchia sẽ đi du lịch Việt Nam nhiều, vì sau Tết, nước ta có nhiều lễ hội nhưng số lượng giảm đi, thì chứng tỏ dịch vụ du lịch đã không còn thu hút.

Nhưng yếu tố quan trọng nhất đó chính là chính sách của chính phủ Campuchia với khách du lịch đến Việt Nam".

Theo ông Lương, thời gian qua, không chỉ có du khách Campuchia, mà lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2015 đã chững lại và giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2014.

Về nguyên nhân thì cũng có nhiều, nhưng sâu xa là sự yếu kém của ngành du lịch.

Từ bao năm nay công tác quảng bá xúc tiến của ngành du lịch Việt Nam vẫn y nguyên, không có sự chuyển dịch, thay đổi.

Một điều dễ nhận thấy rằng, khi thị trường gặp trục trặc từ nguyên nhân khách quan thì lượng khách đến Việt Nam giảm ngay. Điều này chứng minh rằng công tác quảng bá của chúng ta rất yếu nên khi thị trường thế giới sụt giảm thì chúng ta bị ảnh hưởng ngay.

 

Du lịch Việt thua Campuchia: Bài ca dậm chân tại chỗ - 0

Một nguyên nhân khác, ông Lương thấy cũng vô cùng quan trọng, đó chính là, bấy lâu nay, ngành du lịch vẫn hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị, làm cho sản phẩm du lịch còn hạn chế.

Ngay như thủ đô Hà Nội cũng chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng, khách đến Hà Nội chỉ có một vài điểm tham quan, vui chơi truyền thống để đi, trong khi, đây là nơi hội tụ các di sản văn hóa nhiều nhất, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp.

Nhưng du lịch là phải bảo tồn, khai thác đi đôi với phát triển, nhưng thử xem lại, Hà Nội đã làm được gì trong thời gian qua, chưa có một sản phẩm nào mới.

Trong khi, muốn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước chúng ta cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ với giá cả cạnh tranh.

Khó kêu gọi người Việt du lịch Việt Nam

Tiếp cận vấn đề ở góc độ, vài năm qua, lượng khách Việt Nam đi du lịch quốc tế tăng mạnh, mỗi năm có 5 triệu lượt, chi tiêu hơn 6 tỉ USD, ông Lương nhận định: "Câu chuyện này thì không mới, nhưng càng ngày xu thế này càng thể hiện rõ, vì thực sự nó là nhu cầu của thị trường.

Nghĩa là nguồn cung chưa đáp ứng được nguồn cầu, đặc biệt hình ảnh các điểm du lịch Việt Nam càng vào những mùa cao điểm như Tết nguyên đán, nghỉ hè, lại càng "nâng tầm" xấu xí, phục vụ không bằng ngày bình thường, chặt chém đắt hơn, thì dĩ nhiên, du khách sẽ lựa chọn, quay mặt lại với điểm đến Việt Nam.

Chúng ta vẫn hô hào người Việt nên đi du lịch Việt, nhưng nguồn cung cụ thể là bản thân các điểm đến không chăm chút cho nguồn cung đó, thì làm sao có thể hiệu quả. Nên khách quay lưng lại đó là việc hết sức bình thường.

Trong khi, giá cả của các tour du lịch sang các nước cạnh tranh với Việt Nam như Thái Lan, Campuchia ngang bằng, thậm chí rẻ hơn. Một điểm nữa, đó là người Việt ưa chuộng đồ ngoại, tinh thần thích "sính ngoại", nói đi du lịch trong nước không oai bằng đi xuất ngoại".

Cho nên, theo ông Lương, điều quan trọng nhất ở đây là ngành du lịch phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về vấn đề này, phối hợp với các địa phương, có các giải pháp cụ thể, đừng hô hào suông theo kiểu "thùng rỗng kêu to".

Về vấn đề giải pháp, ông Lương cho rằng, tận dụng các bộ phim truyền hình, điện ảnh nổi tiếng vào các chương trình tour để tăng tính hấp dẫn, thu hút du khách đăng ký, cũng là một giải pháp hay, nhưng chưa đủ.

Ông phân tích: "Giá trị tài nguyên du lịch ở các điểm đến đó là một thuận lợi, thông thường có những bộ phim hay, với cảnh quan đẹp thì lượng khách du lịch sẽ tăng lên. Ngay như ở Long An, Đồng Tháp, người Pháp có quay bộ phim Lửa tình yêu, ngay sau khi chiếu, thì lượng khách Pháp đến Việt Nam tăng lên nhanh chóng.

Đây là khởi đầu tốt, nhưng nếu không giữ được, không tạo ra được những sản phẩm du lịch tốt, thì lại thất bại.

Muốn phát triển bền vững, lâu dài thì phải dựa vào nhiều yếu tố, cái thiên nhiên ban tặng cho đó là cảnh quan thiên nhiên, từ trước đến nay vẫn vậy, không thay đổi, đó là phương thức quảng bá tốt nhất.

Nhưng cũng không thể thiếu được các sản phẩm du lịch, đi kèm với dịch vụ du lịch mới mẻ, đột phá, có điểm nhấn. Cả hai phải dựa vào nhau để phát triển, thì mới mong có hiệu quả cao".

Mặt khác, theo ông Lương, hãy nhìn ra ngành du lịch của các nước trong khu vực, hiện nay đều đã thoát ra khỏi tình trạng sơ khai để trở thành một điểm đến của khám phá, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hưởng thụ, chữa bệnh.

Như Thái Lan đã phát triển thành một ngành công nghiệp du lịch. Trong khi điểm đến Việt Nam chưa đáp ứng được các điều kiện cần thiết để hình thành một nền công nghiệp du lịch dù đã gần 30 năm phát triển.

Ông Lương nói và phân tích: “Loại hình du lịch phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay vẫn là tham quan, ngắm cảnh. Ở các nước, nếu chỉ phát triển loại hình du lịch này thì tỷ lệ quay lại của khách rất thấp, bởi chẳng có khách nào muốn ngắm một khung cảnh nhiều lần. Chưa nói, cảnh quan ngày càng mất vẻ hoang sơ và xuống cấp chứ không phải đẹp hơn”.

Châu An

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC