Đừng nhìn vào “Đô la và chân dài”, đó không phải là kinh doanh và chắc chắn cũng không bền vững. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nói như vậy liên quan tới câu chuyện tìm kiếm, đào tạo, phát triển, xây dựng đội ngũ kế thừa trong các gia tộc kinh doanh tại Việt Nam.

Kế tục không nhất thiết là con cháu

Theo bà Lan, mô hình gia tộc kinh doanh có thể thấy ở cả thế giới và trong nước, mà khi nói tới gia tộc kinh doanh người ta thường nghĩ ngay tới chân lý rằng: thế hệ đi trước phải giỏi họ mới đào tạo được người kế tục đi sau.

Gia tộc kinh doanh Việt Nam: Không phải chuyện đôla, chân dài - 0

Tất nhiên, dễ thấy giữa hai thế hệ - thế hệ đi trước và thế hệ kế tục tại Việt Nam họ vẫn đang ở cùng, làm cùng và đi cùng nhau. Điều này là rất bình thường và chấp nhận được.Tại Việt Nam, theo quan sát của vị chuyên gia, nhiều gia tộc kinh doanh cũng bắt đầu nhận thức về vai trò của tính kế tục. Họ đã xây dựng được đội ngũ kế tục chính là những người con, người cháu trong dòng họ và thế hệ kế tục đó cũng đang từng bước tạo dựng được dấu ấn cũng như từng bước khẳng định được bản lĩnh, năng lực, trí tuệ ngày một vừng vàng trên con đường sự nghiệp.

Bởi, nền kinh tế Việt Nam mới đi theo định hướng kinh tế thị trường và mới có doanh nghiệp tư nhân từ khoảng những năm 2000 trở lại đây, tức là có khoảng 20 năm để doanh nghiệp tư nhân mới có điều kiện bứt phát, phát triển và những doanh nghiệp cũ trước đó mới có điều kiện phục hồi, thể hiện mình.

Bà Lan phân tích, 20 năm, chưa đủ thời gian để thế hệ trước rút khỏi thị trường và nhường hẳn cho thế hệ sau tiếp quản những thành quả đã gây dựng. 20 năm cũng chưa đủ thời gian, trải nghiệm để thế hệ thứ hai độc lập phát triển, phát huy tốt những giá trị sẵn có.

Mặc dù vậy, cũng phải ghi nhận tại một số doanh nghiệp và điển hình là những thế hệ kế tục họ đang từng bước chứng minh được những phẩm chất đặc biệt, vượt trội của mình so với những người cùng thế hệ. Họ đang chứng minh khả năng tiếp quản được tương lai của doanh nghiệp, tiếp quản được hệ thống quản trị, tiếp quản được hệ thống cơ chế mang tính quyết định trong doanh nghiệp.

Bà Lan lấy ví dụ, ở Công ty Thép Việt  - Đỗ Duy Hiếu đang làm rất tốt cùng với cha mình là ông Đỗ Duy Thái, hay Nguyễn Minh Ngọc ở Công ty gốm xứ Minh Long... đối với một số doanh nghiệp khác cũng vậy, thế hệ kế tục đang cùng với thế hệ đi trước đã phát huy rất tốt sản nghiệp của dòng tộc, của gia đình ngày càng phát triển hơn, vững chắc hơn.

Trong trường hợp này, không thể nói, thế hệ sau chỉ dựa hơi, hưởng thành quả của thế hệ đi trước mà chưa kế thừa được yếu tố trí tuệ, chưa phát huy được tính truyền thống "cha truyền con nối" trong các gia tộc kinh doanh. Thế hệ sau cần phải có thời gian để cho thế hệ trước rút dần khỏi thị trường và nhường lại sự dẫn dắt sản nghiệp cho con cháu. Họ cũng cần có thời gian để thế hệ sau lớn dần lên, có cơ hội thể hiện tốt hơn bản năng kế thừa vượt trội để tự khẳng định mình, chứng minh mình trong cơ chế mới, điều kiện mới, môi trường mới.

Bên cạnh đó, yếu tố môi trường, xã hội, thể chế cũng ảnh hưởng rất nhiều tới tính kế thừa trong dòng tộc. Nền kinh tế Việt Nam vẫn trong quá trình tiếp tục chuyển đổi sang cơ chế thị trường, chưa hoàn thiện thể chế đây là hạn chế, rào cản lớn chưa cho phép những người trẻ có cơ hội được áp dụng ngay những gì đã học được, hiểu được theo nguyên lý cơ chế thị trường hiện đại.

Vì thế, ở giai đoạn đầu có thể thấy sự dựa dẫm vào cách thức hoạt động của thế hệ cha ông, tạo bước đệm từng bước bước đi trên con đường sự nghiệp của mình cũng là hợp lý.

Tuy nhiên, bà Phạm Chi Lan vẫn cho rằng, đối với việc duy trì, phát huy và phát triển một sự nghiệp thì tính kế tục cần được mở rộng ra, không chỉ hiểu theo nghĩa hẹp tức là chỉ có con, cháu trong nhà mà cần mở cửa cho nhiều người không phải "con ông, cháu cha" nhưng có đủ tài năng, tâm, trí được thể hiện mình. Trong một môi trường tài năng cũng có cạnh tranh thì chắc chắn tính kế tục sẽ ngày càng bền vững hơn, theo chiều hướng tích cực hơn.

Theo bà Lan, nếu cứ duy trì quá lâu một mô hình theo kiểu thuần túy gia đình truyền thống trước đây sẽ rất khó đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế hiện đại. Nhất là trong những năm tới doanh nghiệp Việt phải đối diện với sự cạnh tranh rất khốc liệt, phải vươt lên, phải cọ sát nhiều hơn với nền kinh tế hiện đại.

Vì thế, bà nói rằng, trong tương lai doanh nghiệp Việt để đi theo nền kinh tế thị trường hiện đại hơn sẽ phải chấp nhận cách chơi, việc chơi theo quy luật mới: "có phát triển - có đào thải". Đó là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường và ai không đủ mạnh để đứng vững sẽ bị loại.

Doanh nhân khác con buôn

Ngoài những điểm sáng đã được ghi nhận, thế hệ sau đã tạo được dấu ấn, đã tự khẳng định được mình thì vẫn có những trường hợp, các quý tử con nhà đại gia Việt Nam lại nổi tiếng nhiều hơn với những bộ sưu tập siêu xe, dàn chân dài... khiến dư luận có cái nhìn nhầm lẫn, không mấy thiện cảm về giới kinh doanh nói chung.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng đây sự nhầm lẫn tai hại, theo kiểu "cá mè một lứa". Bà thẳng thắn: "Tôi không thích cách gọi “đô la với chân dài”, những người làm giàu theo con đường đào, bán tài nguyên, buôn gian, bán lậu, thậm chí là làm ăn phi pháp thì không được gọi là kinh doanh".

Vị chuyên gia nói rằng, đừng coi đó như những điển hình trong kinh doanh mà làm xấu đi những gương mặt của giới kinh doanh thực sự.

Bà Lan khẳng định, kinh doanh phải đi vào sản xuất, phải tạo ra được những giá trị gia tăng, tạo được công ăn việc làm, đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của nền kinh tế nước nhà, như vậy mới gọi là kinh doanh. Những người kinh doanh như vậy, họ không có thời gian và cũng không thích khoe mẽ tiền bạc, của nải.

Còn làm ăn theo cách thức không bền vững, chỉ dựa vào những danh tiếng hão như đô la-siêu xe- với chân dài để đánh bóng mình, làm nổi bật mình thì đó không được gọi là kinh doanh hoặc có cũng không phải là cách thức làm ăn của số đông các doanh nghiệp Việt Nam. 

Vì vậy, lịch sử, đường đi của mỗi loại hình kinh doanh cũng là yếu tố quan trọng quyết định tới tính kế thừa trong gia tộc kinh doanh.

"Với những gia tộc làm ăn kiểu chộp giật như vừa nói, có thể thấy thế hệ kế thừa sẽ không thể kế thừa được gì ngoài khối tài sản khổng lồ mà cha, ông họ để lại. Nhưng khối tài sản đó không hề có tính bền vững do họ không có tính kế thừa về trí tuệ, về khả năng phát triển nó và dần dần cơ đồ trên cũng tan biến, cũng bị phá nát'' - bà Phạm Chi Lan khẳng định.

Vũ Lan




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC