Hai cô giáo một tấm lòng yêu thương17 tuổi lần đầu tiên biết hỏi "mẹ đi khám có sao không?". Gần 10 năm nhận nuôi một đứa trẻ "đầu đường xó chợ" với bao điều tiếng, nhưng cô giáo Quý - bằng tấm lòng thương yêu đã giúp em thành người.

Cô Sang, 6 năm nuôi nhưng lòng con trẻ luôn hướng về mẹ. Hiểu và thông cảm với hoàn cảnh éo le đó, cô quyết tâm giúp em tốt nghiệp cấp 3.

Thương người như thể thương thân, lá rách ít đùm lá rách nhiều... là những phẩm chất nhân văn  tuyệt vời của người Việt, đặc biệt là của những người phụ nữ Việt Nam. Vượt lên bệnh tật, nghèo khó và mâu thuẫn, hai cô giáo mà câu chuyện thứ Bảy với chủ đề Hòa giải và Yêu thương tuần này cùng chung một tấm lòng chăm lo cho những đứa trẻ không nơi nương tựa, để các em có cơ hội làm người. 

Có mẹ lòng con ấm áp hơn

 Hai cô giáo một tấm lòng yêu thương_0
 
Một chiều ngày nắng đầu hè tháng 5, sau nhiều lần lữa, tôi đã gặp để thuyết phục cô kể về việc làm của mình. Nhận đem về nhà nuôi một đứa trẻ từ khi 8 tuổi đã 9 năm nay nhưng cô cho rằng, đó là việc làm bình thường, "không có gì đáng để nói".

Thế rồi, hết chuyện nọ đến chuyện kia, cô cũng dần chia sẻ "hành trình" nhận nuôi một đứa trẻ dù mình đã đầy đủ con cái.

Ngày đó, cách đây 9 năm, qua một số người quen cô Ngô Thanh Quý - nguyên giáo viên Trường tiểu học Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội - nghe được câu chuyện về một bé gái nghèo khổ phải sống nhờ vào lòng hảo tâm của nhà chùa gần nơi cô dạy học và sinh sống.

Tìm hiểu thì được biết, em Nguyễn Thị Bình sống trong hoàn cảnh vô cùng éo le. Gia đình em ở một vùng quê nghèo khó của một huyện ngoại thành Hà Nội. Bố mẹ chia tay nhau, bố lấy vợ khác, mẹ em một mình nuôi 2 chị em em ăn học trong tình trạng bệnh tật khá nặng. Rồi mẹ em phải cho chị lớn, còn Bình thì cho vào chùa.

Đến 8 tuổi Bình vẫn chưa làm giấy khai sinh!

Thương cảm với hoàn cảnh của em, cô Quý động lòng trắc ẩn, lại được sự ủng hộ của mẹ ruột và chồng nên đã nhận Bình về nuôi và cho ăn học.

Nhớ lại lúc đó, cô Quý trào nước mắt. Hình ảnh bé gái khi dắt về nhà đã 8 tuổi nhưng trong tình trạng vô cùng nhếch nhác, suy dinh dưỡng vì đói ăn, tóc tai bù xù, đầu đầy chấy, thậm chí còn không biết cả cách đánh răng, tắm thì 3 tháng... 1 lần.

Nhận Bình về nuôi được 2 năm thì mẹ em mất. Nhà ngoại em thì quá nghèo nên không nhận nuôi em được, còn nhà nội thì... không quan tâm. Vậy là, từng bước cô Quý dạy dỗ, hướng dẫn Bình như một người mẹ.

Khi nhận nuôi Bình, 2 con trai cô Quý lúc đó đang học ĐH cũng phản đối ghê lắm vì lo ngại em là "trẻ đường phố". Thậm chí, có anh còn giận dỗi hơn 1 năm trời và không hỏi han gì. Cô Quý kể, vì trước đó, Bình đã từng phải đi ăn xin từ Bắc vào Nam nên thiếu sự dạy bảo nền nếp.

Hiểu được điều đó, cô Quý một mặt uốn nắn, dạy bảo Bình, một mặt thuyết phục các con cảm thông. Rồi cũng đến ngày các con cô Quý hiểu được tấm lòng người mẹ, thấy mẹ làm phúc như vậy nên đến Tết cũng "mừng tuổi cho em". Các con nhà cô chú, dù nhiều tuổi hơn vẫn gọi Bình là chị vì  đây là "con nhà bác".

"Nay cháu đã khôn hơn nhiều lắm rồi, đã biết hỏi "mẹ đi khám bệnh có bị sao không" mà trước đây không biết hỏi vậy", cô Quý kể.

Khi được hỏi, mỗi tháng cô chi phí cho em Bình hết bao nhiêu tiền thì cô (cười rất tươi) nói rằng, chưa bao giờ tính nên không rõ. Chỉ biết rằng, mỗi khi lĩnh lương xong thì việc đầu tiên là để tiền đóng học cho con, sau đó mới làm việc khác. Còn chồng cô (rất tự hào khi nhắc đến "người chồng nhân dân") - một đại tá quân đội - đã rất ủng hộ vợ.

Cách đây gần 5 tháng, khi nhiệt huyết của người giáo viên hơn 30 năm nghề còn đang hừng hực thì bệnh tật đã khiến cô phải giã từ bục giảng. Trải qua hơn chục lần xạ trị, truyền hóa chất, cơ thể đã khá mệt mỏi để chống chọi với bệnh tật nhưng cô Quý chưa bao giờ xao nhãng quan tâm đến Bình.

Bình đã lên lớp 9 và chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, hàng ngày đi học về vẫn được mẹ Quý phục vụ cơm nước.

Cố gắng sẽ cho con học hết cấp 3 nhưng không biết kinh tế có "chịu" nổi không, cô Quý trăn trở. Sắp tới, chồng cô cũng nghỉ hưu, thu nhập sẽ giảm. Căn bệnh của cô thì cần... rất nhiều tiền để chữa chạy.

Cô cũng tính cho con đi học nghề may, nhưng con muốn học hết cấp 3. Có khi, cô sẽ về Đông Anh - quê mẹ - mở cửa hàng thì may ra mới đủ tiền cho con đi học. 

"Không muốn ai thương hại!", cô luôn nói thế. Nhưng tôi lại nghĩ, không phải thương hại mà là thương thật lòng. Thương một tấm lòng nhân hậu đang và sẽ được bù đắp, để ngày ngày cô vẫn "quét sân từ nhà mình, qua nhiều nhà khác và ra đến đầu ngõ".

Nuôi con không mong ngày trả công

 

 Hai cô giáo một tấm lòng yêu thương_1
 
Một đồng nghiệp khác của cô Quý ở vùng ngoại thành Hà Nội - cô Nguyễn Thị Sang, nguyên giáo viên Trường tiểu học Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội - lại nhận nuôi một đứa trẻ sống trong nội thành.

Cô Sang nhận nuôi Nguyễn Hải Long từ năm em 7 tuổi (năm 2004) và đến nay (năm 2010) em đã là một cậu học sinh trắng trẻo khỏe mạnh lớp 6.

Cô Sang kể, nhà Long ở gần Bệnh viện Bạch Mai, bố mẹ ly thân từ lâu, em ở với mẹ bị bệnh tâm thần phải điều trị thường xuyên. Long cũng có 1 chị gái 25 tuổi nhưng bị suy dinh dưỡng nặng, rất yếu, không có khả năng lao động. Ba mẹ con phải sống nhờ vào sự cưu mang của gia đình bên ngoại. Long định bỏ học dù mới chỉ là cậu học trò lớp 2. Bất an, lo lắng trước hoàn cảnh đó, cô Sang đã đón Long về nhà nuôi và cho ăn học.

Điều đáng nói là, lúc đó, gia đình cô Sang với 5 người lớn đang phải ở "chen" trong căn nhà cấp 4 rộng không quá 30 mét vuông và 1 tum nhỏ chừng 10 mét vuông. Long lúc đó được xếp ngủ với cậu con trai thứ 2. Cô Sang kể, nhiều lúc cháu rất khó chịu và cứ đòi trả Long về. Vì có thể bớt ăn được, nhưng một thanh niên ngủ chung với một cháu nhỏ, không máu mủ, ruột thịt gì cảm giác rất khó chịu mà Long thì lạ nhà, hay khóc mếu và đái dầm.

Không chỉ có vậy, "rồi còn dâu sinh cháu, cháu nội lớn dần lên, sự tranh giành, xích mích giữa trẻ nhỏ cũng là điều khiến tôi trăn trở", cô Sang nhớ lại.

"Chẳng nhẽ lại trả Long về thật ư? Long sẽ sinh sống học hành ra sao? Long  sẽ lại bỏ học và có khi lại trở thành đứa trẻ hư hỏng mất?", những câu hỏi cứ giằng xé tâm can cô giáo giàu lòng trắc ẩn này.

Thế rồi, từ sâu thẳm tấm lòng bao dung cao cả, cô Sang đã từng bước thuyết phục các con mình làm việc nghĩa. Nhẹ nhàng gặp riêng thuyết phục con dâu để hóa giải xích mích "mẹ chồng nàng dâu", khơi dậy ở con lòng nhân ái; đồng thời gặp riêng Long để khuyên bảo, giáo dục.

Chưa hết, khi tình cảm lắng xuống thì vấn đề kinh tế nổi lên. Nhưng, cần mẫn như "con tằm nhả tơ", tích góp và vun vén từng đồng lương giáo viên eo hẹp, cô Sang đã lo được cho Long ăn học đầy đủ. Mỗi năm tính ra chi phí cho Long gần chục triệu đồng. 

Ông Nguyễn Ngọc Kỳ, chồng cô Sang là một cựu chiến binh, dù lương chỉ khoảng 3 triệu/tháng nhưng cũng chỉ nghĩ "thêm bát thêm đũa" để cùng ủng hộ vợ làm việc thiện.

Bước vào nhà khoanh tay chào khách rất to là điều Long được dạy từ "người mẹ thứ hai này". Từ một cậu bé lầm lì ít nói, mặc cảm với số phận, Long đã dần hòa nhập với các bạn trong lớp, trong trường và cuộc sống ở nơi ở mới.

Khoảng 2 năm gần đây, gia đình cô Sang đã xây thêm được ngôi nhà 3 tầng bên cạnh ngôi nhà cũ. Long được "cấp" luôn cho căn phòng trước đây đã ở chung với một anh. Chỉ hơn 10 mét vuông nhưng Long cũng được "bác" Sang trang bị cho khá đầy đủ các vật dụng cần thiết.

Tuy ở với cô Sang 6 năm nhưng Long chỉ gọi cô là bác. Long chia sẻ, nửa muốn ở đây nửa muốn về với mẹ. Nhưng phải ở đây để còn đi học và có các bạn.

Không quan tâm đến điều đó, cô Sang tâm sự: "Tôi xác định, nuôi được cháu đến đâu tốt đến đó, có thể hết lớp 12 rồi cho cháu kiếm việc làm mà nuôi mẹ, nuôi chị".

 Hai cô giáo một tấm lòng yêu thương_2

 

Với 38 năm trong nghề dạy học, tháng 6/2009, cô giáo Sang đã được nghỉ hưu theo chế độ. Song cô xung phong dạy lớp tình thương cho xã với khoảng 20 HS thiểu năng trí tuệ, chất độc màu da cam,...

Thu nhập không nhiều nhưng cô vẫn ngày ngày đạp xe 4 cây số miệt mài đi truyền đạt kiến thức cho những em có hoàn cảnh bất hạnh. Bởi đó là giá trị sống mà cô thấy hạnh phúc và tự hào...


Theo VNN.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC