Đức có thể thiếu hụt lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ngày 11/4, Hiệp hội kỹ thuật số Bitkom của Đức cảnh báo tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) của nước này sẽ tăng gấp 4 lần lên 663.000 người vào năm 2040 nếu các nhà hoạch định chính sách không thực hiện các biện pháp ứng phó thích hợp.
Theo Bitkom, tình trạng thiếu lao động lành nghề trong lĩnh vực CNTT ở Đức đã tăng đáng kể trong 5 năm qua, trong đó riêng năm ngoái thiếu gần 149.000 người. Con số này đã tăng gần gấp đôi so với cách đây 5 năm. Nhiều vị trí việc làm trong lĩnh vực CNTT tại các cơ quan, tổ chức khác nhau vẫn còn trống như trường học, cơ quan hành chính và tổ chức khoa học.
Chủ tịch Bitkom Ralf Wintergerst cho rằng việc thiếu hụt chuyên gia CNTT đồng nghĩa với việc mất tính cạnh tranh, giá trị sáng tạo, tăng trưởng và thịnh vượng, đồng thời nhấn mạnh tình trạng này có thể gây nguy hiểm cho tương lai kỹ thuật số của Đức.
Bitkom kêu gọi lấp đầy 306.000 vị trí việc làm còn trống trong ngành CNTT bằng cách khuyến khích người lao động chuyển sang lĩnh vực này, cung cấp đào tạo và giáo dục tốt hơn, đồng thời khuyến khích các chuyên gia có kinh nghiệm tiếp tục làm việc dù đã đến tuổi nghỉ hưu. Bitkom cũng đề xuất tăng cường tuyển dụng lao động lành nghề từ nước ngoài, nhằm giảm bớt nguy cơ thiếu hụt 321.000 chuyên gia CNTT trong nước vào năm 2040.
Xã hội già hóa ở Đức đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động lành nghề hiện cũng xảy ra ở các ngành nghề khác. Năm ngoái, Chính phủ Đức đã thông qua luật mới gồm nhiều biện pháp nhằm tuyển dụng lao động lành nghề từ nước ngoài như giảm yêu cầu về lương đối với lao động nhập cư, quy trình nhanh hơn và khả năng tiếp cận thị trường lao động dễ dàng hơn đối với các chuyên gia tài năng và giàu kinh nghiệm.
Cuối tháng 2 năm nay, Bộ trưởng Lao động Đức Hubertus Heil cho rằng nước này cần nhiều sự hỗ trợ nhất có thể để đảm bảo nền kinh tế có đủ lao động lành nghề và tình trạng thiếu hụt nguồn lao động này “không được trở thành lực cản cho tăng trưởng”.