Do mưa lớn kéo dài, hàng loạt công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh buộc phải dừng thi công. Trong số này có nhiều tuyến đê thực sự sẽ sẽ lâm nguy nếu lũ lớn xuất hiện.
Một trong những tuyến đê gây lo ngại là tuyến đê La Giang, công trình phòng lũ trọng điểm của tỉnh, có chiều dài hơn 19 km, đi qua địa phận huyện Đức Thọ và thị xã Hồng Lĩnh, bảo vệ an toàn tính mạng cho gần 30 vạn dân cư với 35.000 ha đất canh tác của các huyện Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh, Can Lộc và một phần huyện Thạch Hà.
Do thực trạng xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa đến sự an toàn của thân đê nên tháng 12/2010, dự án tôn tạo, nâng cấp tuyến đê trọng điểm này đã được khởi công. Dự án có tổng mức đầu tư gần 970 tỷ đồng (Cty CP Đầu tư và phát triển Xuân Thành (Ninh Bình) đảm nhận thi công), dự kiến sẽ đào đắp gần 1,8 triệu đất đá, đổ 75.000 m3 bê tông và sử dụng 2.000 tấn thép.
Với kỳ vọng sẽ hoàn tất trong vòng hai năm, tuy nhiên, đến thời điểm này theo đánh giá của UBND tỉnh Hà Tĩnh, dự án triển khai quá chậm so với tiến độ đã được phê duyệt. Mới đây, sau khi đi kiểm tra thực địa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã kết luận, tiến độ thực hiện dự án quá chậm so với kế hoạch; mới chỉ đạt 37%. Bên cạnh đó, chất lượng công trình còn để lại nhiều dấu hỏi; các nhà thầu chưa chấp hành và thực hiện đúng theo kế hoạch cho công trình vượt lũ; giải phóng mặt bằng còn một số vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ thi công; nhà thầu thiếu vốn thi công…
Những ngày qua, khi mưa lớn liên tục đổ xuống, nước sông dâng cao đã thực sự đe dọa đến sự an toàn của tuyến đê trọng điểm này. Ông Võ Công Hàm - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ - lo lắng: Dự án đang thi công dang dở, phần đất đắp mới vốn chưa có sự liên kết lại chưa được phủ cỏ nên nếu lũ xuất hiện chắc chắn nước sẽ ngấm vào thân đê gây nguy cơ xói lở, nhiều hạng mục sẽ bị nước cuốn trôi. Thực trạng này đe dọa khiến công tác phòng chống lũ lụt của địa phương sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.
Một công trình trọng điểm khác cũng đang gây nhiều lo lắng cho lãnh đạo tỉnh này, đó là dự án gia cố, sửa chữa các hạng mục tại công trình hồ chứa nước Kẻ Gỗ, một trong những hồ chứa nước lớn của các tỉnh Miền trung. Sau trận lũ kép cuối năm 2010, hồ Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã bị hư hỏng và nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Từ tháng 3/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cho tiến hành gia cố, sửa chữa các hạng mục như cánh đóng - mở của cống tưới kênh chính Kẻ Gỗ bị gãy, mái đập phía thượng lưu (từ cốt 18-24m) có hiện tượng sạt lở. Dự kiến việc khắc phục, sửa chữa các hạng mục trên sẽ hoàn thành trước ngày 20/8, tuy nhiên, tính đến thời điểm này công trình vẫn còn nhiều hạng mục đang còn ngổn ngang.
Hồ chứa nước Bộc Nguyên buộc phải mở tràn nhiều tháng nay để phục vụ công tác khắc phục, sửa chữa các hạng mục xuống cấp
Trong số này phải đến hạng mục cống điều tiết nước từ hồ Kẻ Gỗ sang hồ Bộc Nguyên (hồ cung cấp nước sinh hoạt cho TP Hà Tĩnh và vùng phụ cận) nằm liền kề. Để thi công hạng mục này, chủ đầu tư đã xin ý kiến tỉnh cho mở tràn hạ cốt nước trong hồ , đồng thời phá bỏ một phần thân đập hồ Kẻ Gỗ. Đến thời điểm này khi mưa lớn liên tục đổ xuống, việc thi công chậm chạp, nhà thầu chưa cho đắp lại đoạn thân đập bị phá bỏ như hiện trang ban đầu đã thực sự khiến người dân sống dưới hạ nguồn công trình thủy lợi này hết sức lo lắng. Theo đánh giá của một cán bộ thủy nông đã nhiều năm công tác tại hồ Kẻ Gỗ, chỉ cần một sự cố xảy ra, nước tràn qua thân đập chắc chắn sẽ gây vỡ hồ chứa Bộc Nguyên, khi đó tính mạng, tài sản của người dân sẽ bị cuốn trôi.
Cống điều tiết nước từ hồ Kẻ Gỗ sang hồ chứa dân sinh Bộc Nguyên thi công dở dang và khó hoàn thành trong mùa mưa năm nay
Trước thực trạng lo lắng nói trên, mới đây đích thân bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình đã trực tiếp có mặt tại công trình trọng điểm này để chỉ đao, đôn đốc BQL dự án, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời triển khai các phương án tối ưu nhằm đáp ứng tất cả các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Mưa lớn bước đầu đã gây thiệt hại tại huyện Đức Thọ
Ông Võ Công Hàm, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho hay, do nước hạ nguồn sông Lam dâng cao nên hiện đã có 100ha lúa mùa vụ hè thu đến độ thu hoạch tại 7 xã ngoài đê La Giang bị ngập, nếu vài ba ngày tới nước không rút có khả năng mất trắng. Ngoài ra, 50% trong số 60 ha hoa màu tại các xã ngoài đê cũng sẽ bị ảnh hưởng do bà con chưa kịp thu hoạch.
Ông Hàm cho biết, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND huyện Đức Thọ đã có chỉ đạo các địa phương đôn đốc bà con tranh thủ thu hoạch chạy lũ để giảm thiểu thiệt hại về lúa và hoa màu.
Theo Dân trí.