Khi người phụ nữ thuộc Top 5 cuộc thi sắc đẹp thế giới mặc chiếc áo thun 40 nghìn và đôi giày lấm lem bùn đất bước lên máy bay, đó vẫn là một hình ảnh tuyệt đẹp. Bởi vị thế và khí chất của cô không phải được làm nên từ xiêm áo.

Hoa hậu “có đồ mặc là được”

Mới đây, bức hình hoa hậu H’Hen Niê chụp cùng một nhân viên hàng không đã thu hút sự chú ý của dư luận, không ít người đã tranh luận sôi nổi về tấm ảnh này. Nhiều ý kiến cho rằng hoa hậu đã không ăn mặc xứng tầm sau khi đạt được thứ hạng cao làm rạng danh nhan sắc Việt tại một cuộc thi thế giới. Ngoài gương mặt mộc nhưng vẫn rạng ngời cùng thể hình nổi trội, H’Hen Niê được cho là đã “mất điểm” khi diện một chiếc áo phông rẻ tiền, áo khoác ngoài lùng bùng, chiếc quần và đôi giày thì lấm đất kém sang.

Thật ra hoa hậu không cần phải giải thích về trang phục của mình. Bởi ngay từ đầu, việc đánh giá, phán xét hình thức và phục trang của người khác trong một hoàn cảnh không phải là dịp cần chú trọng lễ tiết là một việc làm không mấy cần thiết của cư dân mạng. Nhưng có thể với suy nghĩ rằng mình cũng cần có trách nhiệm với cương vị hoa hậu, và biết đâu cũng là để tránh cho nhiều người khỏi gây khẩu nghiệp thêm nữa, nên hoa hậu đã giãi bày rằng:

“Cái áo chắc 40.000 ngoài chợ của em gái Hen treo trong tủ, Hen mượn mặc vì có một đợt dồn hết đồ đem đi cho, nên áo thun đơn giản để mặc cho gần gũi cũng không có. Áo khoác thì của anh trợ lý đẹp trai, Hen mượn do thời tiết về tối lạnh. Quần và đôi giày dính toàn đất đỏ vì đi thực tế, điện, suối, đốt lửa trại, rồi đi tới 1 buôn khác, với đất đỏ và bụi của Đắk Lắk thì chuyện sạch sẽ là khó lắm.”

“Đấy là giải thích thôi chứ thực tế Hen vẫn thấy mình quá lạc quan, thấy bình thường, có đồ mặc là được. Qua sự việc này, Hen cũng sẽ cân nhắc, đi mua thêm nhiều quần áo nữa… cũng lâu rồi chưa đi shop đồ thường ngày.”

42 1 Hoa Hau Chiec Ao 40 Nghin Va Cau Chuyen Ve Xiem Y

Một hoa hậu, siêu mẫu vốn luôn mang hình ảnh nữ hoàng xúng xính xiêm y trong tiềm thức nhiều người lại nói rằng “có đồ mặc là được”. Chẳng phải y phục cũng là một phần của “Lễ” mà người xưa rất coi trọng sao? Là việc riêng của mỗi cá nhân nhưng lại cũng là vì người khác mà lựa chọn cho đúng, bởi quần áo không phải chỉ là để che thân. Nhưng trong trường hợp này, bộ đồ của hoa hậu chẳng có gì là khiếm nhã, không hợp hoàn cảnh hay không đủ tôn trọng người nhìn. Có chăng, việc ăn diện lộng lẫy không cần thiết mới là lạm dụng tước hiệu hoa hậu, xa hoa và dễ dẫn tới sự ngộ nhận về bản thân.

Phong thái không chỉ tới từ xiêm y

Người xưa phân biệt người hành xử theo đúng đạo và người thiếu đạo bằng hai khái niệm “quân tử” và “tiểu nhân”. Nói về hình thức, phong thái của người biết làm người cho đúng, Khổng Tử nói: “Người quân tử không trang trọng thì không có uy, sự học sẽ không vững vàng…”.

Trang trọng ở đây đích thực không phải là bộ tịch giả tạo qua y phục và cung cách dáng vẻ bên ngoài. Trang trọng là chỉnh thể hình thức biểu hiện ra ngoài của lễ nghĩa và đức hạnh của bản thân. Người có lễ thì mọi hành động, đi, đứng, nằm, ngồi, cách ăn uống, nói cười… đều là sự tụ hội những điều tốt đẹp tự nhiên hợp với đạo trời.

Nói cách khác, người nào sống theo lễ thì tự nhiên thân thể sẽ toát ra một dáng vẻ trang trọng khiến người nhìn thấy phải yêu mến, kính nể, do đó mà có phong thái cao sang, uy nghiêm. Y phục chỉ là một phần trong đó, và khi đã có lễ ở trong tâm, thì phục trang cũng sẽ vừa phải, giản dị mà tươm tất, thanh nhã mà không xoàng xĩnh.

Người ta nói “y phục xứng kỳ đức” nào phải chỉ có ý rằng ăn mặc phải cho xứng với địa vị, danh hiệu của bản thân, mà là sao cho xứng với đạo đức, là phản ánh đức hạnh của chủ nhân. Ở nơi buôn làng đất đỏ gập ghềnh ấy, hoa hậu đi khảo sát thực tế cho một chương trình nào đó thì mặc vậy cũng đâu có gì là không xứng kỳ đức?

Trong đời sống bình thường, y phục có thể bình dị. Nhưng vào dịp lễ hay sự kiện, việc ăn mặc lại là để tôn trọng người khác, lúc đó cũng lại cần có lễ nghĩa đức hạnh để suy xét xem nên mặc thế nào cho đúng.

42 2 Hoa Hau Chiec Ao 40 Nghin Va Cau Chuyen Ve Xiem Y

​Bức ảnh chụp của hoa hậu H’Hen Niê sau một lần đi thực tế tại Đắk Lắk. (Ảnh: soha.vn)

Lộng lẫy mà vẫn bị coi là hạng tục khách

Ngày nay, nhiều người đẹp, hoa hậu, kể cả lúc lên hình, đi sự kiện hay đi ra ngoài vui vẻ với bạn bè đều là một phong cách gợi cảm phô diễn vẻ đẹp hình thể quá mức. Vì cái lý lẽ “đẹp khoe ra” không được hiểu cho đúng, y phục lúc đó đã không còn xứng với kỳ đức nữa rồi. Khi trang phục mình mặc có thể khiến người khác thấy bối rối, không thoải mái khi nhìn, thậm chí kích động dục vọng của người khác, thì đó là lỗi ở ta.

Phụ nữ thời nào cũng muốn khoe nét đẹp, bởi đẹp là để tô điểm cho đời. Nhưng cách “khoe” của người xưa rất nhã nhặn và ý nhị. Ngày đại lễ, Tết nhất, các bà mới dám mặc “mớ ba”, “mớ bảy”. Cái đẹp của những tấm áo ở chỗ, mỗi tà áo trong lại chỉ lộ ra một vài li bên dưới tà áo ngoài. Nào có những tấm áo bó sát, xẻ tà cao, khoét cổ sâu như bây giờ.

42 3 Hoa Hau Chiec Ao 40 Nghin Va Cau Chuyen Ve Xiem Y

Phụ nữ thời nào cũng muốn khoe nét đẹp, bởi đẹp là để tô điểm cho đời. Nhưng cách “khoe” của người xưa rất nhã nhặn và ý nhị. (Ảnh minh họa: zing.vn)

Nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy viết về chuyện ăn mặc của các bà các cô trong cuốn Hà Nội thanh lịch rằng: “Không coi mảnh áo, tấm quần nặng hơn phẩm giá con người… Ở cái thời trước ấy, thì cả các cô đào hát, cũng chỉ cốt hát hay, mặc áo the, quần lĩnh, đi dép cong”. Mẹ thường dạy con gái rằng: “Phấn, son, điểm nhạt thôi”. Không chỉ các cô, mà cánh đàn ông, nếu mặc quá sang trọng, lộng lẫy không hợp với đạo đức, hoàn cảnh thì sẽ bị đánh giá là hạng “tục khách”. Ai mà bị mang cái danh “phường phố lụa” thì đúng là mất phẩm giá lắm.

Có người nói cái thời đó lạc hậu, cổ hủ. Nhưng lạ thay, khi người ta đã được “giải phóng” quá nhiều, tự do khỏi những điều lễ tới mức buông tuồng không giới hạn, nhiều người lại bắt đầu nhìn lại. Và lần nhìn lại này, là chúng ta đang đứng ở dưới con dốc của văn hóa, đạo đức để nhìn lên. Thế nên, mới thấy được cái đúng, cái hay của thời xưa cũ ấy.

Những lễ điều, khuôn mẫu, phép tắc hóa ra cuối cùng đều là để bảo vệ con người khỏi sự phóng túng dục vọng. Đó là tấm chắn ngăn chặn sự xa hoa thừa thãi, sự háo danh háo sắc, sự tự mãn, tự tôn, coi thường người khác và cả sự ảo tưởng rằng tấm áo có thể làm nên thầy tu.

Và mọi điều khuôn mẫu ấy lại hoàn toàn hòa hợp với đạo tự nhiên chứ không phải là điều phi lý, chèn ép con người ta. Chính cái việc hình thành định kiến rằng phụ nữ, đàn ông phải phô diễn được các nét đẹp hình thể thì mới là đẹp như ngày nay, mới chính là một sự phi lý, phân biệt và bức hại quá nhiều người.

Tấm quần, tấm áo không làm nên con người, nhưng nó cũng lại thể hiện con người chúng ta. Y phục không phải là để đánh lừa cảm nhận của người khác về ta, mà là một loại ngôn ngữ để giúp người khác hiểu ta, tôn trọng và yêu mến ta.

Nguồn: Nghi Ân

DKN.tv




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC