Ông Võ Đại Hàm nay đã ngoài 60. Hơn 30 năm nay, ông tận tụy với công việc trông coi hương hỏa và chăm sóc ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở thôn Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Với ông, đó là niềm vinh dự, tự hào lớn.
Sinh ra trong gia đình cách mạng có cha và anh là liệt sĩ, năm 1960, ông được đưa ra miền Bắc học tại trường thân nhân liệt sĩ Hà Nội. Chiến tranh đi qua, ông trở về miền quê gió Lào, cát trắng lập nghiệp.
Năm 1987, khi ngôi nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp hoàn thành, ông tình nguyện về trông coi hương hỏa trên bàn thờ ông bà và chăm sóc ngôi nhà từng gắn bó với tuổi thơ Đại tướng.
Những kỷ niệm không quên
Theo con đường rộng thênh thang mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp nối từ trung tâm thị trấn Kiến Giang đến xã Lộc Thủy, chúng tôi tìm đến nhà ông Võ Đại Hàm. Ngôi nhà ngói rêu phong nằm ngay sau khu nhà lưu niệm. Giữa gian phòng khách được bày biện đơn sơ treo khá nhiều hình ảnh và kỷ vật của Đại tướng trao tặng. Hơn 30 năm nay, ông Hàm xem chúng như báu vật, luôn trân trọng, giữ gìn.
Ông cho biết mỗi món đồ trưng bày nơi đây gắn liền với những kỷ niệm khó phai trong những lần ông được gặp mặt vị tướng huyền thoại. Lật giở quyển album đã bạc màu thời gian, ông Hàm nâng niu tấm ảnh ông chụp cùng Đại tướng trước sân nhà trong lần Đại tướng về thăm quê năm 2003. Ông bồi hồi nhớ lại: “Hồi đó, Đại tướng đã ân cần thăm hỏi gia đình tôi và bà con lối xóm. Căn dặn mọi người sống hòa thuận, chăm chỉ làm ăn, gắng sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Người còn ra thăm và thắp nhang trên bàn thờ họ tộc”.
Trải qua những năm tháng sống xa quê nhưng Đại tướng vẫn nhớ như in những kỷ niệm tuổi thơ bên dòng Kiến Giang. Người thường hỏi ông Hàm: “Trẻ con làng mình bây giờ còn tắm sông nữa không? Năm nay đua thuyền làng nào về nhất?...”. Trong ký ức của vị tướng luôn đầy ắp hình ảnh dòng Kiến Giang trong xanh, hiền hòa cùng làn điệu hò khoan Lệ Thủy. Với Người, đó là một phần máu thịt quê hương.
“Hướng dẫn viên du lịch”
Công việc hằng ngày của vợ chồng ông Hàm là quét dọn, chăm sóc cây cối, nhà cửa, chăm lo hương khói trên bàn thờ ông bà và tiếp đón các đoàn khách. Mỗi năm nơi đây đón hàng trăm đoàn khách du lịch quốc tế và nội địa đến viếng thăm nhưng nhà lưu niệm không có hướng dẫn viên du lịch nên ông bà Hàm đảm nhận luôn nhiệm vụ giới thiệu, hướng dẫn khách tham quan.
Vợ ông, bà Trần Thị Vân, nói: “Du khách quốc tế khi đến đây đều bày tỏ lòng ngưỡng mộ, thán phục tài năng và nhân cách của một con người sinh ra và lớn lên trên vùng quê nghèo khó nhưng đã làm nên những chiến công rực rỡ của thời đại. Họ say mê nghe tôi kể về những đồ vật, cây cối từng gắn liền với năm tháng tuổi thơ Đại tướng”. Dù không có trình độ, chuyên môn du lịch nhưng bằng những câu chuyện mộc mạc, giản dị, gần gũi đã cuốn hút nhiều du khách.
Những lần đón tiếp các đoàn khách tham quan cũng để lại trong ông Hàm những kỷ niệm sâu sắc. Đó là câu chuyện về hai người con gái Pháp có ông nội là lính viễn chinh Pháp từng tham chiến ở Việt Nam. “Họ nói tiếng Việt rất sõi và khá am hiểu về văn hóa Việt Nam. Nhưng họ rất ngạc nhiên khi một vị đại tướng từng đánh bại cha ông họ trên chiến trường lại sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà gỗ đơn sơ, giản dị” - ông Hàm cho biết. Hai cô gái Pháp đã lưu lại bảy ngày trên mảnh đất Lệ Thủy để tìm hiểu về cuộc sống của người dân nơi đây và có dịp hiểu thêm về tuổi thơ Đại tướng.
Bà Vân giới thiệu về cây khế trên 100 năm tuổi. |
Dẫn chúng tôi đi tham quan ngôi nhà, ông kể: “Năm 1946, thực dân Pháp lấy cớ gia đình có người theo cộng sản nên đã đưa lính đến bắt cụ Võ Quang Nghiêm, cha của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và phóng hỏa đốt nhà. Sau này, ngôi nhà được tái tạo, sửa chữa lại như lúc nguyên sơ. Còn cây khế phía sau nhà đã hơn 100 năm tuổi, là nơi ngày xưa Đại tướng vẫn ngồi học bài”.
Ngày ngày vun bón cho từng gốc cây trong vườn, ông Hàm nhớ như in những câu chuyện gắn liền với nó. Hai cây dừa tỏa bóng trước ngõ được Đại tướng tự tay trồng trong lần về thăm quê năm 1994. Cơn bão số 9 vừa qua đã xô ngã mất một cây. Ông Hàm tiếc lắm nhưng không có cách nào vực nó dậy. Rồi hai cây đào được chở từ Hà Nội vào là món quà người dân Tây Bắc tặng Đại tướng. Qua từng câu chuyện mới biết ông Hàm yêu và tự hào với công việc thầm lặng lưu giữ và chăm sóc “ngôi nhà tuổi thơ” của Đại tướng đến thế nào.
Trăn trở của “người gác đền”
Năm 1987, ngôi nhà được phục dựng y theo trí nhớ của Đại tướng và người dân trong làng, trở thành nhà lưu niệm của vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Qua thời gian, nhiều công trình khu lưu niệm đã xuống cấp, hư hại. Được biết, hiện Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy là cơ quan quản lý và phục dựng nhà lưu niệm nhưng không có kinh phí sửa chữa. Ông Hàm cho biết: “Mái ngói đã hư hỏng nhiều nhưng không tìm ra đúng loại để thay thế. Còn những hư hỏng bình thường khác thì gia đình tôi tự kiếm đồ về thay”.
Nhưng gần như mọi sự thay thế của ông Hàm chỉ tạm thời và làm cho không gian ngôi nhà bị khập khiễng giữa cái cũ và mới. Hiện nay, ngày càng có nhiều đoàn khách tới tham quan, học tập nhưng khuôn viên khu lưu niệm quá nhỏ, không đủ để đón tiếp số lượng lớn. Nhiều lần ông Hàm phải “di tản” bớt khách ra khuôn viên nhà mình. Mong mỏi lớn nhất của ông lúc này là ngôi nhà lưu niệm được đầu tư bảo quản nhằm giữ gìn những giá trị văn hóa tinh thần cho muôn đời sau.
Theo PL.