Để xảy ra sơ hở trong chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu khiến doanh nghiệp lách được, tốt nhất hãy ngậm bồ hòn làm ngọt, đừng đổ trách nhiệm.

 

Hãy thôi tranh cãi qua lại!

Ngày 23/3, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính phản pháo về việc đại diện Bộ này cho rằng “Bộ Công thương được giao chủ trì quyết định” trong việc đưa ra căn cứ tính thuế xăng dầu.

Xung quanh việc doanh nghiệp xăng dầu lãi lớn từ chênh lệch thuế, trước đó, hai Bộ này cũng đã nhiều lần "đá bóng" trách nhiệm cho nhau.

Đáng lưu ý, trong lúc hai Bộ không bên nào nhận trách nhiệm chính về việc để lỗ hổng chênh lệch thuế kéo dài hơn 1 năm thì số tiền 3.500 tỷ đồng từ chênh lệch thuế này đã chảy vào túi doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn là người chịu thiệt thòi nhất.

Hai Bộ đổ lỗi nhau về giá xăng: Người dân...chắp tay xin - 0

Bình luận về việc hai Bộ Công thương-Tài chính mải tranh cãi, "đá bóng" trách nhiệm, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam đã phải nặng nề thốt lên rằng: ông, với tư cách là người tiêu dùng, muốn "chắp tay vái" hai bộ.

"Người tiêu dùng đã bị móc túi vì những sơ suất của hai bộ rồi nên tốt nhất là hai bộ đừng tranh cãi qua lại, đổ lỗi cho nhau nữa. Có nhận lỗi thì mới tiến bộ được.

Tôi nói thẳng, để xảy ra chênh lệch thuế dẫn tới không kiểm soát được như thế trách nhiệm thuộc về Bộ Tài chính.

Nhà nước giao cho Bộ chức năng quản lý tài chính, không để  thất thoát tiền nong, giờ Bộ đưa ra chính sách có lỗ hổng, doanh nghiệp lách được, móc túi người tiêu tiêu dùng rồi khi người dân phát hiện ra lại đổ lỗi cho Bộ Công thương.

Tốt nhất hãy ngậm bồ hòn làm ngọt!", ông Nguyễn Văn Thanh gay gắt.

Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc để xảy ra sơ hở trong chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu thể hiện tư duy của công chức nhà nước chưa kịp với hội nhập hiện nay.

Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, thời điểm ký khác nhau nhưng các bộ lại không linh hoạt xem xét mà cứ áp vào.

Rõ ràng tư duy, năng lực quản lý nhà nước đối với giá cả, thuế thiếu nhanh nhạy, gây ra hậu quả là người dân bị móc túi. 3.500 tỷ đồng là số tiền rất lớn và đã được doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thu một cách hợp pháp. Lỗi này, không riêng Bộ Công thương hay Bộ Tài chính, mà các cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm.

"Nếu Bộ Tài chính chủ trì mà Bộ sai thì Bộ Công thương cũng phải có trách nhiệm phát hiện để điều chỉnh, hay ngược lại, nếu Bộ Công thương chủ trì thì Bộ Tài chính, là cơ quan điều hành thuế, theo dõi tài chính cũng phải có trách nhiệm.

Đến lúc này, các cơ quan nhà nước nên hợp tác với nhau để có giải pháp lâu dài quản lý thuế nhập khẩu cho phù hợp với thị trường hiện nay.

Phải tiên lượng trước những vấn đề có thể phát sinh để đề ra được những chính sách phù hợp, đừng để mất bò mới lo làm chuồng, cháy nhà mới lo dập lửa. Các cơ quan nhà nước phải hết sức nghiêm túc và cầu thị để nâng cao trình độ quản lý trong xu thế hội nhập và kinh tế phát triển với cấp độ nhanh.

Bây giờ không phải quy trách nhiệm cho đơn vị này hay đơn vị kia mà các bộ phải cùng trách nhiệm, nếu không phải cơ quan chủ trì thì cũng phải có trách nhiệm phát hiện ra bởi 3.500 tỷ đồng không phải là nhỏ, đó là tiền của dân", ông Liên lưu ý.

Làm sao trả lại tiền cho người tiêu dùng?

Về số phận của 3.500 tỷ đồng, nhiều ý kiến cho rằng phải trả lại cho người tiêu dùng nhưng ông Nguyễn Văn Thanh tự hỏi: "Trả kiểu gì? Biết thế nào mà trả? Chẳng lẽ kê khai từng người mua bao nhiêu xăng dầu trong thời gian qua để trả? Chi phí để làm việc ấy còn quá tội! Tốt nhất là Nhà nước thu hồi, đưa vào ngân sách".

Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Nguyễn Danh Liên cũng nhận định, lúc này trả lại số tiền trên cho người dân đã là chậm vì doanh nghiệp đã thu vào túi, lại không biết ai mà trả. Cho nên, ông đề xuất đưa vào quỹ bình ổn và không tăng giá xăng dầu trong một thời gian đến khi chi hết 3.500 tỷ đồng rồi mới tính.

Một cách khác, ông Liên gợi ý, có thể tạm thời sử dụng một phần số tiền trên để cứu Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

"Bởi chênh lệch thuế nhập khẩu nên doanh nghiệp trong nước không mua sản phẩm của Lọc dầu Dung Quất.

Nhà nước và người dân đã đổ rất nhiều tiền của và công sức để xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, vì thế hãy coi nó là vốn quý của dân tộc, đặt biệt có thể dùng để đề phòng khi tình hình thế giới bất ổn.

Chính vì thế, người Việt hãy dùng hàng Việt, hãy dùng một phần số tiền 3.500 tỷ đồng để bù vào khoản chênh lệch thuế của Dung Quất như một cách hỗ trợ nhà máy lúc khó khăn. Đương nhiên, phía Dung Quất cũng phải đầu tư, phát triển công nghệ, áp dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm", ông Bùi Danh Liên đề xuất.

Theo Minh Thái/ Báo Đất Việt

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC