Với những điều kiện tự nhiên vốn có, cộng với chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đúng đắn, gạo Myanmar bỏ xa gạo Việt là tất yếu.

 

Sự đúng đắn trong chính sách của Myanmar

Myanmar đang cố gắng lấy lại vị thế của nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Tập đoàn nông nghiệp chính phủ Myanmar (MAPCO) hiện đi đầu trong các nỗ lực cải tổ ngành nông nghiệp nước này.

Cụ thể, MAPCO đã lên kế hoạch xây dựng nhiều nhà máy xay xát gạo tập trung để cải thiện chất lượng gạo.

Đồng thời, tập đoàn này cho nông dân thuê nhiều máy nông nghiệp với mức phí ưu đãi chỉ từ 8,5 đến 38 USD/tháng tùy loại máy để giúp nông dân nâng cao năng suất, đồng thời, xây dựng hệ thống đường xe lửa mới để vận chuyển gạo tại thủ đô Naypyitaw.

Trước vấn đề trên, TS Lê Văn Bảnh - nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: "Myanmar là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn từ trước tới nay, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Myanmar, chiếm khoảng 40% GDP và hơn 55% lao động, trong đó lúa gạo và đậu là hai ngành sản xuất quan trọng nhất.

Về gạo, Myanmar từng được mệnh danh là “Chén cơm của châu Á” từ năm 1890. Myanmar là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo trong những năm đầu của thế kỷ trước.

Các năm 1901-1920 họ xuất trung bình 2,2 triệu tấn mỗi năm. Từ 1921-1941 xuất gần 3 triệu tấn mỗi năm. Từ 1941-1961, vẫn duy trì được lượng xuất trung bình 1,4 triệu tấn mỗi năm.

Thế nhưng, trước đây, họ còn tồn tại tình trạng độc quyền, việc áp đặt giá và buộc nông dân phải bán sản phẩm cho nhà nước, kiểm soát xuất khẩu gạo, lúc cho xuất khẩu, lúc ngưng làm mất lòng tin khách hàng.

Gạo Việt Nam thua đau Myanmar: Sao không chịu... bán đắt? - 0

TS Lê Văn Bảnh trao đổi quy trình sản xuất lúa tại nông trại của một nông dân ở U Minh

Hơn nữa, so với Việt Nam, Myanmar là quốc gia giàu tài nguyên, từ đất đai, đồng bằng, có vị trí địa lý thuận lợi trong thương mại quốc tế, vị trí địa chính trị hết sức trọng yếu.

Chính vì thế, sau một thời gian bị thụt lùi, nay lại đưa ra những chính sách để phục hồi lại, đúng ra Myanmar là nước có triển vọng cạnh tranh xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới.

Bây giờ khi có chính phủ mới, Myanmar tập trung phát triển nông nghiệp là đương nhiên, với những giải pháp hiện nay họ đưa ra hoàn toàn đúng, trong một thời gian không xa, họ sẽ là đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Việt Nam.

Đơn giản, trong sản xuất thì phải làm sao để cơ sở hạ tầng ổn định tốt; đổi mới công nghệ, xây dựng hệ thống xử lý sau quy hoạch, chế biến; ứng dụng cơ giới hóa máy móc. Tất nhiên Việt Nam đã làm lâu rồi nhưng hiện nay chưa làm đúng hướng, có nhiều chính sách nhưng chưa đúng với thực tế".

Nói đến Việt Nam, theo ông Bảnh, đến nay, ở Việt Nam, việc thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn còn yếu và thiếu đồng bộ, tùy thuộc rất lớn vào trình độ và nguồn vốn của nông hộ.

Lực lượng lao động qua đào tạo nghề ở nông thôn còn thấp... cũng là một trong những trở ngại trong việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn.

Áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả kỹ thuật; nâng cao hiệu quả kinh tế; giải phóng bớt lực lượng lao động trong nông nghiệp; giảm cường độ lao động nặng nhọc cho nông dân.

Hiện nay, chúng ta cũng đang làm cách thức "nông hội nhỏ", chính sách hạn điền, sở hữu đất đai, mô hình cánh đồng lớn.

Các mô hình đang phát triển ở nhiều địa phương là nền tảng vững chắc để áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật canh tác tiên tiến, giúp nông dân giảm giá thành sản xuất hiệu quả. Khi có sản lượng lớn, chất lượng lúa đồng đều, chúng ta sẽ rất thuận lợi xây dựng thương hiệu cho gạo Việt.

Trên thực tế, chúng ta có nhiều Nghị định, chính sách, Thông tư hỗ trợ cho việc phát triển nông nghiệp, thế nhưng, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp lại rất ít, chỉ 1%; đầu tư nước ngoài FDI cũng rất ít, đại đa số những doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Mặt khác, chính sách nhiều nhưng đi vào cuộc sống thì vướng mắc một số thứ, nên cần điều chỉnh cho phù hợp.

Tồn tại thực trạng trên, cũng bởi vì Việt Nam nông dân cũng rơi vào thói quen không thích trồng gạo chất lượng tốt, thơm ngon, thành đặc sản vì năng suất thấp, nhiều khi có sâu bệnh. Chúng ta cũng có những loại gạo ngon, như gạo Tám thơm Hải Hậu, gạo thơm làng Đào, xét về độ ngon gạo nước ngoài cũng không bằng, có thể bán 50.000đ-60.000đ/kg, nhưng 1 năm chỉ làm được 1 vụ, năng suất chỉ có vài tấn.

Trong khi đó, nếu trồng giống lúa cao sản, thì 1 vụ thu hoạch được 8 tấn, 1 năm làm 3 vụ, như vậy 1 năm thu được 24 tấn. Vấn đề ở đây là phải có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giá tương xứng, làm đúng quy trình thì sẽ được thu mua với giá cao.

"Theo tôi biết, hiện nay con số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo đã vượt xa mốc 100. Chỉ cần 1 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu xây dựng 5.000ha đất sản xuất lúa, thì 100 doanh nghiệp đã hình thành 500.000ha đất sản xuất theo cánh đồng lớn gắn với bao tiêu lúa hàng hoa.

Chỉ lấy năng suất bình quân 6 tấn/ha nhân với 500.000 ha, sẽ bằng 3.000.000 tấn lúa. Con số này đã “qua mặt” con số 1 triệu tấn gạo mua tạm trữ hiện nay. Điều này rất quan trọng trong kênh tiêu thụ và điều tiết giá lúa gạo khi nông dân thu hoạch đồng loạt như hiện nay.

Gạo Việt Nam thua đau Myanmar: Sao không chịu... bán đắt? - 1

Hướng đi cho ngành xuất khẩu lúa gạo Việt Nam

Hiện nay theo tổng kết của Hiệp hội lương thực, trong 6 tháng năm 2016, xuất khẩu gạo thơm đặc sản đạt 29%, trước thì 15-16%, để thấy có tăng về sản lượng nhưng có mấy việc lớn: Cứ đặt gạo đặc sản thơm 600-800 USD/tấn, như vậy thị trường như thế nào, trong khi bán ra Trung Quốc chỉ cần 300-400 USD/tấn, nhưng ổn định.

Vấn đề còn lại là sản xuất, tái cơ cấu, tìm thị trường tiêu thụ, vì những thị trường như Tây Âu, Bắc Mỹ là thị trường khó tính, yêu cầu cao. Nên để phát triển sản xuất thì ngoài vấn đề tái cơ cấu, năng suất, sản lượng, chủng loại gạo, thị trường ở đâu cũng rất quan trọng", ông Bảnh phân tích.

Phải thay đổi cơ cấu cây trồng

Đánh giá về chất lượng gạo của Myanmar, ông Bảnh cho biết: "Myanmar có 2 loại gạo thơm là Lone Thwal Hmwe và Paw San, trong đó Paw San được đánh giá là loại gạo ngon nhất thế giới, giá xuất khẩu khoảng 900 USD/tấn.

Campuchia có gạo lài, còn gọi là gạo Phka Romdoul, cũng được bình chọn là một trong những loại gạo ngon nhất thế giới. Việt Nam thì đến nay vẫn chưa có thương hiệu gạo quốc gia.

Tuy nhiên, việc đánh giá gạo ngon hay ngon cũng tùy từng phân khúc thị trường, vùng Đông Bắc Á thích ăn gạo dẻo, vùng Trung Đông thích ăn gạo cứng.

Ngay như gạo của Campuchia bảo ngon nhưng chúng ta ăn thì cứng nhắc, tóm lại do thị hiếu từng thị trường.

Tháng trước tôi đi Pháp, Hà Lan, gạo Thái Lan, Campuchia cũng nhiều, nhưng dân ở bên đó thích gạo VN, nhưng giá thành quá cao. Nói về việc vì sao gạo Campuchia lại được ưa chuộng, đơn giản là vì gạo của họ được thế giới công nhận là kinh tế thị tường, nhận ưu đãi của EU, thuế 0%, còn VN nhiều hơn, mình phải trả thuế cho 1 tấn gạo là 179 EURO.

Ai cũng muốn được vị trí nhất nhì thế giới về chất lượng, sản lượng để tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân, tăng GDP, nhưng trong quá trình thực hiện chính sách, còn ảnh hưởng bởi kinh tế, chính trị.

Tuy rằng, chúng ta đổi mới trước họ, nhưng đồng bằng của họ quá tốt, cơ sở hạ tầng được đầu tư nước ngoài đổi mới nhanh, công nghệ phát triển tốt, đốt cháy được nhiều giai đoạn.

Cho nên, gạo Việt Nam bị bỏ rơi lại quá xa, thậm chí sẽ bị Myanmar, Thái Lan vượt mặt".

Dự báo về việc Việt Nam mất thị trường xuất khẩu lúa gạo, theo ông Bảnh, theo FAO, gạo thị trường thương mại khoảng 40 triệu tấn, mà thị trường xuất khẩu vẫn là thị trường châu Á là chính, khách hàng quen thuộc.

Cho nên, VN phải có nhiều định hướng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị gia tăng không nhất thiết trồng lúa, trồng thứ khác, đảm bảo an ninh lương thực.

Tập trung vào các sản phẩm chế biến sau gạo, phụ phẩm, tăng giá trị gia tăng của hạt gạo, không riêng gì xuất khẩu gạo thô.

Mình phải chuyển đổi dần dần cho thích nghi từng vùng, từng hệ sinh thái, vùng nào thích nghi, phân chia rõ ràng vùng nào sản xuất gạo thơm, vùng nào trồng gạo cao sản, phải phân bổ rõ ràng.

Trước đây, chúng ta đói thì định hướng làm gạo, mong làm sao gạo năng suất càng cao thì càng tốt, cũng mong vị trí xuất khẩu nhất nhì thế giới, nhưng cuối cùng ngẫm lại vấn đề không phải số lượng mà giá trị mình mang về là bao nhiêu tiền, khi đó nâng cấp gạo của mình chất lượng hơn, bán với giá cao hơn, có thương hiệu.

Hiện nay, Việt Nam chỉ xuất khẩu chủ yếu gạo trắng hạt dài với giá dao động từ 350-360 USD/tấn nhưng lại rất khó cạnh tranh vì rất nhiều nước cũng xuất khẩu loại gạo này.

“Nếu không chuyển đổi đa dạng mặt hàng xuất khẩu mà chỉ chăm chăm vào gạo trắng hạt dài thì mình sẽ thua nữa. Thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), EU, Mỹ có nhu cầu lớn và chấp nhận mua với giá cao nhưng sản lượng gạo thơm xuất khẩu trên thế giới rất ít.

Vừa rồi, tôi có dịp tham quan một công ty xuất khẩu gạo ở Cà Mau và được biết mỗi tấn gạo hữu cơ, công ty này bán được từ 3.000-3.500 USD.

Các thị trường nhập khẩu nói trên cần gạo ngon, bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe và gạo hữu cơ đều đáp ứng được yêu cầu.

Vì vậy, thay vì xuất khẩu gạo trắng hạt dài, sao chúng ta không chuyển sang trồng và xuất khẩu gạo hữu cơ cũng như gạo thơm, nếp… có giá bán rất tốt? Làm như vậy, thu nhập của nông dân mới tăng được”, ông Bảnh đề xuất.

Châu An
Báo Đất Việt

 

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC