Mới đây, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố BCTC kiểm toán năm 2023. Theo đó, tập đoàn này mang về 500.719 tỷ đồng doanh thu trong năm trước, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ giá vốn, công ty này lãi gộp hơn 13.000 tỷ đồng, tăng 23%.
Tuy nhiên, doanh thu tài chính giảm gần một nửa còn 4.065 tỷ đồng. Khoản mục này giảm nguyên nhân chính do khoản lãi chênh lệch tỷ giá giảm mạnh. Trong năm 2023, EVN lỗ ròng gần 2.500 tỷ đồng do tỷ giá.
Chi phí tài chính tăng hơn 4.000 tỷ đồng lên 22.686 tỷ đồng do chi phí lãi vay tăng. Các chi phí khác không có nhiều thay đổi. Kết quả, EVN lỗ sau thuế 26.772 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) trong năm 2023, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 20.747 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của EVN đạt 648.983 tỷ đồng, giảm hơn 17.000 tỷ so với số đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của doanh nghiệp này (63%) là tải sản cố định, ở mức 408.710 tỷ đồng, giảm 28.000 tỷ đồng. Khoảng phải thu ngắn hạn là 47.740 tỷ đồng.
Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của EVN đạt 81.275 tỷ đồng, giảm hơn 20.200 tỷ đồng so với số đầu năm. Khoản tiền này đã mang về cho tập đoàn hơn 3.200 tỷ đồng tiền lãi, tương đương mỗi ngày nhận gần 9 tỷ đồng.
Nợ vay tài chính của EVN ở mức 311.030 tỷ đồng, giảm hơn 13.000 tỷ so với đầu năm. Tuy nhiên, công ty này đã phải trả 18.982 tỷ đồng tiền lãi vay trong năm qua, tăng 4.500 tỷ, tương đương mỗi ngày phải trả 52 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của EVN đạt mức 196.134 tỷ đồng. Cuối năm 2023, tập đoàn này đã lỗ lũy kế 41.824 tỷ đồng.
Nắng nóng chưa đỉnh điểm, sản lượng điện EVN tháng 5 đã tăng 11,3% so với cùng kỳ, dự báo tăng mạnh hơn trong tháng 6
Trọng Hiếu
An ninh Tiền tệ