''Không thể chặt trụi rồi chờ công trình hoàn thành mới thay thế cây, như vậy là làm ngược''

Câu chuyện Hà Nội đề xuất chặt hạ, di dời 1.300 cây xanh nằm hai bên đường Phạm Văn Đồng từ chân cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long để mở rộng đường vành đai 3 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận trong những ngày gần đây.

Theo kế hoạch, để thi công tuyến đường này, hơn 1.300 cây xanh sẽ phải đánh chuyển, di dời, chặt hạ trước ngày 30/9. Tuy nhiên, việc chặt hạ cây xanh đã vấp phải nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình.

2 cây chặt 1

Ông Nguyễn Văn Kiên - Giám đốc một công ty chuyên phân phối cây xanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cho biết, bản thân ông đã nghe về việc Hà Nội chặt cây thông qua nhiều phương tiện truyền thông.

''Lần trước là chặt cây để phục vụ cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, và giờ là đường vành đai 3. Lần nào cũng vậy, mỗi lần chặt cây là người dân Hà Nội lại đau lòng đứng nhìn hàng ngàn cây cổ thụ  làm đẹp cho thành phố bị chặt hạ. Cứ mỗi lần Hà Nội nắng kỷ lục là lại chặt cây.

Cá nhân tôi không đồng tình với kiểu chặt hạ mang tính chất công nghiệp như vậy. Giả sử nếu bắt buộc phải chặt hạ, di dời số cây xà cừ thì cũng phải có lộ trình cụ thể, rõ ràng từng giai đoạn, công khai cho người dân nắm bắt được sự việc một cách rõ ràng.

Nếu chặt trụi luôn,  người dân sẽ cảm thấy bị sốc. Đó là chưa kể nhiều người tham gia giao thông còn bị sốc theo đúng nghĩa đen vì nắng'', ông Kiên chia sẻ.

Theo vị chuyên gia cây xanh, ở các nước phát triển, một lần chặt hạ hay di dời một cây cổ thụ nào đó họ sẽ phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng, xem xét nhiều phương án và chọn ra phương án tốt nhất.

Ví dụ, như ở Pháp, trước khi chặt, di dời cây xanh, chính quyền sẽ trình phương án và lấy ý kiến của người dân. Nếu người dân không đồng tình thì có thể làm đơn kiến nghị, đưa ra lý do và yêu cầu dừng chặt cây xanh.

Hà Nội chặt chuyển 1.300 cây xanh: Làm ngược, kém khôn ngoan - 0 

Theo kế hoạch, đơn vị thi công sẽ chặt hạ hơn 1.000 cây, di chuyển 158 cây, cắt tỉa 142 cây. Trong số này có 986 cây xà cừ đường kính từ 0,4 m đến 1,2 m; còn lại là sấu, hoa sữa, phượng vĩ...

''Hà Nội đang thực sự thiếu cây xanh để điều hòa không khí. Theo tôi được biết, Hà Nội đang đứng trong top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Vậy phải đặt dấu hỏi rằng, có thực sự phải chặt hạ cây xanh không?.

Đành rằng, để phát triển kinh tế của thành phố thì phải chấp nhận hi sinh một số thứ. Thế nhưng, điều quan trọng là phải xử lý như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh cũng như đáp ứng được mong muốn của người dân.

Trước mắt, Hà Nội nên có một phương án thay thế một cách từ từ. Ví dụ, cứ có 2 cây thì chặt hạ 1 cây, khoảng cách trống có thể trồng một loại cây đô thị thay thế vào đó.

Sau khi cây thay thế ổn định, bắt đầu tỏa bóng thì tiếp tục hạ giải những cây còn lại. Làm được như vậy, vừa có thể đảm bảo được cho công trình lại có cái để luân phiên che mưa che nắng cho người dân'', ông Kiên đề xuất.

Bài học Cát Linh - Hà Đông

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Chung - Giám đốc một công ty xây dựng trên địa bàn Hà Nội cho rằng, nếu chặt hạ đồng loạt 1.300 cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng cùng một lúc là hạ sách.

''Hà Nội có một bài học rất đắt đó là tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Khi thực hiện dự án này, Hà Nội đã cho chặt hạ hàng ngàn cây cổ thụ trên đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Trần Phú (Hà Đông)...Việc này đã gây xôn xao dư luận trong suốt một thời gian dài.

Tuy nhiên, sau đó mới vỡ lẽ ra rằng, bản thân những cây cổ thụ này vốn không ảnh hưởng tới quá trình thi công tuyến đường sắt đô thị, mà nó chỉ ảnh hưởng khi  tuyến đường đi vào hoạt động. Vậy thì tại sao lại chặt trụi cây như vậy trong khi tuyến đường này vẫn đang xây dựng và bị chậm tiến độ?.

Giả sử vì mấy gốc cây mà bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến tiền thuế của người dân thì chặt cũng đáng, thế nhưng những gốc cây đâu có ảnh hưởng gì đến quá trình thi công tuyến đường?'', ông Chung đặt câu hỏi.

Từ vấn đề này, theo ông Chung, do hệ thống cây xanh không ảnh hưởng đến việc thi công, nên trong thời gian triển khai dự án có thể tính phương án hiệu quả nhất dể di dời, thay thế những cây này. Khi đi vào vận hành tuyến đường thì việc thay thế cây xanh đã xong.

''Làm được như vậy, vừa có thể đảm bảo hệ thống cây xanh cho người tham gia giao thông, vừa có thể đảm bảo an toàn cho công trình. Không thể chặt trụi rồi chờ công trình hoàn thành mới thay thế cây, như vậy là làm ngược'' vị Giám đốc nhấn mạnh.

Nguồn: Hoàng An

Báo Đất Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC