Giá trị vĩ đại của di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nayKế thừa truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp nhận thế giới quan khoa học, cách mạng của thời đại là chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để đề ra một hệ thống quan điểm cách mạng đúng đắn về giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội chính là triết lý phát triển Việt Nam, là nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các hoạt động lý luận và thực tiễn của Người. Đây là công lao vĩ đại đầu tiên, là cống hiến lý luận sáng tạo hàng đầu và là di sản có giá trị vĩnh hằng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam.

Nhân dân lao động làm chủ

Từ điểm xuất phát này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin về lý luận cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa ở một nước thuộc địa, phụ thuộc và Người đã giải quyết đúng đắn, sáng tạo và thực hiện thành công các vấn đề trọng yếu nhất của cách mạng nước ta.

Từ việc kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước để xây dựng thành công Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân và dân tộc, đến việc hình thành đường lối, hoạch định chính sách, tổ chức lực lượng, xác định phương pháp và bước đi cho cách mạng Việt Nam - trong cả sự nghiệp giải phóng dân tộc và phục hưng đất nước theo chủ nghĩa xã hội - phù hợp với thực tiễn Việt Nam và sự vận động, biến đổi không ngừng, hết sức phức tạp của các mối quan hệ quốc tế.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã phát huy tác dụng và được kiểm nghiệm bằng sự thành công trong toàn bộ tiến trình cách mạng nước ta và ngày nay vẫn còn nguyên tính thời sự, hiện đại, có tác dụng định hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam.

Đặc biệt, những luận điểm của Người về bản chất, đặc trưng, mục tiêu, động lực... và những vấn đề có tính nguyên tắc về xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ từ một nước nông nghiệp lạc hậu vẫn là những định hướng, là cơ sở lý luận cho công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội là một xã hội do nhân dân lao động làm chủ, “không có bóc lột và áp bức dân tộc”. Mục tiêu của “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu, nước mạnh”, “xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt”...

Đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội là sự tăng trưởng kinh tế phải “gắn liền với sự phát triển khoa học và kỹ thuật, với sự phát triển văn hoá của nhân dân”, trong đó con người mới xã hội chủ nghĩa được phát triển toàn diện về cả thể lực, trí lực, đạo đức và tinh thần. Xây dựng chủ nghĩa xã hội “là công trình tập thể của quần chúng lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Vì dân tộc, vì con người

Chủ nghĩa xã hội được Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày hoàn chỉnh và ngắn gọn trong tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc đã nói rõ thực chất của một xã hội mới vì dân tộc, vì con người. Đó chính là con đường, là mục tiêu, là động lực, là mẫu số chung để đoàn kết toàn dân quyết tâm phấn đấu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Bởi vậy, cùng với việc quán triệt những vấn đề có tính nguyên tắc về xây dựng chủ nghĩa xã hội trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá-xã hội trong thời kỳ quá độ, cần nắm vững phương châm, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra là phải “thiết thực, phải tiến vững chắc. Phải nắm vững quy luật phát triển của cách mạng, phải tính toán cẩn thận những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể... Chớ đem chủ quan của mình thay thế cho điều kiện thực tế”.
 
Đồng thời, phải nắm chắc định hướng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chúng ta tiến lên xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa tức là một nước có một cuộc đời ấm no, bình đẳng, tự do và độc lập, tức là nước Việt Nam hoà bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Có thể nói, di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là tổng hợp những quan điểm chiến lược có ý nghĩa chỉ đạo toàn bộ các vấn đề chính trị và lý luận, nhận thức và hành động của Đảng, toàn dân ta trong tiến trình của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước ta hiện nay và trong tương lai.

Nắm chắc nội dung tư tưởng và quán triệt đúng những nguyên tắc chiến lược ấy là cơ sở phương pháp luận để hiểu được con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam, để kiên trì phấn đấu, phấn đấu thắng lợi theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.


Theo LĐ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC