Báo cáo mới nhất của tổ chức nghiên cứu Wealth-X vừa xếp hạng Việt Nam vào Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng giới siêu giàu thuộc hàng nhanh nhất thế giới.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng người siêu giàu Việt Nam giai đoạn 2012 – 2017 bình quân vào khoảng 12,7% mỗi năm, nhanh thứ 3 thế giới chỉ sau Trung Quốc (13,4%) và Bangladesh (17,3%).
TS. Phùng Đức Tùng, Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong. (Ảnh: mdri.org.vn)
Nhận định về kết quả này, TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong cho rằng tốc độ giới siêu giàu tăng nhanh ở bất kỳ quốc gia nào cũng không hẳn là tín hiệu tốt.
Bởi theo ông Tùng, tốc độ tăng trưởng hiện nay vẫn chưa hẳn ở mức quá cao để Việt Nam có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Cụ thể, Việt Nam đang có mức tăng trưởng trung bình khoảng 6,5%, trong khi mức tăng cần thiết, theo ông Tùng, phải từ 7,5% – 9% được duy trì trong khoảng thời gian liên tục.
Do vậy, ông cho rằng giới siêu giàu Việt Nam tăng nhanh đặt trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại không hẳn là điều đáng mừng.
Theo thống kê của Oxfam, nhóm 0,00023% dân số đang nắm giữ 12% tài sản của đất nước. Việc lượng người siêu giàu tăng nhanh chóng sẽ tạo ra mâu thuẫn lớn trong các nhóm xã hội, ông Tùng nhận định.
“Một quốc gia có nhiều tỷ phú không hẳn là đáng tự hào, quan trọng đó phải là đất nước có nền kinh tế phát triển đồng đều, mọi người đều được hưởng lợi từ những thành quả đó”, ông nói.
Theo lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, động lực phát triển nền kinh tế không nằm ở giới siêu giàu mà là ở tầng lớp trung lưu, đặc biệt trong tình huống Việt Nam đang chuyển dịch từ phụ thuộc xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa.
Tầng lớp trung lưu sẽ chiếm khoảng 33% dân số Việt Nam vào năm 2020 – đó mới thực sự là nhân tố tác động mạnh mẽ đến tương lai đất nước, ông nói.
Theo N.Dương/Trí thức trẻ Chân Hồ