Giao thông TP HCM: Càng gỡ càng rối Kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng không thích hợp, xe buýt chật vật với chất lượng phục vụ..., sau nhiều năm thành phố mới nhận ra mình đang thả nổi việc hạn chế xe cá nhân.

"Vận tải giao thông đô thị đang bị "trúng tên" khi xe máy không kiểm soát, xe buýt - phương tiện giao thông công cộng duy nhất thì luôn tồn tại nhiều vấn đề: thiếu đất, chất lượng phục vụ kém...", ông Võ Văn Sen, đại biểu HĐND TP HCM cho biết.

Phát biểu trong hội nghị nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt tại TP HCM sáng 24/3, ông Sen còn nêu một sai lầm lớn trong kế hoạch phát triển vận tải của Sở Giao thông. Cụ thể, theo kế hoạch từ nay đến năm 2012, Sài Gòn sẽ tăng thêm 37 triệu lượt taxi để đáp ứng nhu cầu. Như vậy tới lúc đó khi chưa có metro (dự kiến đến 2014 mới đưa vào hoạt động), thành phố vừa phải chịu cảnh kẹt do xe cá nhân, vừa thêm kẹt do taxi.

Cùng quan điểm, đại biểu HĐND Lê Văn Trung cho rằng hiện nay thành phố đang tập trung cho xe buýt mà bỏ lỏng taxi - một phương tiện vận tải hành khách rất hiệu quả. Thậm chí vấn đề quản lý, phát triển trong tương lai như thế nào không được quan tâm đúng mức.

Chưa hết, kế hoạch thu hút người dân đi xe buýt cũng được cho là không thích hợp. "Thành phố chưa có giải pháp thật hiệu quả, quyết liệt, chỉ tiêu đề ra cũng chưa thỏa mãn nhu cầu. Từ nay đến 2013, xe buýt được xem phương tiện giao thông chủ lực thì mục tiêu 2012 đạt 6,2% nhu cầu đi lại của người dân là khó chấp nhận, mà phải 10-15%", bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP HCM khẳng định.

Bên cạnh kế hoạch trong tương lai phải xem lại kế hoạch phát triển, xe buýt thành phố luôn bị phàn nàn về căn bệnh rất khó chữa: chất lượng phục vụ.

"Hiện nay chất lượng phục vụ của xe buýt đang rất bất cập. Xe buýt bỏ trạm, dừng đón trả khách không đúng quy định... vẫn là những tồn tại mà bản thân mình cũng chưa hài lòng với dịch vụ của mình", ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM phụ trách về xe buýt thừa nhận.

Báo cáo của Ban kinh tế ngân sách, khảo sát hiện nay, vấn đề an toàn của xe buýt có tới 58% người dân được hỏi là không tốt, phản án về chuyện xe không dừng sát lề cũng lên đến 44%.

Phát triển vận tải hành khách công cộng bị "rối" ngay trong thời điềm này và cả về kế hoạch tương lai thì thành phố lại "mới nhận ra" mình đang thả nối hạn chế xe cá nhân.

Bài toán xe máy không giải bây giờ thì không bao giờ giải được. Không thể để tốc độ đăng ký mỗi ngày 1.000 chiếc xe cá nhân như hiện nay, chừng 5 năm nữa coi như đường phố không đi được. Đó là thừa nhận của chính vị chủ tịch HĐND, cho rằng việc hạn chế xe cá nhân (xe máy, ôtô) đang được thả nổi không kiểm soát.

Tuy nhiên, trước hiện trạng dự báo về sự bùng nổ xe cá nhân như hiện nay, phản ứng của thành phố được cho là quá yếu ớt. "Ngay từ 20 năm trước, các nước bạn như Thái Lan đã cảnh báo TP HCM về sự bùng nổ của xe máy nhưng Sài Gòn cứ bàn tới bàn lui rồi không có giải pháp, cuối cùng bị xoáy vào tình trạng như hiện nay", đại biểu HĐND Nguyễn Minh Hồng bức xúc.

Với cách nhìn khác, đại biểu Minh Hương nêu quan điểm, TP HCM không còn lựa chọn nào khác là phát triển giao thông công cộng và hạn chế xe cá nhân. Thay vì ngồi chờ đợi những quy hoạch tầm vĩ mô (metro, xe điện mặt đất) thì vấn đề như hệ thống xe buýt chưa phát huy hết công suất, hiệu quả, khắc phục chất lượng phục vụ... trong tầm tay tại sao không làm được.

Theo Vnexpress.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC