Đó là mục tiêu Việt Nam đặt ra trong năm 2016, về lượng lao động xuất khẩu ra nước ngoài, ở một số thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia.

 

VOV đưa tin, năm 2015, ước tính cả nước đưa được 115.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 127,8% kế hoạch năm và tăng 8,5% so với năm 2014.

Một số thị trường trọng điểm, tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam là Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản (chiếm trên 80% tổng số lao động được đưa đi). Cùng với việc tiếp tục mở rộng thị trường, năm 2015 chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài từng bước được nâng lên.

Lao động Việt Nam tiếp tục được đưa đi làm việc ở những lĩnh vực, nghề mới có yêu cầu chất lượng cao như y tá, điều dưỡng tại Nhật Bản và Cộng hòa liên bang Đức...

Với trên 500.000 lao động đang làm việc tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, ở hơn 30 nhóm ngành nghề, trung bình mỗi năm người lao động gửi về nước từ 1,6 đến 2 tỷ USD.

Ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH cho biết: “Bên cạnh việc mở rộng các thị trường tiếp nhận lao động, chúng tôi cũng đã trao đổi với các nước để mở rộng cả ngành nghề và lĩnh vực tiếp nhận.

Hiện nay, chúng ta có một số thị trường truyền thống tiếp nhận lao động Việt Nam thì chắc chắn trong thời gian tới, sẽ duy trì ổn định và mong rằng sẽ mở rộng được thị phần ở những thị trường này, đó là thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia và một số nước ở Trung Đông. Hy vọng với những giải pháp đáng kể, thì thị trường Hàn Quốc sẽ có những dấu hiệu tích cực trong những năm tới”.

Đưa 100.000 người Việt ra nước ngoài làm thuê năm 2016  - 0

 

Thế nhưng, cũng theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH thì chất lượng, cơ cấu lao động của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập.

Đại đa số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chưa qua đào tạo. Mặc dù lao động đã qua đào tạo (học nghề chính quy và thường xuyên, phi chính thức, học nghề dưới 3 tháng và học nghề tại doanh nghiệp) có tăng lên nhưng vẫn còn thấp, chỉ chiếm khoảng 38% tổng lực lượng lao động.

Đánh giá của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn hạn chế, có khoảng cách khá lớn so với các nước phát triển trong khu vực.

Nếu lấy thang điểm là 10, Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm – xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. Việt Nam còn thiếu nhiều lao động lành nghề, nhân lực qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp về tay nghề và các kỹ năng mềm khác.

Sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và thái độ, cũng như trạng thái tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN của lao động Việt Nam chưa cao.

Chẳng hạn, chỉ xét về đào tạo ngoại ngữ ở Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn, rất ít lao động Việt Nam học các thứ tiếng Thái Lan, Lào, Campuchia hoặc tiếng của các nước ASEAN khác, do đó khả năng thích nghi với môi trường làm việc mới khó khăn. Thêm vào đó, hạn chế về tiếng Anh cũng ảnh hưởng tới cơ hội cạnh tranh tìm việc làm.

Vấn đề kỷ luật lao động, ý thức tuân thủ pháp luật cũng như cường độ lao động cũng cần có giải pháp khắc phục. Đây là những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Nhận định về nguyên nhân của vấn đề này, ông Nguyễn Quang Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định: "Hiện 47% lực lượng lao động Việt Nam vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, với năng suất, thu nhập thấp. Khoảng 3/5 lao động Việt Nam đang làm các công việc dễ bị tổn thương.

Nhìn chung, năng suất và mức tiền lương của Việt Nam khá thấp so với các nền kinh tế trong ASEAN như: Malaysia, Singapore và Thái Lan".

Minh chứng cụ thế, đó là lao động Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu vẫn chỉ làm việc trong các lĩnh vực sản xuất máy móc , xây dựng, nông nghiệp, chăm sóc người già , hàng may mặc , quản gia và người lao động có tay nghề cao trong một số thị trường .

Ngân Giang (Tổng hợp)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC